Như chúng ta đã biết, tình hình kinh tế nước Mỹ đang hồi suy thoái, giá xăng tăng vọt, vật giá leo thang, mức thất nghiệp tăng, thị trường địa ốc tại Hoa Kỳ dang xuống dốc, nhà đất sụt giá, nhiều người không trả nổi nợ ngân hàng đành phải khai phá sản và nhà cửa của họ bị tịch biên. Một trong những lý do gây nên tình trạng này là vì các cơ sở tài trợ cho việc mua nhà đã cho vay bừa bãi; những người có điểm tín dụng thấp cũng được vay tối đa để mua nhà, và trong những trường hợp như thế, người vay phải chịu mức lãi suất cao. Một số mua nhà để ở, nhưng cách nay chững 4, 5, 6 năm, khi thị trường địa ốc Hoa Kỳ đang lên cơn sốt vì giá nhà tăng vùn vụt, rất nhiều người liều mạng mượn tiền mua nhà để đầu tư với một mức lãi suất cao quá khả năng trả nợ của họ, với hy vọng chỉ trong một thời gian ngắn họ sẽ bán lại căn nhà và thu về một khoản lợi nhuận béo bở. Đến khi tình hình địa ốc suy sụp, nhà bán không được mà tiền nhà phải trả hàng tháng tăng lên vì lãi suất tăng khiến họ không thể thanh toán được và đành phải tìm đến luật sư để xin xóa nợ hay khai khánh tận.
Trong những tháng gần đây, con số những người xin xóa nợ hoặc khai khánh tận tại Hoa Kỳ ngày càng nhiều. Ban Việt ngữ đài VOA đã tiếp xúc với luật sư Đỗ Đình Phúc, hiện hành nghề tại thành phố San Jose, bang California để tìm hiểu về luật xin xóa nợ hoặc khai khánh tận và phỏng vấn một phụ nữ chẳng may lâm vào tình cảnh phải xin xóa nợ. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay mời quí thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây do Lan Phương thực hiện.
VOA: Xin ông giải thích về luật phá sản của Hoa Kỳ.
Luật sư Đỗ Đình Phúc: "Luật phá sản dựa trên một nguyên tắc căn bản của kinh thánh. Ngày xưa khi mình mắc nợ, mình có thể bán để trở thành nô lệ. Nhưng trong kinh thánh quan niệm rằng mắc nợ trong vòng 7 năm mà cố trả nhưng trả không nổi nữa thì sau 7 năm họ xóa đi. Từ đó nó trở thành phong tục là nếu người ta mắc nợ mà người ta trả không nổi thì nên xóa cái nợ đó cho người ta. Luật phá sản nhắm mục đích: nếu người ta mắc nợ vì lý do quyết định sai về tài chánh, số tiền họ mượn chính đáng mà bây giờ họ trả không nổi mà phải siết tài sản của họ, buộc họ làm những chuyện mà họ không thể làm được, thì luật cho phép họ nộp đơn ngoài tòa xin xóa cái nợ này đi."
VOA: Thưa ông trong trường hợp nào thì người ta được phép khai phá sản, và ông có thể cho biết thủ tục khai phá sản ra sao ?
Luật sư Đỗ Đình Phúc: "Khi mà người ta nộp hồ sơ xóa nợ, thường thường tôi dùng từ xóa nợ, từ phá sản nó làm cho người ta nghĩ là minh tiêu xài hoang phí rồi bây giờ mình trả không nổi, mình phá tài sản của mình đi. Tôi dịch là: xin cho xóa cái nợ của mình đi. Mà muốn xóa nợ của mình đi, đầu tiên mình phải đặt câu hỏi là: Mình có nên làm hay không? Giả sử mình trả lời là mình nên làm, thì mình đặt câu hỏi kế tiếp là mình có hội đủ điều kiện để mà làm hay không?. Câu hỏi thứ ba, nếu mình hội đủ điều kiện thì mình làm như thế nào?. Câu hỏi 'mình có nên làm hay không?' thì mình phải coi lại tình trạng tài chánh của mình, đồng thời cái nợ của mình. Ngoài vấn đề nộp hồ sơ xóa nợ, mình coi có cách nào mình có thể xóa cái nợ này không mà không cần nộp đơn ngoài tòa hay không. Đó là câu hỏi đầu tiên. Nếu mình muốn làm, muốn nộp hồ sơ xóa nợ thì mình coi thử coi mình có đủ điều kiện để nộp hồ sơ xóa nợ hay không. Mình căn cứ vào 4 yếu tố: Thứ nhất là tài sản của mình có nhiều hơn là luật cho phép mình khai hay không; mức lương của mình có quá cao hay không? Chi phí của mình có hợp tình hợp lý hay không?. Và hơn nữa, cái nợ của mình có chính đáng hay không?. Căn cứ vào 4 yếu tố đó mình xác định được rằng mình có hội đủ điều kiện để nộp hồ sơ xóa nợ hay không. Nếu mà mình hội đủ điều kiện rồi thì mình gom hết cái nợ của mình, nộp hồ sơ ra ngoài tòa để xóa nợ. Trong vòng 30 ngày, luật mới bây giờ bắt buộc là mình phải đăng ký 1 lớp học. Mục đích của lớp học là hướng dẫn cho mình cách sắp xếp tài chánh của mình như thế nào để không rơi vào trường hợp khó khăn trong những năm tới.
VOA: Khi một người đã từng khai để xin xóa nợ rồi thì lấy lại tín dụng phải mất một thời gian bao lâu, và có gì khó khăn không khi họ muốn lấy lại tín dụng?
Luật sư Đỗ Đình Phúc: "Khi mà mình đã nộp hồ sơ xóa nợ rồi thì mình có thể thiết lập hồ sơ tín dụng của mình hay không? Rất nhiều người ngộ nhận trong điểm này cho rằng khi mà mình đã nộp hồ sơ xóa nợ rồi thì 7 năm tới mình không thể làm được gì hết. Điều đó không đúng. Lý do mà người ta nghĩ là 7 năm tới không làm được gì hết là tại vì luật định là 7 năm mới nộp hồ sơ xóa nợ được 1 lần. Bây giờ thì phải 8 năm. Vì luật này mà nhiều người nghĩ rằng trong vòng 8 năm, 7 năm họ không làm được gì hết. Cái phương pháp lập hồ sơ tín dụng lại thì tùy theo người luật sư họ hướng dẫn cho mình để mình có thể thiết lập hồ sơ tín dụng của mình hay không, mình mở những bank account (trương mục) mà nó được secure (bảo đảm) bởi cái tiền trong công của mình, rồi từ từ mình mượn những credit card (thẻ tín dụng) với số tiền rất ít, khoảng 5 trăm, 1 ngàn, rồi mình trả đều như vậy, rồi từ từ họ sẽ cho mình mượn số tiền lớn hơn. Trong suốt bao nhiêu năm, tôi nộp hồ sơ xóa nợ cho cả trăm người như vậy, mà có nhiều người sau khi nộp hồ sơ xóa nợ mấy năm vừa rồi, 2 năm sau họ đã thiết lập hồ sơ tín dụng, họ mua nhà, dĩ nhiên là lãi suất họ phải chịu hơi cao, nhưng mà khi họ thiết lập hồ sơ tín dụng rồi thì họ có thể mua nhà hay mượn tiền, mượn tín dụng như bao nhiêu người khác."
Căn cứ trên 2 cuốn sách 'The Richest Man in Babylon' và 'The Millionaire Next Door', luật sư Đỗ Đình Phúc đưa ra lời khuyên để chúng ta tránh cảnh phải khai xóa nợ hay khánh tận. Theo ông, nguyên tắc căn bản về đầu tư là : tiền lời, hay lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng nhiều. Phải xét xem khả năng chịu nổi rủi ro của mình cỡ nào? Rất nhiều người thu nhập không đủ mà vẫn cố tình mua nhà. Còn những người trở thành triệu phú thường rất cẩn thận khi đầu tư và đặc biệt là họ luôn luôn có nghề chuyên môn.
