Đua xe là một trong những thú vui hào hứng cho giới trẻ.Tham gia vào một toán đua xe lại là một mơ ước của nhiều người, và tham gia để vừa học hỏi vừa thỏa mãn trí tò mò và theo đuổi niềm đam mê sáng tạo là điều mà nhiều sinh viên của các trường đại học của Hoa Kỳ vẫn làm trong suốt những năm miệt mài học tập. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay sẽ tường trình cùng quí vị về chiếc xe tự động của một nhóm sinh viên ban cơ khí của trường Virginia Tech thuộc đại học Virginia, chiếc đã chiếm giải ba trong cuộc đua tổ chức vào tháng 11 năm ngoái. Lan Phương sẽ gửi đến quí thính giả các chi tiết sau đây qua cuộc mạn đàm với vị giáo sư chủ nhiệm và sinh viên đứng đầu nhóm chế tạo chiếc xe này. Mời quí vị theo dõi.
Năm 2007, toán sinh viên của trường Virgina Tech với tên là VictorTango đã hợp lực sáng tạo chiếc xe được đặt tên là Odin để tham gia vào cuộc đua do cơ quan DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency) tổ chức. Đây là cơ quan thuộc bộ quốc phòng tuy không trực tiếp can dự vào các hoạt động quân sự, nhưng nó giữ nhiệm vụ phát triển những công nghệ mới từ những công nghệ căn bản. Được sự ủng hộ tài chính của cơ quan DARPA và sự hỗ trợ tài lực, vật lực của nhiều công ty khác, toán VictorTango của trường Virginia Tech đã hoàn thành chiếc xe tự động Odin để tham gia cuộc đua diễn ra ở một nơi trước đây là 1 căn cứ không quân tại Victorville, bang California. Vào ngày 3 tháng 11 năm 2007, chiếc Odin đã vượt lằn ranh của mức đến sau 6 tiếng đồng hồ băng qua 1 quãng đường dài 60 dặm.
Chiếc Odin chiếm giải ba với tiền thưởng 500,000 đô la, sau chiếc xe của đại học Carnegie Mellon chiếm giải nhất với 2 triệu đô la, và chiếc xe của toán sinh viên thuộc đại học Standford giải nhì, 1 triệu đô la.
Có 35 chiếc xe đã tham gia cuộc đua có tên là Urban Challenge có nghĩa là Những Thử Thách của Giao Thông Đô Thị. 11 chiếc được vào chung kết. Trong vòng đua chung kết, qui luật đòi hỏi những chiếc xe tham dự phải hoàn toàn tự động, không có sự điều khiển cuả con người mà xe vẫn di chuyển và tuân thủ mọi luật lệ giao thông của California, làm sao nhập vào dòng xe cộ đang lưu thông, chạy vòng qua các bùng binh và tránh những chướng ngại vật. Chiếc xe phải tự nó nghĩ như thể có con người đang cầm bánh lái và liên tục phải quyết định nhanh như chớp trong một tích tắc để tránh xảy ra tai nạn. Chỉ có 6 chiếc xe tới được mức đến, 3 chiếc xe kia thuộc đại học Cornell, MIT (Massachesett Institute of Technology) và 1 chiếc chung của 2 trường đại học Pennsylvania và Lehigh.
Toán Victor Tango đã cải biến một chiếc xe lai tạo do hãng Ford tặng để hoàn thành chiếc xe tự động này.
Anh Patrick Currier, sinh viên trưởng toán, giải thích thêm: "Chiếc xe hoàn toàn tự động, nó được điều khiển toàn bộ bằng computer, vì thế điều chủ yếu mà chúng tôi làm là gắn một bản đồ đường sá vào và ra lệnh cho chiếc xe đến nơi mà chúng tôi muốn đến. Máy computer sẽ nhận lệnh đó rồi tính toán đường đi đến nơi. Chiếc xe có một hệ thống định vị tinh vi nên lúc nào nó cũng biết nó đang ở đâu và bắt đầu di chuyển. Còn bên ngoài xe, chúng tôi trang bị cho nó các máy quét phóng tia laser để phản chiếu các vật thể, nên nó có thể phát hiện các xe khác, cây cối, đường xá hay bất cứ vật gì trên đường đi của nó mà tránh."
