Nhiều người cho rằng đời sống của những người Việt cao niên tại Hoa Kỳ là một chuỗi ngày buồn tẻ vô vị vì con cháu của họ đều bận rộn với công ăn việc làm trong một xã hội đầy tranh đua nên không có thì giờ để chăm sóc cha mẹ già như khi còn ở Việt Nam. Tuy nhiên một số người Việt lớn tuổi cũng đã tìm được những nguồn vui có ý nghĩa. Một trong những hoạt động trong cộng đồng người Việt có thể giúp thành phần này đạt được mục tiêu đó là Hội Nhiếp Ảnh Trúc Viên mà Trần Nam trong Ban Việt Ngữ Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đã có dịp tiếp xúc để tìm hiểu về những sinh hoạt của hội, vốn được xem như là một nhịp cầu văn hóa giữa cộng đồng Việt Nam và người Mỹ tại địa phương.
Sống trong xã hội Hoa Kỳ, nhiều người Việt thuộc thành phần cao niên hoặc đến tuổi về hưu thường cảm thấy cuộc sống của mình trở nên buồn tẻ, nhất là những người mới đến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo lời ông Dương Phụng, con chim đầu đàn và cũng là sáng lập viên Câu Lạc Bộ Trúc Viên ở San Jose thì những người Việt cao niên có thể vượt qua những khó khăn đó bằng cách tham gia vào các sinh hoạt thiện nguyện hay giải trí hữu ích, thích hợp với tuổi già.
Câu lạc bộ Nhiếp Ảnh Trúc Viên là một trong các sinh hoạt của cộng người Việt mà ông đã thành lập cách đây hơn một chục năm nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Ông Dương Phụng giải thích:
Dương Phụng: Mục đích của hội là tạo một cái hobby cho tuổi già. Thứ nhất người lớn tuổi phải có một cái gì để mà mình sinh hoạt với một số anh em để mình có thể quên bớt cái thì giờ trống rỗng của mình. Thứ hai là để có dịp exercise cái brain, mình làm cho cái đầu óc mình nó làm việc, và làm như vậy là để duy trì cái sức khỏe của mình. Sau này, với sự sinh hoạt chung với các anh em cùng sở thích thì chúng tôi lại có thêm mục tiêu là tương thân tương trợ. Những người nào có nhiều kinh nghiệm về nghệ thuật nhiếp ảnh thì giúp cho những người còn yếu kém, hay giúp đỡ những người trong gia đình hội viên. Phần khác chúng tôi cũng tham gia các công tác từ thiện, chẳng hạn như giúp cho Hội Tết nhi đồng, giúp cho hội Công Viên Văn Hóa, những sinh hoạt văn hóa của trường Đại Học Stanford University với tính cách thiện nguyện.
Trong nhiều năm qua, mỗi lần có Hội Chợ Tết, có Hội Xuân thì ảnh của chúng tôi rất được các đồng hương hoan nghênh.
Ông Lê Đức Tế, một thành viên của Câu Lạc Bộ Nhiếp Ảnh Trúc Viên nói rằng mặc dù đề tài trong lãnh vực nhiếp ảnh rất đa dạng nhưng ông vẫn có khuynh hướng thực hiện những bức ảnh nói lên vẻ đẹp của thiên nhiên:
Lê Đức Tế: Thường thường thì những hình ảnh gây được sự xúc động cho người giám khảo hoặc người thưởng lãm thì đều là những bức ảnh nặng về nội tâm. Tuy nhiên, cái thể hiện của tôi có khác đôi chút, lúc nào cũng thể hiện những hình ảnh tươi mát, những cái đẹp nhiều hơn, tức là tìm cái hướng được gọi là landscape, tức là phong cảnh nhiều hơn. Thứ hai là trong xã hội sáng tác ở Mỹ này mà tìm những cái ảnh nội tâm thì rất khó, nếu muốn thì phải đi tới những nơi như Việt Nam thì dễ tìm những đề tài về xã hội nhiều hơn. Còn ở đây thì thường thường chúng tôi đi nước ngoài như Nhật, Pháp, Âu Châu, Úc thì thường thường lấy phong cảnh nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo lời ông Hội Trưởng Dương Phụng thì ngay tại Hoa Kỳ người ta cũng có thể thực hiện được những bức ảnh nội tâm. Ông đơn cử một thí dụ:
Dương Phụng: Nói về nội tâm thì tôi thấy rằng không phải mình về Việt Nam mới thu được những hình ảnh về nội tâm. Bằng cớ là ngay tại San Jose này tôi thấy có một gian nhà bỏ trống sắp sập rồi, tôi đưa một ông bạn già đến chụp. Hình ảnh là một ông già đứng trong căn nhà đổ nát tay cầm tờ báo có chữ Việt Nam bị xé rách, mà tôi đặt tên là 'Hoài Niệm'. Khi tôi gửi đi bức ảnh này thì được rất nhiều giải thưởng.
Dù vậy theo ông Vũ Hào, người đã gia nhập Hội Trúc Viên từ hơn một chục năm qua kể từ ngày thành lập, thì những tấm hình làm cho nhiều người xúc động vẫn là những hình ảnh quê hương:
Vũ Hào: Riêng tôi thì tôi vẫn thấy những hình ảnh về quê hương thì người xem bên Mỹ cũng như bên Việt Nam cảm thấy xúc động khi thấy những hình ảnh làng mạc quê hương, những em bé chăn trâu, những người con gái miền Thượng, những thắng cảnh tại Việt Nam.
Đối với các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, thì mùa Thu là tượng trưng cho những u buồn, ảm đạm, và dường như những cảm nghĩ này đều bàng bạc trong những sáng tác của họ khi nói đến mùa Thu.Tuy nhiên đối với ông Đoàn Thế trong hội Trúc Viên thì mùa Thu không phải lúc nào cũng u buồn ảm đạm:
Đoàn Thế: Cũng như các anh em khác tôi rất thích chụp ảnh về phong cảnh, đặc biệt là những hình ảnh về mùa Thu. Đặc biệt tại Hoa Kỳ vào mùa Thu thì phải nói màu sắc của mùa Thu rất là rực rỡ chứ không như mình nghĩ là mùa Thu nó ảm đạm, buồn bã. Đặc biệt ở vùng này mỗi khi đi chụp ảnh thì những hình ảnh của mùa Thu nó lại đẹp rực rỡ khác thường, và đó là cái điều mà chúng tôi cảm thấy thích thú lắm.
Anh Dương Cẩm Hiền, một hội viên trẻ của hội Trúc Viên và cũng là một trong những người gia nhập hội từ những ngày đầu, nói rằng các sinh hoạt nhiếp ảnh là rất hữu ích cho những người lớn tuổi vì ngoài việc giúp cho tinh thần cảm thấy phấn khởi và hứng thú khi chụp được một bức ảnh đẹp, các sinh hoạt này cũng tạo cơ hội thuận tiện để các hội viên có thể làm quen với những người bạn mới:
Dương Cẩm Hiền: Tôi là trẻ nhất, nhưng cũng trên 50 rồi. Đó cũng là một môn có liên quan đến văn hóa của mình khi ai cũng muốn có một bức ảnh nghệ thuật thành ra rất là hứng thú.
Nếu mà có dịp thì tôi cũng có thể trình bày những hình ảnh tôi chụp được ở Mỹ cho tất cả những người ở Việt Nam hoặc ở những nơi nào khác nếu mà có dịp để họ có thể thưởng thức những tấm ảnh của các hội viên và của tôi.
Trong khi đó anh Dương Toàn, một thành viên của Hội Trúc Viên đến từ thành phố Oakland, đã xem những tác phẩm nhiếp ảnh của mình như là một nhịp cầu văn hóa giữa cộng đồng người Việt và người Mỹ tại địa phương:
Dương Toàn: Tôi gia nhập hội Trúc Viên từ những ngày ban sơ của hội. Đầu tiên vì là những người lớn tuổi với nhau, trước là để mua vui khi đi đây đi đó với nhau, sau nữa chúng tôi cũng có cái tham vọng muốn đem cái văn hóa của người Việt Nam đến với người Mỹ và đem văn hóa của người Mỹ đến với người Việt Nam. Trước hết, tôi sưu tầm những bức ảnh mà tôi chụp được mà ở đây nhiều người coi cũng bình thường nhưng tôi đem về Việt Nam thì họ rất là quí bởi vì như anh bạn của tôi đã nói những bức ảnh mùa Thu với cây cây vàng lá đổ bên lề rất đẹp. Năm nay tôi 80 tuổi rồi, tôi đang sống trong hội người già gọi là Senior House trong đó có những người Mỹ. Có nhiều người không biết Việt Nam cho nên khi tôi cho họ thấy những tấm hình tôi chụp tại Việt Nam rất tầm thường nhưng họ lấy làm lạ lắm. Tôi có một tấm ảnh của một cô mang kiềng, mặc áo dài, bán trái dừa, họ hỏi đó là trái gì họ không biết trái dừa, làm sao mà ăn, hay là những cái hình khác, chẳng hạn như ghe thuyền mà chúng tôi chụp ở Vịnh Hạ Long, hay là những cảnh đi chùa Hương ở ngoài Bắc, những cảnh các cô chèo đò mà ở Mỹ họ chưa quan niệm được. Cho nên chúng tôi muốn trao đổi cái văn hóa giữa Mỹ và Việt Nam.
Một hội viên khác, anh Phạm Vũ đã đến với hội Trúc Viên một cách tình cờ:
Phạm Vũ: Vũ cộng tác với Âu Lạc Institute, một trường dạy nghề cho cộng đồng Việt Nam, tình cờ trong đó có một vài học viên là hội viên trong hội Trúc Viên có tham gia một lớp Photo Shop do Vũ hướng dẫn thì các bác đó và anh chị đó có nhã ý mời Vũ tham gia với họ.
Trong phần kết luận ông Hội Trưởng Dương Phụng nói rằng nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật đa dạng, đòi hỏi một số tiêu chuẩn cơ bản về kỹ thuật và óc sáng tạo cũng như tinh thần cầu tiến để có thể cung ứng những bức ảnh nghệ thuật thuộc nhiều thể loại:
Dương Phụng: Cũng giống như chuyện chưởng của Tàu, họ có phái Thiếu Lâm, phái Võ Đan, còn bên nữ thì có phái Nga Mi chẳng hạn, thì bên nhiếp ảnh cũng có các thể loại của nó thí dụ như bây giờ anh em đi ra ngoài chụp thì có phong cảnh nhưng nhiều khi phong cảnh không thì nó không nổi bật thì mình cho có người vô, thí dụ cảnh thửa ruộng có người đang đi cày ruộng, hay là vườn trúc mà có người đẹp đi ở trong đó. Tất nhiên là cảnh có người và cảnh không người. Có thể là mùa Đông mình không ra ngoài chụp được mà mình chụp ở trong nhà một cái gì đó thì gọi là tĩnh vật. Thí dụ tôi đưa ra một tấm ảnh mà tôi có ngụ ý một cái gì thì gọi là ẩn dụ.