Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã tăng lên đến 15,7%, đó là mức cao nhất từ hơn 1 thập niên, trong khi chính phủ chật vật kiểm soát giá cả tại quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở đông nam Châu Á này.
Trang web của Cục Thống Kê nhà nước Việt Nam hôm thứ năm giải thích nguyên do của mức gia tăng lạm phát là sự tăng vọt giá thực phẩm, nhà đất và vật liệu xây dựng.
Giá thực phẩm tăng 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giá nhà đất và vật liệu xây dựng tăng 16,4%.
Các kinh tế gia cho rằng động cơ thúc đẩy mức lạm phát cao nhất trong vùng của Việt Nam do các lực từ cả trong nước lẫn toàn cầu.
Giá nhiên liệu và thực phẩm tăng trên khắp thế giới, nhưng áp lực lạm phát đặc biệt mạnh tại Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh trong nhiều năm vào lúc nước này thực thi các cải cách thị trường.
Giới đầu tư đã đổ tiền vào các thị trường nóng bỏng là nhà đất và chứng khoán, trong khi sự tăng trưởng mạnh trong khu vực ngân hàng cũng đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong tín dụng.
Theo bản tin của AP, kinh tế gia trưởng của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Hà Nội, ông Jonathan Pincus thừa nhận mức độ tín dụng gia tăng một cách không ngờ. Ông cho rằng những khó khăn của Việt Nam do sự kết hợp của sự kiện đồng bạc Việt Nam gắn liền với đồng đôla Mỹ rất yếu.
Việt Nam nhập nhiều vật liệu xây dựng của Trung Quốc, với chỉ tệ tăng giá so với đồng đôla, khiến cho giá cả hàng hóa tăng thêm tại Việt Nam. Trong khi đó, chính phủ lại đang dẹp bỏ dần các trợ cấp về nhu yếu phẩm, kể cả xăng dầu.
Tuy mức lạm phát của Việt Nam là nguyên do gây lo ngại, nhưng Việt Nam vẫn là một nơi đầu tư hấp dẫn, theo nhận định của ông Adam Sitkoff, giám đốc Phòng thương mại Mỹ ở Hà Nội. Ông Sitkoff nói rằng Việt Nam vẫn là nơi có thể cạnh tranh về chi phí sản xuất cho các mặt hàng, và mặc dù lạm phát sẽ không làm Việt Nam kém phần hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nó sẽ gây thiệt hại nhiều cho giới nghèo.
Trong nỗ lực kiểm soát giá cả, ngân hàng nhà nước Việt Nam vừa tăng lãi suất lên 0,5% và đã ra lệnh cho các ngân hàng thương mại mua hơn 1 tỷ đôla trái phiếu, đồng thời yêu cầu các ngân hàng này tăng trữ lượng tiền mặt.