Có từ 15 đến 20 sinh viên ban thạc sỹ là nhân viên chủ lực của toán chế chiếc xe đua, cùng với khoảng 50 sinh viên khác thuộc ban cử nhân. Tất cả làm việc cật lực, 60 giờ mỗi tuần, trong suốt 1 năm trời.
Anh Patrick Currier cho biết: "Ai nấy đều mệt nhoài, nhưng tất cả đều làm việc trong tinh thần đồng đội, hòa hợp với nhau rất tốt, ai cũng muốn hoàn tất cho xong và mong chiếc xe chạy thật ngon trớn trong cuộc đua. Mọi người đều tập trung vào việc hoàn tất và khi đem xe đi đua, chúng tôi phải bảo đảm là mọi chuyện đâu vào đấy, và tôi phải nói rằng tất cả chúng tôi đều căng thẳng và hồi hộp khi chiếc xe bắt đầu chạy. Chúng tôi chỉ biết vẫy tay chào mà không biết là nó có trở về được hay không, nhưng may mắn là nó đã trở lại. Khi chúng tôi biết là chiếc xe về hạng ba thì tất cả đều vui mừng, phấn khởi không sao kể xiết."
Với số tiền thưởng 500,000 đô la, các sinh viên trong toán chế chiếc xe tự động đang tính đến một dự án khác. Tuy nhiên, anh Patrick cho biết hiện anh chưa thể tiết lộ về dự án mới.
Trong tinh thần hợp sức học hỏi, thực tập, và theo đuổi những dự án mà các sinh viên muốn làm, vị giáo sư chủ nhiệm của toán xe đua, ông Charles Reinholtz, nhận định:
"Các sinh viên lấy làm vinh dự khi tham gia vào dự án nên tôi không phải ở trong vị trí ra bài cho sinh viên, mà chính các sinh viên chạy đến với tôi nói rằng : chúng em muốn chế chiếc xe này, chúng em cần sự trợ giúp, vậy thầy có thể chỉ dẫn cho chúng em phải làm ra sao, thầy có thể giúp tìm chuyên gia để cố vấn cho chúng em, cũng như loại công nghệ để giúp chúng em xúc tiến dự án hay không. Đây là một phương cách giảng dạy tốt hơn rất nhiều, chúng tôi gọi đây là cách học hỏi chủ động, hoặc là cách học hỏi căn cứ vào kinh nghiệm. Các sinh viên thực sự nhúng tay vào việc và cảm thấy hãnh diện về điều họ làm."
Giáo sư Reinholtz cho biết có lần một nhóm sinh viên ban cơ khí đề nghị với ông để họ chế một chiếc xe hơi với những nét mới nào đó, gồm cả chuyện gắn một máy phát điện nhỏ ngay trên xe, ông bảo các sinh viên là ông tôn trọng ý kiến của họ nhưng không nghĩ các em nên xúc tiến dự án này, các sinh viên thì cho rằng đó là ý kiến hay, vậy giáo sư có hỗ trợ cho họ hay không. Sau đó, có buổi duyệt xét về thiết kế và ông giữ nguyên ý kiến cho rằng đó không phải là ý kiến hay nhưng ông vẫn giúp họ thực hiện dự án. Kết cục thì dự án đã được hoàn tất và ý kiến lúc đầu của giáo sư là sai lầm, đó là dự án rất hay, nhưng ít ra ông cũng đủ khôn ngoan mà đồng ý giúp họ xúc tiến dự án chứ không bác bỏ.
Và theo giáo sư, đây chỉ là một thí dụ đơn lẻ trong rất nhiều kinh nghiệm mà ông đã từng gặp trong vai trò giảng dậy tại đại học, những thí dụ cho thấy phần chủ động trong việc học hỏi của sinh viên đã giúp họ tiến bộ như thế nào và góp phần đẩy mạnh những phát minh, sáng chế hữu ích.