Giới chức Nam Triều Tiên vừa được bổ nhiệm làm trưởng đoàn thương thuyết của Hán Thành tại cuộc đàm phán 6 bên tuyên bố rằng cuộc thương thuyết để giải trừ vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên cần được mở lại càng sớm càng tốt. Trong lúc có tin về việc Washington và Bình Nhưỡng có thể sắp đạt được thỏa thuận để giải quyết vụ bế tắc kéo dài 4 tháng qua, chính phủ Nam Triều Tiên nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ nhận được nhiều sự tưởng thưởng sau khi khai báo đầy đủ các hoạt động hạt nhân của mình. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Ông Kim Sook, một viên chức ngoại giao kỳ cựu của Nam Triều Tiên, hôm nay xác nhận rằng các nhân viên ngoại giao cấp công tác của Mỹ sẽ đến Bình Nhưỡng trong nay mai để thảo luận về các chi tiết liên quan tới bản khai báo hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Bản khai báo của Bình Nhưỡng đã bị trễ nãi hơn 4 tháng so với thời hạn chót mà họ cam kết là cuối năm 2007. Việc đưa ra văn kiện này là một bước then chốt trong một thỏa thuận nhiều giai đoạn nhằm chấm dứt khả năng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Để đổi lại, Bắc Triều Tiên sẽ nhận được những khoản viện trợ quốc tế và những tưởng thưởng khác về ngoại giao và chính trị.
Ông Kim Sook tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên sẽ nhận được lợi ích ngay sau khi nộp bản khai báo hạt nhân.
Ông Kim cho biết rằng Hoa kỳ sẽ có những biện pháp cần thiết hầu như đồng thời với việc Bắc Triều Tiên nộp bản khai báo.
Một trong những tưởng lệ then chốt mà ông Kim nói tới là đưa Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách của Mỹ về các nước bảo trợ khủng bố. Hành động đó sẽ dọn đường cho Bắc Triều Tiên nhận viện trợ và đầu tư của cộng đồng quốc tế.
Các giới chức Nam Triều Tiên và Hoa kỳ nói rằng nguyên do chính khiến cho bản khai báo bị trễ nãi là một vụ tranh chấp giữa Bình Nhưỡng và Washington về tố cáo của Mỹ cho rằng Bắc Triều Tiên theo đuổi một chương trình bí mật để tinh luyện uranium và có thể đã cung cấp trợ giúp hạt nhân cho Syrie.
Hiện chưa có nhiều chi tiết về thỏa thuận mà rõ ràng là các vị đặc sứ của Mỹ và Bắc Triều Tiên đã đạt được tại Singapore hồi tuần trước. Tuy nhiên, có tin cho hay: Bắc Triều Tiên sẽ thừa nhận mối quan tâm của Mỹ dưới một hình thức nào đó thay vì khai báo rõ ràng về việc này.
Đặc sứ Kim Sook của Nam Triều Tiên cho biết các nhà thương thuyết sẽ phải trải qua điều mà ông gọi là một con đường gập gềnh để kiểm chứng bản khai báo hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ông cũng yêu cầu Bắc Triều Tiên đưa ra bản khai báo với những thông tin rõ ràng.
Theo lời ông Kim, về các vấn đề liên quan tới việc Bắc Triều Tiên tinh luyện uranium và hợp tác với Syrie sẽ không có trường hợp là một bên cứ giả vờ là đã khai báo đầy đủ và bên kia thì cứ giả vờ là tin vào những gì đã được khai báo.
Trong 5 năm qua, Hoa kỳ, Nam Triều Tiên, Nhật bản, Trung Quốc và Nga đã ra sức thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy trợ giúp kinh tế và cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế. Đặc sứ Kim Sook nói rằng Nam Triều Tiên kiên quyết không để cho Bắc Triều Tiên, là nước đã thử nghiệm một vũ khí hạt nhân vào năm 2006, được giữ lại kho vũ khí hạt nhân của mình.