Đường dẫn truy cập

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Việt Nam và các lân bang


Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề nhức nhối của người dân Việt ở trong lẫn ngoài nước khi mà Trung Quốc cho thiết lập thành phố Tam Sa và sáp nhập 2 quần đảo mà Việt Nam và Trung Quốc vẫn tranh chấp chủ quyền. Hôm nay, chúng tôi xin trình bày quan điểm của một sử gia người Mỹ gốc Đài Loan, giáo sư hồi hưu từng giảng dạy tại đại học Rochester, và luật sư Nguyễn Hữu Thống về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Việt Nam và các lân bang.

Theo ý kiến của giáo sư Richard Chu thì từ thượng cổ, Trung Quốc đã nhận chủ quyền trên toàn vùng biển Đông mà họ gọi là biển Nam Hải, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa. Tuy nhiên, nhận chủ quyền là một chuyện, nhưng người Trung Quốc và ngư dân Trung Quốc không đặt chân lên những hải đảo xa xôi. Trong khi đó, các ngư phủ Việt Nam vẫn đánh cá ở vùng đảo gần với phần đất của mình. Bên nào cũng nhận chủ quyền trên hai quần đảo này. Tuy nhiên, nhận thì thì cứ nhận nhưng không có những đụng độ trực tiếp.

Trước kia, ý thức về biên cương của Trung Quốc có ý nghĩa văn hóa mà thôi. Ý tưởng về đường biên giới theo luật quốc tế thực sự chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 19 khi chủ nghĩa quốc gia phát triển mạnh. Kể từ đó trở đi đường biên giới giữa các quốc gia trên thế giới đã trở nên hết sức quan trọng. Giờ đây với sự phát triển của những công nghệ hiện đại, việc kiểm soát lãnh thổ trở nên dễ dàng hơn chứ không như trong quá khứ nên tranh chấp càng xảy ra nhiều hơn.

Theo giáo sư Chu, ngày nay Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh, họ không chỉ tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Việt Nam, mà còn với các lân bang khác như Nhật Bản và Ấn Độ.

Quần đảo Điếu Ngư, mà Nhật Bản gọi là Senkaku, vẫn trong vòng tranh chấp giữa hai nước. Giáo sư Chu mô tả diễn tiến của vụ tranh chấp quần đảo Điếu Ngư từ lúc Trung Quốc chưa ở thế mạnh như bây giờ.

Ông Chu nói: "Trong thời kỳ Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, nên đã nói với Nhật rằng hãy dời vấn đề quần đảo này 20 năm nữa, để thế hệ con cái sau này giải quyết. Mới đây, Nhật Bản muốn đem các đảo này ra thương thuyết thì Trung Quốc gạt phắt, nói rằng những đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc, không có gì để phải thương thuyết. Đồng thời Trung Quốc đưa 20 phi đạn đến bán đảo Sơn Đông, những phi đạn có thể bắn tới phía nam nước Nhật. Nhật Bản hết sức phẫn nộ và nêu lên rằng lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc nói rằng sẽ thương thuyết mà bây giờ thì Trung Quốc lại không muốn thương thuyết. Đấy, thưa quí vị, tôi muốn nêu lên một nguyên tắc là trong các cuộc thương thuyết quốc tế, ngay từ thời xửa xưa, khi mà người ta mạnh thì người ta lớn tiếng, khi mà người ta yếu thì người ta im lặng."

Giáo sư Chu cũng đề cập đến cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ khi Ấn đòi tôn trọng đường ranh McMahon do Anh quốc, nước trước kia đã chiếm Ấn độ làm thuộc địa, ký với Tây Tạng và Trung Quốc. Sau này thì Trung Quốc không chịu công nhận đường biên giới đó và trong thập niên 1960, hai quốc đã đụng độ với nhau trong cuộc chiến đầu thập niên 1962.

Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Trung Quốc thành lập đơn vị hành chính Tam Sa trên đảo Hải Nam, sáp nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là hai nhóm đảo mà Việt Nam cũng nhận chủ quyền, tức là phần lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp, thì giáo sư đưa ra câu hỏi như sau:

"Trung Quốc sáp nhập 2 quần đảo này vào Tam Sa thì Việt Nam có khiếu nại với Hội Đồng LHQ hay không? Nếu như Việt Nam trưng dẫn được những bằng chứng là 2 nhóm đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam thì Trung Quốc sẽ phải chịu nhiều áp lực quốc tế. Hãy có hành động, đem vụ này ra trước công luận, và ngay cả trước công chúng Mỹ, thúc chính phủ Hà Nội phải có hành động; trong khi đó thì quí vị có thể biểu tình phản đối chống chính phủ Trung Quốc. Ở bên ngoài trụ sở LHQ tại New York lúc nào người ta cũng thấy có những vụ biểu tình, hãy lên tiếng nói thật mạnh để kêu gọi sự chú ý mạnh mẽ của công luận.

Ban Việt Ngữ VOA cũng đã tiếp xúc với luật sư Nguyễn Hữu Thống, một người đã từng hành nghề ở Sài Gòn trước năm 1975, rồi tại Pháp và hiện giờ ông đang hành nghề trong bang California, Hoa Kỳ. Về vấn đề Trung Quốc thành lập đơn vị hành chánh Tam Sa, luật sư Thống đưa ý kiến:

"Tam Sa, theo ý tôi, chỉ là một chiến dịch hỏa mù thôi, không phải là ý chính của nó. Ngay từ năm 1946, sau khi họ chiếm nhóm đảo gọi là An Vĩnh ở bên Hoàng Sa và họ đã thành lập cái gọi là 'đặc khu hành chánh Hải Nam' phụ trách tất cả những vùng biển Ðông Nam Á, không cứ Tây Sa, Nam Sa, như tên của họ, và tất cả những hòn đảo đến tận Phi Luật Tân và Nam Dương nữa, thì tất cả họ đều gọi là biển lịch sử của Trung Quốc. Đặc Khu Hành Chánh Hải Nam lớn hơn Tam Sa nhiều. Tam Sa chỉ có 3 cái gọi là Trung Sa, Đông Sa và Nam Sa. Cái đó, theo ý tôi, chỉ là một chiến dịch hỏa mù thôi, không quan trọng. Nó đưa ra như vậy để nó bỏ đi, ra cái điều là 'tôi sẽ nhượng bộ'.Trung ương mà đưa ra rồi mà địa phương lại dám nói là chúng tôi không đưa ra một nghị trình thì chúng ta biết rõ đó là một kế hoạch của họ, ra cái điều là 'chúng tôi không đặt vấn đề chiếm lãnh 3 quần đảo đó nữa'. Thế thì trong khi đó ông Việt Nam cũng làm cái mẹo như thế, là cho mấy ông hội đồng hàng tỉnh nói rằng 'chúng tôi phản đối việc đó'. Sự thực vấn đề lãnh thổ, lãnh hải phải do quốc dân, mà quốc dân thì do quốc hội, tức là quốc hội phải lên tiếng, hay chính phủ phải ra công hàm phản đối với tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội. Đằng này, quốc hội Trung ương Việt Nam không nói gì cả. Nhưng vấn đề chính không phải ở đó (Tam Sa), vấn để chính ở đây là đặc khu Hành Chính Hải Nam đã chiếm hết 80% cái biển Ðông Nam Á rồi."

Khi đề cập đến câu hỏi của giáo sư Chu là tại sao Việt Nam không đưa Trung Quốc ra trước Hội Đồng Bảo An LHQ, luật sư Thống giải thích năm 1974, lúc miền nam còn dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc, sau khi chiếm 7 đảo gọi là nhóm An Vĩnh ở bên Hoàng Sa về phía đông bắc thì họ lại dùng võ trang chiếm luôn 6 đảo thuộc Hoàng Sa, ở nhóm gọi là Lưỡi Liềm ở phía tây nam, Việt Nam Cộng Hòa đem lực lượng ra ngênh chiến. Sau trận đụng độ, Việt Nam thua, Trung Tá Ngụy Văn Thà ở lại chống cự và chết theo chiến hạm. Sau trận hải chiến bảo vệ lãnh thổ, Việt Nam Cộng Hòa đã muốn đưa Trung Quốc ra Hội Đồng Bảo An LHQ. Chuyện này đòi phải có sự chấp thuận của một nửa cộng với một trong tổng số thành viên của hội đồng. Luật sư Nguyễn Hữu Thống giải thích tiếp

Luật sư Thống nói: "Năm 1974, mình chỉ có Anh, Mỹ, Úc, Ái Nhĩ Lan và một nước nữa là Costa Rica thôi, còn tất cả những nước kia không chấp thuận cho nên không được ghi vào nghị trình. Bây giờ, thí dụ như là Việt nam, vì một lý do nào đó, dám đưa vấn đề ra trước Hội Đồng Bảo An, thì không bao giờ được ghi vào nghị trình. Bây giờ chúng ta không có nổi đến 5 nước nữa, vì Trung Quốc ở đó rồi, thì không bao giờ được thảo luận ở Hội Đồng Bảo An cả. Chúng ta cũng nhớ rằng năm 1947, khi mà Pháp đề nghị cho Việt Nam, Miên, Lào vào LHQ thì Liên Xô đã bác bỏ bằng quyền veto, quyền phủ quyết, cho nên vấn đề đưa ra Hội Đồng Bảo An là một vấn đề không thể thực hiện được, mà dù có thực hiện cũng là chuyện giả đò thôi, cho nên đừng nhắc đến chuyện đó. Vấn đề bây giờ là đấu tranh của dân chúng, của nhân dân để tranh thủ cảm tình quốc tế, để đưa ra, một là Ủy Ban Phân Ranh Thềm Lục Địa ở LHQ, thứ hai là Hội Đồng Trọng Tài của LHQ,và thứ ba là Tòa Án Quốc Tế La Haye. Nhưng cái quan trọng nhất có thể làm được, là nhân dân đấu tranh yểm trợ việc đòi Hoàng Sa, Trường Sa, gây ra một dư luận trên thế giới và báo chí, đưa ra trước công luận, thì lúc đó may ra những kẻ kia họ mới có thể nhượng bộ."

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống bài phỏng vấn do Lan Phương thực hiện

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG