Đường dẫn truy cập

Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về ngân sách quốc phòng


Bộ quốc phòng Nhật Bản kêu gọi Trung Quốc giải tỏa những mối quan ngại của cộng đồng quốc tế, sau khi Trung Quốc loan báo gia tăng ngân sách quốc phòng gần 18 phần trăm. Nhật Bản nằm trong số các quốc gia ở Châu Á Thái bình dương được trông đợi sẽ bầy tỏ nỗi lo ngại về sự tăng vọt trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Từ Hong Kong, phái viên Naomi Martig ghi nhận thêm một số các chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong một thông cáo phổ biến chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Trung Quốc loan báo các kế hoạch mức gia tăng 17 phần trăm trong ngân sách quốc phòng, bộ quốc phòng Nhật Bản đã lập lại lời kêu gọi Trung Quốc nên minh bạch hơn về thế lực quân sự của mình. Năm nay, Trung Quốc dự liệu sẽ chi hơn 57 tỷ đôla cho quân đội.

Các chuyên gia cho rằng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đặc biệt đáng lo ngại bởi lẽ hầu hết các quốc gia không biết rõ khả năng thực sự của Trung Quốc. Ông Ian Storey là một chuyên gia về quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Đông nam Á tại Singapore. Ông nói rằng có phần chắc một số nước láng giềng của Trung Quốc như Nhật Bản, sẽ phản ứng đối với sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc một cách lo lắng hơn các nước khác.

Ông Storey nói: “Tuy bang giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc hồi gần đây đã trở nên tốt đẹp hơn đôi chút, họ vẫn gờm nhau. Điều đó chắc chắn đúng đối với giới quân sự. Nhật Bản sẽ theo dõi sự tăng cường khả năng quân sự của Trung Quốc và điều đó sẽ tạo ra một chút lo lắng cho vị thế của Nhật Bản ở Đông Á. ”

Ông Storey nói rõ ràng là Đài Loan sẽ lo ngại về thông báo vừa kể. Ông nói: “Việc hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc từ đầu cho đến giữa thập kỷ 1990 cơ bản được thúc đẩy bởi các diễn biến có liên quan đến Đài Loan.”

Sau khi thông báo về quốc phòng được đưa ra hồi hôm qua, các giới chức ở Trung Quốc cảnh báo tổng thống Trần Thủy Biển của Đài Loan chớ nên tiếp tục các kế hoạch đòi độc lập, trong đó có các nỗ lực tìm cách gia nhập Liên hiệp quốc dưới danh xưng 'Đài Loan'.

Đài Loan và Trung Quốc đã tách ra từ năm 1949, vào lúc kết thúc một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn coi hòn đảo này là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, và đòi quyền sử dụng vũ lực để tái thống nhất với Hoa lục.

Ông Storey nói ông không trông đợi một phản ứng mạnh từ phía các nước ở đông nam Châu Á. Ông nói rằng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các tài nguyên chính trị và quân sự trong những năm gần đây để tìm cách xoa dịu các nước ở đông nam Châu Á lo ngại rằng Bắc Kinh đề ra một mối đe dọa chiến lược cho họ.

Tuy nhiên, ông nói Ấn Độ lấy làm lo ngại về sự tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc và ảnh hưởng của sự kiện này đối với hải quân Ấn Độ ở vịnh Bengal, Ấn Độ dương và các khu vực khác. Ông Storey cho rằng một trong các lý do khiến Trung Quốc không muốn tiết lộ thông tin về khả năng quân sự của mình là bởi vì họ vẫn có những hạn chế đáng kể.

Ông Storey nói: “Nếu họ hoàn toàn minh bạch trong chương trình hiện đại hóa quân đội, thì điều này này chỉ cho thấy sự yếu kém trong quân lực của họ – những điểm yếu kém có thể bị khai thác bởi các nước có khả năng trở thành kình địch của họ trong tương lai.”

Trong một bản phúc trình hôm qua, Ngũ Giác Đài nói rằng sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin về các ý đồ, ngân sách và khả năng quân sự của họ đề ra một nguy cơ đối với sự ổn định. Nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc vẫn thường đánh giá thấp chi phí quốc phòng của họ, và con số thực sự có thể cao gấp ba lần con số được công khai tiết lộ.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG