Đường dẫn truy cập

Việt Nam khan hiếm tiền đồng


Tiền đồng trở nên khan hiếm gây trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lúc tỉ lệ lạm phát và giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao khiến cho đời sống của người dân lao động gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam.

Tỉ lệ lạm phát trong tháng hai của Việt Nam tăng lên 15,7%, đây là mức cao nhất so trong 12 năm qua. Lạm phát tăng cao đẩy Việt Nam vào tình huống nếu muốn đẩy mạnh nỗ lực kìm chế lạm phát thì phải giảm các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống.

Gía thực phẩm đã tăng đến 25,2% còn giá nhà cửa và vật liệu xây dựng tăng đến 16,4% khiến cho đời sống của nhiều người dân trở nên khó khăn hơn.

Theo tin của báo tài chánh kinh tế Financial Times, thì giới hữu trách Việt Nam đang lo ngại về việc lạm phát tăng cao sẽ gây bất ổn trong cuộc sống của nhiều người lao động tại các cơ sở sản xuất. Trong thời gian qua người lao động đã không ngớt than phiền về việc đồng lương tối thiểu của họ không kham nổi tình trạng vật giá liên tục leo thang.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lên giá đối với đôla là bởi vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên vật liệu lớn nhất cho Việt Nam.

Theo các nhà kinh tế thì khi đồng tiền Trung Quốc tăng giá, đồng tiền Việt Nam lại đi theo xu hướng giảm giá giống như đồng đôla nhằm tiếp tục duy trì lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu, thế nhưng giá nguyên vật liệu nhập khẩu lại tăng cao; những yếu tố đó hợp lại sẽ đẩy lạm phát lên cao.

Trong khi đó Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, tức là ngân hàng trung ương của nước này, trong thời gian qua đã áp dụng nhiều biện pháp để kìm chế lạm pháp. Một trong những biện pháp đó là giảm bớt lượng tiền đồng đang lưu hành, và hậu quả là hiện nay tiền đồng trở nên khan hiếm.

Hồi tuần trước, Hà Nội cho phép Morgan Stanley, một tập đoàn tài chánh quốc tế, trả 217 triệu đôla để mua lại 10% cổ phần của tổng công ty tài chánh PetroVietnam Finance Corp, thay vì trả bằng tiền đồng. Đây được xem là một dấu hiệu của các biện pháp hạn chế lưu lượng tiền đồng như vừa nêu.

Các ngân hàng nước ngoài và chuyên gia kinh tế cho biết trong thời gian khoảng 4 tháng qua Ngân Hàng Nhà Nước đã hạn chế lượng ngoại tệ mua vào và không đáp ứng đủ nhu cầu chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng cho các ngân hàng thương mại.

Các biện pháp giảm bớt lưu lượng tiền đồng này không những gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng mà còn cho hầu hết các doanh nghiệp.

Theo ông Jonathan Pincus, kinh tế gia trưởng của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, thì 'Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy tỉ lệ lạm phát tăng cao là lo nguồn cung tiền đồng tăng quá nhanh, và một cách giảm bớt lưu lượng tiền đồng này là ngưng mua ngoại tệ vào'.

Các ngân hàng thương mại sắp tới đây sẽ đối diện với một khó khăn mới khi ngân hàng trung ương áp dụng biện pháp bắt buộc các ngân hàng thương mại lớn phải mua trái phiếu nhà nước với mức lãi suất thấp hơn mức lạm phát. Đây cũng là một biện pháp giảm bớt lưu lượng tiền mặt.

Ngân hàng trung ương cho biết 41 ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng lớn sẽ phải mua tổng số trái phiếu kỳ hạn một năm trị giá khoảng gần 1 tỉ 300 triệu đôla với mức lãi suất 7,8%.

Các ngân hàng đã lên tiếng phản đối biện pháp này, và một trong những tác động có thể thấy được là chỉ số của thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã giảm 16% trong tuần trước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG