Cách nay chỉ vài tháng Việt Nam đã được nhiều cho là một Trung Quốc mới, và đã thu hút nhiều tỉ đô la đầu tư nước ngoài nhờ có nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Nhưng vấn đề lạm phát đã xuất hiện và có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát. Giờ đây, chính phủ ở Hà Nội đang ra sức giải quyết hàng loạt những vấn đề có thể khiến cho con tàu kinh tế bị trật đường ray. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Matt Steinglass gởi về từ Hà Nội.
Quí vị vừa nghe một số âm thanh tại một tiệm vàng ở Hà Nội - nơi có nhiều người đến mua vàng để thủ thân trong lúc đồng tiền mất giá. Tháng 5 vừa qua, tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam đã lên tới 25%. Cũng trong tháng này, giá thực phẩm tăng với tốc độ chóng mặt là 22%. Một phụ nữ bán thịt tại một ngôi chợ ở Hà Nội cho biết người dân ở đây đang ra sức giảm bớt chi tiêu.
Người phụ nữ này cũng cho biết là thu nhập của bà đã từ khoảng 250 đô la mỗi tháng giảm xuống còn chưa tới 200 đô la.
Tình trạng thu nhập sút giảm là một điều mà nhiều người ở Việt Nam không mấy quen thuộc, vì từ năm 2000 đến nay kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tỉ lệ bình quân hơn 7%.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế xem Việt Nam là một Trung Quốc thứ hai, và rủ nhau đến đây để đầu tư. Tuy nhiên, như kinh tế gia Jonathan Pincus của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc giải thích sau đây, các khoản đầu tư này có mặt trái của nó.
Ông Pincus nói: "Chúng ta đã và đang ở trong một tình huống mà chúng ta có một nhập lượng tư bản rất lớn tài trợ cho một khoản thâm hụt mậu dịch rất lớn."
Trong 5 tháng đầu năm nay thâm hụt mậu dịch của Việt Nam đã tăng vọt tới 14 tỉ đô la trong khi con số của cả năm 2007 là 11 tỉ. Nhập lượng vốn nước ngoài ở mức cao đã tạo áp lực khiến đồng bạc Việt Nam tăng giá. Nhưng như vậy thì hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn và phương hại tới các công ty trong nước. Vì thế cho nên chính phủ đã tìm cách kiềm hãm tỉ giá hối đoái bằng cách dùng tiền đồng để mua đô la - khiến cho lượng tiền đồng lưu hành tăng cao và góp phần gây ra nạn lạm phát.
Giá xăng dầu và thực phẩm gia tăng trên thị trường thế giới cũng khiến cho tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam gia tăng, và theo nhận xét của ông Adam McCarty của Công ty Phân tích Kinh tế Mekong, tình hình cũng trở nên nghiêm trọng hơn vì số lượng tiền cho vay tăng mạnh.
Ông McCarty nói: "Vấn đề chúng ta nói tới ở đây là các ngân hàng - chủ yếu là những ngân hàng cổ phần qui mô nhỏ và mới được thành lập trong vài năm gần đây, đã tham gia rất nhiều vào các hoạt động địa ốc và chứng khoán; và trong năm 2007 lượng tín dụng mà họ cung cấp đã tăng hơn gấp đôi, cho nên bây giờ họ gặp rất nhiều khó khăn."
Để kiềm hãm đà gia tăng tín dụng, chính phủ đã siết chặt các qui định về tín dụng và tăng lãi suất, nhưng hai biện pháp này có mối rủi ro là sẽ gây ra tình trạng sụp đổ của một số ngân hàng cho vay quá nhiều. Chẳng những thế, thị trường chứng khoán Việt Nam - vốn là một trong những thị trường tăng giá nhiều nhất thế giới hồi đầu năm 2007, đã sút giảm hơn 50% trong những than1g vừa qua.
Đến cuối tháng 5, dân chúng Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài mất dần niềm tin vào đồng bạc Việt Nam, khiến cho chính phủ phải giảm 2% tỉ giá của tiền đồng và nâng lãi suất cơ bản từ 12% lên tới 14%.
Ông Peter Ryder, Giám đốc tập đoàn đầu tư Indochina Capital, cho rằng các biện pháp vừa kể đã giúp trấn an các nhà đầu tư, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ.
Ông Ryder nói: "Theo tôi thì có một vấn đề rất lớn là phải chăng họ có thể khắc phục vấn đề bằng cách từ từ giảm giá tiền đồng. Đây có phải là cách hay nhất hay không? Hay là họ có thể phá giá ngay một lúc với tỉ lệ 20%? Hay là họ chỉ xả hơi từ từ cho bánh xe xẹp dần?"
Các nhà phân tích của các ngân hàng đầu tư Merrill Lynch, Deutsche Bank, và Morgan Stanley cảnh báo rằng Việt Nam có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tiền tệ nếu chính phủ không tăng lãi suất, phá giá đồng bạc, đóng cửa các ngân hàng thua lỗ, và cắt giảm chi tiêu chính phủ.
Ông McCarty của công ty phân tích kinh tế Mekong cho rằng tuy có phần chắc là sẽ không xảy ra khủng hoảng, nhưng không hẳn là không thể xảy ra.
Ông McCarty nói: "Tình huống tệ hại nhất có thể xảy ra là họ không có thêm những quyết định khó khăn, không thể bảo vệ tỉ giá hối đoái, và ngoại hối bị cạn kiệt. Trong trường hợp như vậy thì có thể xảy ra khủng hoảng ngoại hối như ở Thái Lan hồi năm 1997. Nếu điều này xảy ra thì nó sẽ xảy ra trong năm nay."
Kinh tế gia Pincus của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc cho rằng dự báo những tình huống nguy hiểm như vậy không phải là hoàn toàn đúng.
Ông Pincus nói thêm: "Khi người ta xét tới nhập lượng tư bản thì họ nghĩ rằng tiền đồng nên tăng giá vì có nhiều tiền từ nước ngoài đổ vào. Nhưng khi họ bắt đầu nghĩ tới vấn đề thâm hụt mậu dịch thì họ lại cho rằng tiền đồng nên giảm giá vì tiền trong nước chạy ra nước ngoài quá nhiều. Vấn đề này thật ra là một vấn đề tâm lý chứ không hẳn là có liên hệ tới các yếu tố cơ bản của nền kinh tế."
Đối với những người Việt Nam đang gặp khó khăn vì thu nhập và sức mua bị sút giảm lần đầu tiên trong hơn một thập niên thì ảnh hưởng của tâm lý thị trường quả là một điều mà họ cảm nhận rất rõ rệt.