Thượng nghị sĩ Hillary Clinton của tiểu bang New York và Thượng nghị sĩ John McCain của tiểu bang Arizona đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở tiểu bang New Hampshire, là tiểu bang đầu tiên ở nước Mỹ mà dân chúng bỏ phiếu để chọn ứng viên tổng thống. Đối với cả bà Cliton lẫn ông McCain, thắng lợi này là một sự trỗi dậy mang nhiều kịch tính. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Meredith Buel của đài VOA gởi về từ New Hampshire.
Thượng nghị sĩ Clinton đã đánh bại thượng nghị sĩ Barak Obama để về nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire. Kết quả 'ngựa về ngược' mang nhiều kịch tính này đã làm sống lại hy vọng của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
Tuần trước, bà Clinton đã về hạng ba trong các cuộc họp bầu ở tiểu bang Iowa, và hầu hết những cuộc thăm dò mới nhất đều cho thấy bà bị tụt hậu rất xa so với ông Obama ở New Hampshire.
Tuy nhiên, trong lúc phiếu bầu được kiểm ở New Hampshire, bà đã thắng với tỉ lệ chênh lệch rất khít khao.
Trong bài diễn văn chào mừng thắng lợi, bà Clinton cho biết bà đã lắng nghe ý kiến của dân chúng ở New Hampshire và trong quá trình này bà đã tìm ra được tiếng nói của chính mình.
Bà Clinton nói: "Tôi cảm thấy như tất cả mọi người chúng ta đều cất lên tiếng nói tự đáy lòng của mình, và tôi rất vui mừng là quí vị đã đáp lại lời kêu gọi của tôi. Giờ đây, chúng ta hãy sát cánh với nhau để mang lại cho nước Mỹ một sự trỗi dậy giống như sự trỗi dậy mà New Hampshire đã dành cho tôi."
Ông Obama đã lên tiếng chúc mừng bà Clinton về điều mà ông gọi là 'một chiến thắng phải vất vả chiến đấu mới có được'.
Trong bài diễn văn thừa nhận thất bại, vị thượng nghị sĩ của tiểu bang Illinois kêu gọi những người ủng hộ ông hãy chuẩn bị cho một cuộc vận động tranh cử kéo dài và gay go.
Ông Obama nói: "Chúng ta biết rằng trận chiến trước mặt sẽ kéo dài khá lâu. Nhưng xin quí vị nhớ rằng: bất kể là có những chướng ngại như thế nào trên con đường của chúng ta, không có điều gì có thể ngăn cản được sức mạnh của hàng triệu tiếng nói kêu gọi thay đổi."
Cựu thượng nghị sĩ John Edwards của tiểu bang North Carolina về hạng ba, sau bà Clinton và ông Obama.
Về phần đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ John McCain của tiểu bang Arizona đã giành được thắng lợi dứt khoát trước cựu thống đốc Mitt Romney của tiểu bang Massachusetts.
Thắng lợi này cũng là một hiện tượng 'ngựa về ngược' đối với ông McCain. Năm ngoái, cuộc vận động của vị thượng nghị sĩ năm nay 71 tuổi này hầu như đã vị sụp đổ hoàn toàn sau khi ông hết tiền và phải cho phần lớn nhân viên trong ban tham mưu nghỉ việc.
Ông McCain, người từng là phi công của hải quân Mỹ và bị bắt làm tù binh chiến tranh ở Việt Nam, tuyên bố trước những người ủng hộ ông rằng: người Mỹ có thể đương đầu với bất kỳ thách thức nào.
Ông McCain nói: "Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh và đòi hỏi những sự hy sinh to lớn, lời hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp hơn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, tôi xin hứa với các bạn rằng không có một kẻ thù nào - bất kể là tàn ác tới đâu, và không có thách thức nào - bất kể là gian nan tới đâu, có thể đánh bại sự dũng cảm, lòng yêu nước, và sự quyết tâm của người dân nước Mỹ. Chúng ta là những người làm nên lịch sử chứ không phải là nạn nhân của lịch sử."
Chiến thắng của ông McCain là một đòn nặng đối với ông Romney, là người đã tự bỏ ra hàng triệu đô la tiền túi với hy vọng giành được thắng lợi ở Iowa và New Hampshire nhưng rốt cuộc đã phải về hạng nhì ở cả hai tiểu bang này.
Người về nhất trong cuộc họp bầu ở Iowa, cựu thống đốc Mike Huckabee của tiểu bang Arkansas, đã về hạng ba trong cuộc bầu cử ngày hôm qua.
Các cuộc thăm dò ý kiến những người vừa bỏ phiếu cho thấy rằng cử tri của cả hai đảng ở tiểu bang này cho rằng kinh tế và cuộc chiến Iraq là hai vấn đề quan trọng nhất hiện nay.
Sau cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire, các tiểu bang khác sẽ tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ và họp bầu trong những tuần lễ tới đây. Quá trình đề cử ứng viên từng tiểu bang một sẽ lên tới cao điểm khi đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa được lần lượt tổ chức vào tháng 8 và tháng 9. Tại các đại hội này, mỗi đảng sẽ đề cử một ứng viên ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.