Với một nửa số phiếu đã kiểm xong, người được chính Tổng thống Vladimir Putin chọn để kế vị ông, ứng cử viên Dmitri Medvedev dường như đã thắng cử dễ dàng trong cuộc bầu cử hôm chủ nhật, mặc dù phe đối lập chỉ trích là cuộc bầu cử đã bị gian lận. Ông Medvedev thu được 68% số phiếu, vượt xa ứng cử viên của đảng Cộng Sản, được 19% và ứng cử viên theo chủ nghĩa quốc gia quá khích được 11%.
Cuộc bầu cử tại Nga được nhiều người coi là một lễ đăng quang cho người thừa kế thì đúng hơn, được biết đã có nhiều dấu hiệu về những vụ vi phạm rộng lớn luật bầu cử trước khi diễn ra cuộc tuyển cử cũng như ngay trong ngày bầu cử, để bảo đảm là ứng cử viên Dmitri Medvedev do điện Kremlin đề cử sẽ toàn thắng.
Vào tháng 12, kể từ khi loan báo việc ông Medvedev ra tranh cử mọi người đều chắc chắn rằng ông sẽ thắng cử.
Theo ông Nikolai Kudriavtsev, một người đã hồi hưu và là quan sát viên đại diện cho đảng Cộng Sản tại đơn vị bầu cử 2430 ở trung tâm thủ đô Moscow, nói rằng ứng cử viên được ưa thích nhất của điện Kremlin được hưởng một lợi thế thiếu công bằng trong suốt thời gian tranh cử.
Ông Kudriavtsev nói rằng nhiều nguồn lực của chính quyền đã được sử dụng để vận động cho ông Medvedev. Trong khi ứng cử viên này hầu như không hề xuất hiện để vận động tranh cử, thì hầu như ngày nào người ta cũng thấy mặt ông trên các chương trình tin tức truyền hình toàn quốc bận rộn với công việc của đệ nhất phó thủ tướng. Nhưng ngay cả người đứng đầu chính phủ Nga và các bộ trưởng nội các cũng không được chú ý đến nhiều như thế thì những đối thủ của ông Medvedev lại càng được ít biết đến hơn nữa, đó là ông Andrei Bogdanov không được chính giới biết đến,, ông Vladimir Zhirinovsky theo chủ nghĩa dân túy, và ứng viên đảng cộng sản Gennady Zyuganov.
Một nữ cử tri trẻ tuổi với tên gọi là Rita tại đơn vị bầu cử 2683 thuộc phía tây thủ đô Moscow, nói rằng cô đã bỏ phiếu cho ông Medvedev. Lý do mà cô nêu lên khi bỏ phiếu cho ứng cử viên này rập khuôn với những hình ảnh mà các chương trình của đài truyền hình nhà nước trưng ra, đó là ông Medvedev là một công bộc làm việc rất cần mẫn và hăng hái.
Cô Rita nói rằng: cô thích ứng cử viên Medvedev vì ông trầm tĩnh, đi rất nhiều nơi và người ta có thể nhìn thấy kết quả của việc ông làm. Ông không chỉ có nói mà làm. Cô ghi nhận rằng ông Medvedev đi gặp gỡ và nói chuyện với người dân, xem xét đến những khó khăn của họ.
Chỉ có một trục trặc duy nhất được báo cáo tại đơn vị 2430 là một máy duyệt phiếu bị hư, và đã được giải quyết bằng một máy phòng hờ. Nhưng đoàn thể độc lập bênh vực quyền cử tri có tên là Golos, đã tường trình về những sai phạm tràn lan trong cuộc bầu cử.
Những vi phạm này gồm việc cấm các quan sát viên của tổ chức này đặt chân đến các đơn vị bầu cử trên toàn quốc, kể cả ở thành phố Saint Petersburg ở miền tây, Ufa trong rặng núi Ural và Astrakhan gần biển Caspienne. Theo đoàn thể này cho biết thì tại thành phố Rostov-on-Don, các nhân viên theo dõi bầu cử của họ còn bị đe dọa hành hung, và có đến 40% các đơn vị bầu cử tại Moscow không có các quan sát viên độc lập.
Phó giám đốc chấp hành của đoàn thể Golos, ông Grigori Melkoniants nói với đài VOA rằng tổ chức của ông đã nhận được nhiều cú điện thoại từ các giáo chức, công nhân nhà máy, giáo sự đại học và nhiều người khác than phiền rằng họ bị cưỡng bách phải đi bỏ phiếu. Theo ông Melkoniants thì nhà cầm quyền đưa ra áp lực buộc cử tri phải đi bầu cho đông, để làm như thể là quần chúng nhiệt tình ủng hộ cho cuộc bầu cử.
Theo lời ông Melkiants thì tổ chức của ông cũng đã nghe nhiều người cho biết là nhà chức trách gọi điện thoại dến tận nhà của họ để bảo họ đi bầu cũng như sử dụng những người được giao cho công việc đặc biệt tại các phòng phiếu để theo dõi xem cử tri nào bỏ phiếu và cử tri nào đến mà không bỏ phiếu.
Đã có không biết bao nhiêu tin nói rằng nhiều người đang bị đe dọa sẽ không được trả lương và ngay cả sẽ bị mất việc nếu đã không đi bầu. Bí thư của ủy ban bầu cử trung ương Nga, ông Nikolai Konkin, nói rằng cuộc bầu cử hôm chủ nhật dường như đã phá kỷ lục của tất cả các cuộc bầu cử về số cử tri tham gia.
Thông tấn xã Interfax trích dẫn lời đệ nhất phó bộ trưởng ngoại giao Nga, ông Andrei Borisov nói rằng các quan sát viên quốc tế đã không hề đưa ra những chất vấn nghiêm trọng nào về cuộc bầu cử. Nhưng tổ chức lớn của Châu Âu theo dõi bầu cử tức Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu, đã từ chối không gửi phái đoàn quan sát đến nước Nga vì lý do những hạn chế mà Mascova áp đặt sẽ ngăn cản họ làm được công việc có ý nghĩa.
Chỉ có chừng 300 nhân viên quốc tế theo dõi bầu cử có mặt tại Nga để quan sát cuộc bầu cử trải rộng trên một lãnh thổ có đến 11 khu vực khác biệt giờ giấc. Hai trong số các nhóm theo dõi đại diện cho liên minh các quốc gia độc lập từng nằm trong liên bang Xô Viết cũ và tổ chức Hợp Tác Thượng Hải đã làm ngơ trước những vi phạm do tổ chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu ghi nhận trong cuộc bầu cử quốc hội tổ chức trong tháng 12 năm ngoái.
Sau khi bỏ phiếu tại Moscow, ông Dmitri Medvedev nói với các phóng viên rằng ông thấy khỏe khoắn và chẳng bao lâu nữa mùa xuân sẽ về. Theo dự kiến thì ông sẽ lên giữ chức vụ tổng thống vào tháng 5.