Đường dẫn truy cập

Indonesia cử hành quốc tang cho cựu Tổng thống Suharto


Cựu Tổng thống Suharto của Indonesia đã được chôn cất trong quốc tang cử hành hôm nay ở khu mộ của gia tộc ông ở Solo, một thành phố thuộc miền trung đảo Java. Nhà lãnh đạo độc tài này đã qua đời ngày hôm qua vì nhiều cơ quan nội tạng bị suy kiệt, thọ 86 tuổi. Từ Jakarta, thông tín viên Nancy-Amelia Collins của đài VOA tường thuật rằng các tổ chức nhân quyền đang đòi hỏi công lý cho những nạn nhân của những vụ vi phạm trong thời gian 32 năm ông Suharto cầm quyền.

Hàng vạn người đã đứng dọc các đường phố ở Solo để xem đoàn xe chở quan tài của ông Suharto.

Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, nguyên là một tướng lãnh được ông Suharto cất nhắc, đã tuyên bố quốc tang một tuần lễ chi vị cố Tổng thống gây nhiều tranh luận này.

Ông Yudhoyono đã đọc điếu văn tại tang lễ ngày hôm nay với việc ghi nhận công lao của ông Suharto đối với quân đội Indonesia. Khi tang lễ kết thúc, ông Yudhoyono nói rằng tinh thần phục vụ của ông Suharto là gương sáng cho mọi người và đây là lúc trả lại cho đất mẹ thân thể của ông Suharto và những điều mà ông đã làm.

Ông Suharto đã cai trị Indonesia với bàn tay sắt trong 32 năm cho tới khi những vụ xuống đường biểu tình rầm rộ vì tình hình kinh tế xã hội xuống cấp đã buộc ông phải từ chức vào năm 1998.

Tuy được nhiều người cho là có công lớn trong việc hiện đại hóa đất nước, công nghiệp của ông Suharto bị hoen ố vì những cáo giác tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở qui mô lớn.

Theo Tổ chức Minh Bạch Quốc tế, một tổ chức chống tham nhũng, sáu người con của ông Suharto đã tích lũy một số của cải bất chính lên tới 35 tỉ đô la.

Cá nhân ông Suharto chưa hề bị truy tố về tội tham nhũng, với lý do bề ngoài là vì sức khỏe yếu kém. Mặc dù vậy, chính phủ đã nộp đơn kiện dân sự để đòi ông trả lại 1 tỉ 400 triệu đô la mà họ cho là ông đã biển thủ thông qua một tổ chức từ thiện do ông lập ra.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức khác đang đòi hỏi công lý cho các nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền đã xảy ra trong thời gian ông Suharto nắm quyền.

Ít nhất nửa triệu người đã bị giết trong chiến dịch diệt trừ Cộng Sản kéo dài nhiều tháng sau khi ông lên nắm quyền hồi năm 1965. Nhiều người cho rằng chính quyền của ông đã giam cầm hoặc giết hại hàng vạn đối thủ chính trị, các sinh viên tranh đấu, và các lực lượng chống chính phủ ở Aceh, Papua, và ở Đông Timor, là nước mà Indonesia xâm chiếm hồi năm 1975.

Ông Joe Saunders của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở New York nói rằng chính phủ Indonesia nên truy tố những người chủ mưu những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống trong thời gian ông Suharto giữ chức Tổng thống.

Ông Saunders nói: "Điều thiếu sót trong chương trình cải cách của Indonesia hiện nay là công lý. Ông Suharto đã qua đời mà chưa hề bị mang ra xét xử về nhiều tội ác nghiêm trọng đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của ông. Có một điều rất quan trọng là phải mang ra trước ánh sáng công lý những người làm tay sai cho ông Suharto và đã dính líu trực tiếp tới các tội ác đó, bất kể là những tội ác đó xảy ra năm 1965 hay xảy ra ở các nơi như Timor, Papua hay Aceh."

Trong khoảng 10 năm vừa qua ông Suharto đã sống trong cảnh bình thản và tĩnh mịch tại tư thất trong khu nhà giàu ở trung tâm thượng đỉnh Jakarta.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG