Trung Quốc nói rằng họ đang tham gia một cuộc chiến sinh tử với Đức Đạt Lai Lạt Ma về vấn đề Tây Tạng, sau khi đã truy quét các cuộc biểu tình bạo động hồi tuần trước. Trung Quốc cũng xem nhẹ những lời kêu gọi của các tổ chức nhân quyền quốc tế và của các nhà hoạt động bệnh vực Tây Tạng, muốn quốc tế tẩy chay Olympic Bắc Kinh năm nay. Thông Tín Viên Stephanie Ho từ Bắc Kinh gởi về bài tường trình sau đây.
Bí Thư của đảng cộng sản Trung Quốc tại Tây Tạng là ông Zhang Qingli nói với các quan chức trong chính quyền Tây Tạng rằng Trung Quốc đang tham gia một cuộc tranh đấu gay go với một nhóm người mà chính quyền Trung Quốc gọi là 'bọn Đạt Lai'.
Ông nói rằng cuộc tranh đấu này có máu và lửa, ý muốn nói đến cuộc nổi loạn có bạo động chống Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước lại thủ đô Lhasa của Tây Tạng.
Con số người chết chính thức mà chính quyền Trung Quốc đưa ra là 13 người, mà Trung Quốc gọi là thường dân vô tội, trong khi các nhóm tranh đấu Tây Tạng nói con số thực sự cao hơn nhiều.
Trung Quốc tố giác Đức Đạt Lai Lạt Ma dàn dựng các vụ biểu tình tại Lhasa và tại những nơi có người Tây Tạng trên khắp Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc nói rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ đạo những vụ đó, từ tư thất của Ngài ở Dharmsala trên đất Ấn Độ.
Báo chí Trung Quốc đưa tin: đã có 105 người tham gia biểu tình ra trình diện với Nhà chức trách, vào lúc sắp sửa hết hạn để họ phải ra trình diện, nếu không sẽ bị trừng phạt thật nặng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi chấm dứt bạo động và nói rằng Ngài là con dê tế thần trước sự thiếu tiến bộ của Bắc Kinh trong vấn đề cải thiện mối quan hệ giữa họ với người Tây Tạng ở bên trong Tây Tạng.
Vì lý do có xáo trộn ở Tây Tạng, nhiều tổ chức tranh đấu nhân quyền và nhiều nhà hoạt động bệnh vực Tây Tạng đã kêu gọi những nhân vật có thế lực của quốc tế định đến dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh hãy hủy bỏ ý định đó.
Nhưng ông Jiang Xiaoyu trong Ủy ban tổ chức Olympic nói rằng những người chống đối lễ khai mạc Olympic chỉ là một nhúm nhỏ.
Ông Jiang nói rằng ông hy vọng là khắp thế giới sẽ có quyết định đúng đắn, và sẽ tham gia lễ khai mạc Olympic và các cuộc tranh tài thể thao khác.
Ông cũng đề cập một vấn đề đuốc Olympic, sắp sửa được rước, và sẽ đi ngang qua Tây Tạng. Ông nói rằng tình hình tại Lhasa đã ổn định cho nên chuyện rước đuốc đi ngang qua đó vẫn được tiến hành.
Ông nói rằng đỉnh cao của cuộc rước đuốc là khi đuốc được đưa lên ngọn núi Everest cao nhất thế giới. Các nhà leo núi và những người rước đuốc sẽ thực hiện cuộc leo núi này vào tháng 5.
Các nhà hoạt động đã tổ chức biểu tình phản đối trước trụ sở Ủy ban Olympic Quốc tế ở Thụy Sĩ. Họ đòi Trung Quốc không được rước đuốc ngang qua Tây Tạng và 3 tỉnh xung quanh, có người Tây Tạng sinh sống.
Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Tư, ông Jiang Xiaoyu trong Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh nói rằng ban tổ chức có biết đến chuyện sẽ có biểu tình cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc trong suốt 130 ngày rước đuốc. Nhưng ban tổ chức tin tưởng Nhà chức trách sẽ duy trì được ổn định và trật tự.
Về những cuộc biểu tình bên ngoài Trung Quốc dọc theo lộ trình rước đuốc, ông Jiang nói rằng các cuộc biểu tình này đi ngược với chủ đề của cuộc rước đuốc mà Trung Quốc đã đưa ra, vì Trung Quốc gọi cuộc rước đuốc là cuộc 'Hành Trình của sự Hài Hòa'.