Cũng trong khuôn khổ của đề tài khai xóa nợ, chúng tôi đã tiếp xúc với bà Thảo Lê, mời quí thính giả nghe câu chuyện sau đây về kinh nghiệm bà trải qua.
VOA: Tại sao chị Thảo lại khai để xin xóa nợ?
Thảo Lê: "Tại vì phải có 2 đầu lương để trả căn nhà đó, nhưng mà rút cuộc tụi em chia tay, không sống chung nữa. Em không có đủ tiền để trả căn nhà đó."
VOA: Khi chị ra gặp luật sư để xin xóa nợ thì chị phải làm những thủ tục như thế nào?
Thảo Lê: Em phải khai là em mua nhà là bao nhiêu, tiền lời là bao nhiêu chấm (lãi suất ). Em phải khai là em có thiếu nợ thẻ (tín dụng) hay không, em thiếu bao nhiêu. Rồi em mới xin vô chương trình số 7 là chương trình xóa nợ hoặc là chương trình số 13 nếu mà mình cảm thấy là mình xin trả góp được. Nhưng trường hợp của em là lương thấp nên em xin vô chương trình số 7 để xóa nợ.
VOA: Chương trình số 7 (Chapter 7) và chương trình số 13 (Chapter 13) khác nhau ra sao?
Thảo Lê: 13 là mình sẽ trả góp, còn số 7 là mình sẽ xóa nợ luôn, khỏi phải trả góp, nhưng mà tùy theo ông tòa còn xét hoàn cảnh mình nữa. Mình xin là một điều, còn ông tòa ổng còn xét đồng lương của mình, hoàn cảnh của mình là đáng cho xóa nợ không hay là mình phải trả góp.
VOA: Thế tòa đã quyết định về trường hợp của chị chưa?
Thảo Lê: Họ không trả lời. Khi mà em ra tòa thì họ chỉ hỏi những điều em khai có đúng như luật sư khai hay không? Có hiểu biết về luật phá sản chưa. Và những gì mà luật sư đề nghị đưa lên trên tòa thì em đã hiểu chưa, em nói em hiểu hết tất cả rồi. Tòa chỉ hỏi như vậy thôi, và em phải chờ 30 ngày. Nếu không ai chống đối hay khiếu nại thì tòa sẽ xử theo những gì em điền trong đơn. Còn nếu có chống đối thì em lại phải tiếp tục ra tòa nữa. Hiện em đang trong thời gian chờ 30 ngày.
VOA: Khi chị phải ra tòa xin xóa nợ như vậy thì cảm nghĩ của chị như thế nào?
Thảo Lê: Rất là buồn, bởi vì em cũng không muốn như vậy. Lúc nào mình cũng muốn mình là một công dân tốt, nhưng mà vì hoàn cảnh thôi. Cái này là nạn chung của xã hội vì bây giờ nhà xuống quá, mà hoàn cảnh em phải 2 người mới trả nổi, mà một người lại ra đi thì chỉ còn 1 đầu lương, em không trả nổi thì bắt buộc là em phải làm thôi, chứ em cũng không muốn như vậy.
Và thưa quí vị, cũng theo luật sư Đỗ Đình Phúc cho biết thì lệ phí khai xóa nợ vào khoảng từ 500 đến 1,500 đô la tùy theo từng trường hợp đơn giản hay phức tạp.
Quí vị vừa nghe Lan Phương phỏng vấn luật sư Đỗ Đình Phúc hành nghề tại San Jose, bang California, và bà Thảo Lê, về vấn đề nộp đơn xin xóa nợ vì không đủ khả năng chi trả.