Đường dẫn truy cập

LHQ chú trọng vào các chương trình nhằm cải thiện tình trạng phụ nữ


Nhân ngày quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, ủy ban Liên Hiệp quốc về Tình trạng Phụ nữ cứu xét việc tài trợ cho các chương trình nhằm cải thiện sinh hoạt của phụ nữ, nhất là tại các nước đang phát triển. Phái viên William Eagle của đài VOA tại thủ đô ghi nhận chi tiết trong bài được chọn làm đề tài cho Câu chuyện Phụ nữ kỳ này.

Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay là “Đầu tư vào Phụ nữ.” Phụ nữ chiếm phần lớn lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp ở Châu Phi và các nơi khác. Các giới chức Liên hiệp quốc cho rằng đầu tư vào phụ nữ có thể giúp giảm thiểu tình trạng nghèo khó và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực vậy, cố vấn đặc biệt của Liên hiệp quốc về các vấn đề phái tính, bà Rachel Mayanja, từng nói rằng cải thiện tình trạng phụ nữ có thể đưa đến việc tăng tới 20 phần trăm năng suất nông nghiệp.

Một vấn đề chủ chốt được đưa ra tranh luận tại Hội nghị thượng đỉnh năm nay của Ủy ban Phụ nữ tổ chức ở New York từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 7 tháng 3 là 'quy định ngân sách dựa theo giới tính'. Các bộ trưởng tài chính, các đại biểu của các tổ chức phi chính phủ và các giới chức Liên hiệp quốc đang thảo luận những phương cách để bảo đảm rằng ngân sách quốc gia phản ánh nhu cầu của phụ nữ.

Bà Aminata Toure là người đứng đầu phân ngành về Giới tính, Văn hóa và Nhân quyền thuộc Quỹ Dân số Liên hiệp quốc. Bà nói rằng nhiều chính phủ đã dành ưu tiên thấp cho các vấn đề phụ nữ.

Bà Toure nói: “Vấn đề ở các quốc gia đang phát triển là có nhiều nhu cầu cạnh tranh với nhau. và các nhu cầu của phụ nữ có xu hướng bị xếp vào hạng chót trong các ưu tiên. Ở nhiều nước, bộ phụ trách các vấn đề phụ nữ không được mạnh lắm. Chẳng những thế, các bộ này còn có thể là yếu nhất xét về mặt tài nguyên được phân bổ. Đó là điều chúng tôi muốn cải thiện và đồng thời hỗ trợ cho các quốc hội bảo đảm rằng phụ nữ được thụ hưởng phần xứng đáng trong tài nguyên quốc gia.”

Các giới chức Liên hiệp quốc nói rằng một vấn đề khác mà phụ nữ phải đương đầu là bạo lực. Các số liệu thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy cứ trong 6 phụ nữ Phi châu thì có 1 người là nạn nhân của bạo lực giới tính. Tháng này, tổng thư ký Liên hiệp quốc, ông Ban-Ki moon đã lên tiếng kêu gọi sự cam kết chấm dứt tình trạng này.

Trong số các hành động bị coi là một phần trong bạo lực giới tính là một tục lệ thông thường ở nhiều nước Tây và Đông bắc Phi châu, đó là cắt xẻo bộ phận sinh dục nữ, còn gọi tắt là FGM theo các mẫu tự đầu của cụm từ tiếng Anh Female Genital Mutilation.

Bà Micheline Ravololonarisoa là giám đốc ban đặc trách Phi châu của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hiệp quốc.

Bà nói rằng cuộc vận động quốc tế chống FGM đang đưa tới việc giảm thiểu tục lệ này. Bà nói cuộc vận động có thể thành công một phần nhờ sự tham gia của các nhà lãnh đạo tôn giáo, là những người bác bỏ rằng tục lệ này là một phần của truyền thống Cơ đốc giáo hay Hồi giáo.

Bà Ravololonarisoa nói: “Những người muốn thao túng tôn giáo và điều được gọi là niềm tin văn hóa vì lợi ích và các mục đích riêng của họ đã bị thất bại bởi vì chính các nhà lãnh đạo tôn giáo – những người bảo vệ các văn bản về tôn giáo nói rằng không có giáo điều nào trong Kinh Thánh hay Kinh Coran nói rằng các em gái phải theo tập tục này.”

Bà Ravololonarisoa nói rằng cuộc vận động chống FGM cũng tập trung vào điều bà gọi là việc y học hóa vấn đề này – theo đó thì các bệnh viện và chẩn y viện, nhất là ở tây phương, đồng ý thực hiện phẫu thuật trong một môi trường an toàn. Bà nói phẫu thuật này, cho dù làm bằng cách nào đi nữa, cũng gây tai hại cho hệ thống sinh sản của người mẹ và gây nguy hiểm cho việc sinh nở.

Một thách thức khác đang được giới ủng hộ nữ quyền thảo luận tại Liên hiệp quốc là việc thực thi các đạo luật bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Một trong các đạo luật này là Công ước của Liên hiệp quốc về việc loại trừ Phân biệt đối xử với Phụ nữ.

Bà Ravololonarisoa cho biết hầu hết các nước Phi châu, ngoại trừ Sudan, Niger và Mauritania đã ký công ước, được coi như một bản tuyên ngôn về quyền phụ nữ. Nhưng các viện lập pháp của một số nước chưa đưa công ước đó, cùng những quy định tương tự vào luật lệ của nước họ.

Bà Ravololonarisoa nói rằng Liên hiệp quốc sẽ thực hiện một cuộc khảo cứu để xét xem số phụ nữ gia tăng trong chính quyền ảnh hưởng đến mức độ nào đối với cuộc sống của người phụ nữ bình thường. Bà nói có sự lo ngại rằng trong một số trường hợp, phụ nữ trong chính quyền đại diện cho đảng phái, chứ không phải cho giới tính của họ. Nhưng bà cho rằng điều đó có thể không dúng ở Kenya.

Bà Ravololonarisoa nói: “Một thí dụ quan trọng là Kenya. Ở đó trong các cuộc bâàu cử vừa qua, phụ nữ đã cùng nhau thành lập một tổ chức phụ nữ độc lập để đưa các nữ ứng cử viên vào quốc hội. Việc đó rất quan trọng, và khái niệm là để cho phụ nữ gây ảnh hưởng đối với tất cả các tiến trình lập chính sách theo một quan điểm giới tính có lợi cho phụ nữ. Điều rõ ràng là sự hiện diện của phụ nữ trong các cơ quan chính quyền đã tạo được sự khác biệt trong cách thức thực thi quyền lực.”

Bà Ravololonarisoa nói rằng cuộc vận động hợp pháp đòi bình đẳng ở châu Phi và các nước đang phát triển trên thế giới tùy thuộc vào việc liệu các quốc gia có thể xây dựng điều bà gọi là một “khối công dân hiện đại” hay không, và làm thế nào để lời hứa hẹn cải cách pháp luật đem lại hiệu quả cho những người cần đến nó nhất.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG