Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết trong việc thúc đẩy để các phẩm vật cứu trợ nhanh chóng đến được Miến Điện. Ông Ban nói rằng chính phủ Miến Điện vẫn chưa làm đủ để cho phép các phẩm vật cứu trợ từ nước ngoài vào Miến Điện. Chính phủ đã xác nhận có hơn 38,000 người thiệt mạng trong trận bão mới đây, và trên 27,000 người vẫn còn đang bị mất tích. Tuy nhiên các giới chức của Liên Hiệp Quốc e rằng số tử vong có thể lên đến trên 100,000 người. Thông tín viên Alex Villarreal của Đài VOA từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York gởi về bài tường trình sau đây.
Hôm qua, ông Ban Ki-moon đã nói với các ký giả rằng ông đang triệu tập một cuộc họp với các quốc gia cấp viện hàng đầu để thaỏ luận về điều mà ông gọi là các 'biện pháp cụ thể' để ứng phó với thảm họa bão lụt ở Miến Điện. Ông Ban nói rằng cuộc họp sẽ bao gồm các đại diện của khối Asean, là hiệp hội mà Miến Điện là nước hội viên.
Vị Tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc nói rằng ông vẫn chưa nói chuyện với nhà lãnh đạo Miến Điện là Đại tướng Than Shwe, mặc dù đã nhiều lần gọi điện thoại và gởi thư. Ông Ban lập lại sự bực giọc của ông đối với cách hành xử của chính quyền quân nhân Miến Điện trước cuộc khủng hoảng này.
Ông Ban nói: “Mặc dù thái độ của chính phủ Miến Điện đã linh hoạt đôi chút, nhưng vào lúc này thái độ đó còn thiếu sót quá nhiều. Tầm mức to lớn của tình hình hiện nay đòi hỏi phải huy động thêm rất nhiều nguồn lực và nhân viên cứu trợ.”
Sáng hôm qua Thủ tướng Anh Gordon Brown đã đề nghị Liên Hiệp Quốc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về Miến Điện và nói thêm rằng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nên đến thăm nước này.
Hiện nay Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp 200 triệu đôla để giúp cho những người còn sống sót sau trận bão. Người đứng đầu chương trình cứu trợ của Liên Hiệp Quốc, ông John Holmes nói rằng các quốcc gia cấp viện đã gởi hoặc đã cam kết giúp 150 triệu đôla.
Thực phẩm, nước uống, các trang thiết bị y tế và thuốc men tiếp tục được gởi đến ngày càng tăng với số lượng lớn, nhưng ông Holmes nói rằng vấn đề lớn nhất vẫn là Miến Điện không cho các nhân viên cứu trợ nước ngoài được vào nước họ.
Ông Holmes nói: “Chúng tôi hối thúc các giới chức Miến Điện nên có sự thay đổi triệt để trong lĩnh vực này để cho phép các nhân viên quốc tế được đến làm việc tại các khu vực bị ảnh hưởng.”
Trong một hành động mà ông Holmes đã gọi là 'một dấu hiệu nhỏ của sự mở cửa có chọn lọc', chính phủ Miến Điện đã yêu cầu các nước láng giềng là Thái Lan, Bangladesh, Ấn Ðộ và Trung Quốc gởi 160 nhân viên cứu trợ đến nứơc họ.
Ông Holmes nói rằng những tiến bộ như vậy vẫn còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của 1 triệu 6 cho đến 2 triệu rưỡi người dân Miến Điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão Nargis.