Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng có hơn 600 người đã ra đầu thú với chính quyền sau khi loạt biểu tình của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc biến thành bạo động. Từ Bắc Kinh, phái viên Daniel Schearf của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Tân Hoa Xã nói có 280 người đã ra tự ý ra trình diện với cảnh sát tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, trong khi 381 người khác ra nộp mình tại tỉnh Tứ Xuyên miền tây bắc. Giới hữu trách Trung Quốc đã yêu cầu người Tây Tạng ra trình diện sau khi tham gia các cuộc biểu tình, một cuộc bạo loạn, và các cuộc xung đột với cảnh sát.
Chính phủ Trung Quốc nói rằng những người làm loạn đã gây thiệt mạng cho 19 thường dân và một cảnh sát viên. Chính phủ còn nói rằng hàng trăm người khác đã bị thương khi các cuộc biểu tình và xung đột lan ra các tỉnh lân cận. Chính phủ lưu vong Tây Tạng thì nói có 140 người đã thiệt mạng trong những cuộc xung đột và cuộc đàn áp của cảnh sát.
Bắc Kinh thừa nhận cảnh sát đã bắn vào người biểu tình nhưng nói rằng đó là để tự vệ, và chỉ có 4 người bị thương chứ không có ai chết cả. Trong khi nhiều nước kêu gọi Trung Quốc tự chế, Bắc Kinh đổ lỗi cho lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng đang sống lưu vong, và là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã kích động bạo lực.
Ông Tần Cương, một người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Đức Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người ủng hộ ông đã âm mưu, kích động, hoạch định và tổ chức bạo động. Người phát ngôn của Trung Quốc nói rằng mục đích là để chia rẽ Trung Quốc, làm tổn hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, ổn định xã hội và đe dọa đến sinh mạng và tài sản của dân chúng địa phương.
Bất kể những mưu toan của Bắc Kinh định gán cho Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người xấu xa, ngay cả những học giả được nhà nước ủng hộ cũng thừa nhận rằng nhà lãnh đạo Phật giáo này được nhiều người Tây Tạng kính nể.
Giáo sư Dramdul là giám đốc Viện Khảo cứu Tôn giáo tại Trung Tâm Nghiên cứu Tây Tạng của Trung Quốc.
Giáo sư Dramdul nói rằng những tín đồ Phật giáo tại Tây Tạng có một niềm tin vững chắc và họ rất tôn kính vị Phật sống trong giới Phật giáo Tây Tạng. Nhưng học giả này nói thêm rằng các cảm nghĩ đó đã bị một số người lợi dụng cho mục đích riêng của họ. Người Tây Tạng biểu tình tại Lhasa hôm 10 tháng ba, là ngày kỷ niệm một cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1959 do Đức Đạt Lai Lạt Ma lãnh đạo để chống lại ách thống trị khắc nghiệt của Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa đã biến thành bạo động hôm 14 tháng 3 với những tòa nhà bị đốt và các cửa hàng bị cướp phá. Chưa rõ điều gì đã biến các cuộc biểu tình từ ôn hòa chuyển sang bạo động, và không có con số thương vong nào được kiểm chứng một cách độc lập.
Nhà chức trách Trung Quốc đang tháp tùng một nhóm ký giả nước ngoài đến Tây Tạng để thực hiện một chuyến đi tường thuật trong 3 ngày.
Ông Tần Cương cho hay họ sẽ sắp xếp những cuộc phỏng vấn với các nạn nhân và để cho các ký giả nhìn thấy những thiệt hại do những người làm loạn gây ra ngõ hầu họ có thể tìm hiểu điều mà ông gọi là sự thực về những biến cố đó.