Sau thắng lợi lớn của Thượng Nghị Sĩ Barack Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở bang South Carolina hôm thứ bảy 26 tháng giêng, các nhà phân tích chính trị đang kiểm điểm lại các kết quả trong thời gian qua và suy đoán chiến dịch tranh cử sẽ tiến triển theo chiều hướng như thế nào kể từ giờ trở đi. Thông tín viên đài VOA Greg Flakus tường trình từ South Carolina rằng các nhà bình luận nhận định là thành phần cử tri trẻ có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định những kết quả trong các cuộc tranh đua sắp tới.
Thượng Nghị Sĩ Obama và những người ủng hộ ông đang điểm lại các kết quả mà họ đã đạt được trong cuộc bầu cử sơ bộ trong bang South Carolina và sắp xếp chiến lược vận động tranh cử để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sơ bộ trong thời gian tới đây. Xét theo một số khía cạnh thì cuộc bầu cử sơ bộ ở South Carolina mang sắc thái độc đáo, đặc biệt là vai trò của thành phần cử tri da đen. Sự thành công áp đảo của ông Obama trong bang này phần lớn là nhờ vào phiếu của khối cử tri da đen, chiếm đến một nửa con số cử tri đi bỏ phiếu.
Tuy nhiên, việc ông giành được 1/4 số phiếu của khối cử tri da trắng, Thượng Nghị Sĩ Obama đã chứng tỏ rằng ông có khả năng tranh thủ được phiếu của cả các thành phần cử tri ngoài khối cử tri da đen ngay cả ở các bang xa hơn ở miền nam. Trong bài diễn văn đọc sau khi về đầu cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina ông Obama đã bác bỏ ý kiến cho rằng chiến dịch vận động của ông nhắm mục tiêu vào chủng tộc hay bất kỳ một vấn đề gây chia rẽ nào.
Ông Obama nói: "Cuộc bầu cử này là quá khứ đối nghịch với tương lai."
Tuyên bố của Thượng Nghị Sĩ Obama cho thấy rõ là ông tự xem mình như một người đấu tranh cho tương lai, và coi đối thủ chính của ông, Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton và phu quân của bà là cựu Tổng Thống Bill Clinton như những người đại diện cho tầng lớp già nua mà đặc biệt là nhiều người trong giới trẻ muốn xếp vào quá khứ.
Ông Obama chiếm được 50% phiếu của cử tri da trắng tuổi từ 18 đến 29 trong bang South Carolina. Ông cũng được các cử tri tầng lớp trung lưu có học thức đánh giá cao. Người phát ngôn của ông Obama trong cuộc vận động trong bang South Carolina, ông Amaya Smith nói rằng giới trẻ ủng hộ ông Obama không chấp nhận các quan điểm chính trị mang tính phân chia chủng tộc, giới tính, cũng như lập trường đảng phái cứng nhắc.
Ông Smith nói: "Tôi nghĩ rằng họ có khuynh hướng quan tâm hơn đến việc đưa đất nước đến chỗ đồng thuận, họ không có sự tham gia vào những xung đột giữa đảng phái lâu nay cũng như một số những tranh cãi vụn vặt mà chúng ta đã chứng kiến trong quá khứ phát sinh từ các quan điểm chính trị của tầng lớp già nua. Theo tôi nghĩ thì họ không phải là loại người bôi nhọ ai đó thuộc một đảng phái khác. Họ cũng có khuynh hướng độc lập."
Tuy nhiên, có một thành phần cử tri không đáp ứng tích cực trước thông điệp của ông Obama đưa ra, đó là cộng đồng Châu Mỹ La Tinh. Bang Nevada, nơi có dân số Châu Mỹ La Tinh đông đảo, phần lớn đều bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton.
Cộng đồng này chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong số dân ở miền nam, tuy nhiên họ có hiện diện ở đó. Cô Maru Gonzalez, một người gốc Puerto Rico ở thành phố Atlanta, bang Georgia, là người ủng hộ ông Obama. Cô nói rằng nhiều người gốc Châu Mỹ La Tinh ủng hộ bà Clinton vì họ nhìn thấy nơi của bà những thành quả mà cựu tổng thống Clinton đã thực hiện khi ông là tổng thống.
Cô Gonzalez nói: "Nhiều người trong cộng đồng Châu Mỹ La Tinh chỉ nhớ đến những gì mà ông bà Clinton đã làm trong thập kỷ 1990, trong lãnh vực công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế và những vấn đề đại loại như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là lý do vì sao nhiều người ủng hộ ông bà Clinton. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong số này vẫn chưa biết nhiều về ông Barack Obama, tuy nhiên tôi hy vọng một khi họ biết được về ông họ sẽ thấy rằng ông là người xứng đáng để họ lựa chọn."
Cô Gonzalez nói rằng cô và những người trẻ khác ủng hộ ông Obama vì họ nhìn thấy ông là một người đáng được lựa chọn nhất cho tương lai, và họ đang cố gắng thuyết phục những người khác theo họ.
Cô Gonzales nói: "Thực sự là tôi đã thuyết phục nhiều người trong cộng đồng Châu Mỹ La Tinh của tôi, gia đình tôi, đại khái là vậy. Nhiều người trong gia đình tôi trước đây ủng hộ bà Hillary và tôi đã thuyết phục họ gia nhập với chúng tôi."
Bà Hillary Clinton và cựu Thượng Nghị Sĩ John Edwards cũng kêu gọi sự ủng hộ giới cử tri trẻ tuổi, tuy nhiên cả hai ứng viên này và đặc biệt là bà Clinton tiến hành một chiến dịch vận động nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các công đoàn và của các khối cử tri vẫn ủng hộ đảng dân chủ từ trước đến này. Bà Clinton cũng đã chứng tỏ là bà có sức thu hút rất lớn đối với cử tri nữ giới.
Vào ngày 5 tháng 2 tới đây, cử tri trong 22 bang và tại lãnh thổ Samoa của Hoa Kỳ sẽ có cơ hội quyết định xem ứng cử viên nào thuyết phục được họ mạnh nhất.