Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo quân đội Thái thừa nhận không đạt mục tiêu sau đảo chính


Các nhà lãnh đạo quân sự thực hiện vụ đảo chánh năm 2006 ở Thái Lan cho biết họ đã không đạt được các mục tiêu của họ sau khi buộc Thủ tướng Thaksin Shinawatra đi sống lưu vong. Từ Bangkok, thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan cho hay: chính quyền quân nhân, có tên gọi chính thức là Hội đồng An ninh Quốc gia, đã được giải tán. Hôm qua, nội các dân cử đầu tiên sau cuộc đảo chánh năm 2006 đã tuyên thệ nhậm chức.

Tư lệnh không quân, tướng Chalit Pukbhasuk nói rằng Hội đồng này đã không đạt được 100% mục tiêu trong thời gian 15 tháng cầm quyền. Trong số các mục tiêu đó có việc xóa bỏ ảnh hưởng chính trị của ông Thaksin, vị thủ tướng bị lật đổ. Ông Thaksin bị buộc phải rời khỏi chức vụ sau nhiều tháng xảy ra những cuộc biểu tình qui mô lớn đòi ông từ chức vì cáo giác tham nhũng, bè phái, và lạm quyền.

Chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn đã giải tán đảng Thai Rak Thai của ông. Họ cũng cấm ông và hơn 100 đồng minh của ông không được hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Những người không bị cấm đã tập họp lại dưới một tổ chức chính trị mới, có tên là Đảng Sức mạnh Nhân dân. Đảng này và các đảng liên minh đã giành được nhiều ghế nhất ở quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 12 vừa qua.

Việc phục hồi dân chủ đã khiến chính phủ Mỹ quyết định thu hồi các biện pháp chế tài được áp đặt sau vụ đảo chánh. Phát biểu tại Bangkok, Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan, ông Eric John, nói rằng Washington trông chờ phục hồi các mối quan hệ đầy đủ với Thái Lan - một nước mà ông gọi là một quốc gia dân chủ trong cốt tủy, tuy đã xảy ra vụ đảo chánh.

Ông John nói: "Theo tôi thì những gì mà chúng ta chứng kiến trước cuộc đảo chánh và trong nhiều thập niên qua cho thấy rằng dân chúng Thái Lan là những người mạnh mẽ ủng hộ dân chủ. Nếu quí vị phỏng vấn, nếu quí vị gặp gỡ bất cứ người nào ở Thái Lan, quí vị sẽ thấy rằng họ là những người ủng hộ dân chủ một cách mạnh mẽ, ủng hộ chủ nghĩa tư bản một cách mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng nếu quí vị nhìn vào cuộc bầu cử, nhìn vào số người đã đi bỏ phiếu, quí vị sẽ thấy là người dân ở đây nôn nóng chờ đợi sự phục hồi của dân chủ."

Nhiều người ở Thái Lan đã ủng hộ cho cuộc đảo chánh năm 2006, với hy vọng đất nước họ có thể loại trừ được nạn tham nhũng và bè phái. Tuy nhiên, những cử tri được hỏi ý kiến trong cuộc bầu cử hồi tháng 12 nói rằng họ đã mất kiên nhẫn đối với chính phủ do quân đội lập ra và chính quyền đó đã thất bại trong nỗ lực chống tham nhũng và vực dậy nền kinh tế đang bị trì trệ.

Tân Thủ tướng Samak Sundaravej đã góp phần giúp cho đảng ông giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử với việc cổ xúy cho ông Thaksin trở về nước. Vị cựu Thủ tướng này vẫn tiếp tục có được sự ủng hộ của nhiều người ở nông thôn và những người có thu nhập thấp ở thành thị, nhờ vào những chính sách giảm nghèo mà ông thực hiện trước đây.

Hồi đầu tuần này, ông Samak cho biết rằng ông không phải là bù nhìn của ông Thaksin và có thể tự mình cai trị đất nước.

Báo chí ở Bangkok trích lời ông Samak nói rằng: ông sẽ thực hiện lời cam kết trong lúc vận động bầu cử là cho phép những người đang bị cấm hoạt động chính trị được quay lại chính trường - nhưng điều này chỉ diễn ra khi nhiệm kỳ thủ tướng của ông kết thúc.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG