Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, tức ASEAN, chuẩn bị đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập với việc ký kết một hiến chương có tính chất dấu mốc để thăng tiến nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, vấn đề Miến Điện tiếp tục đe dọa tới uy tín của ASEAN và khiến nhiều người nghi ngờ quyết tâm của khối này đối với những nỗ lực nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của người dân. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ được Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Châu Á sau đây.
Thứ ba tới đây, các nhà lãnh đạo của 10 nước vùng Đông Nam Á sẽ ký kết hiến chương ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Một số các nhà quan sát cho rằng đây có lẽ là diễn tiến quan trọng nhất của ASEAN kể từ khi hiệp hội này được thành lập vào năm 1967 như một liên minh các quốc gia chống Cộng ở Đông Nam Á.
Bản thảo của văn kiện dài 30 trang này đã bị tiết lộ cho giới truyền thông cách đây hơn một tuần; và theo ghi nhận của các hãng thông tấn quốc tế, Hiến chương ASEAN được thiết kế để biến hiệp hội vốn có cơ cấu lỏng lẻo này thành một tổ chức hoạt động dựa theo luật lệ, tương tự như những tổ chức khu vực khác trên thế giới như Liên hiệp Châu Âu (EU), Liên hiệp Phi châu (AU) hay Tổ chức Các Quốc gia Mỹ châu (OAS). Hiến chương này qui định việc thành lập các hội đồng để xử lý những vấn đề chính trị, kinh tế, và xã hội bên trong khu vực, mặc dù vẫn giữ nguyên tắc cố hữu là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên. Một điểm quan trọng được các nhà quan sát lưu ý là Hiến chương ASEAN đề cập đến việc thiết lập một cơ quan về nhân quyền.
Bà Jenina Chavez là một viên chức kỳ cựu của Focus on the Global South -- một tổ chức phi chính phủ ở Bangkok từng đưa ra khuyến nghị cho ASEAN về việc soạn thảo hiến chương. Bà cho biết văn kiện này chỉ có hai đoạn ngắn nói tới vấn đề nhân quyền. Bà Chavez cho biết thêm như sau:
"Văn kiện này chỉ nói rằng sẽ thành lập một cơ quan về nhân quyền mà không nói thêm gì nữa. Cho nên đây là một điều khoản không có tính chất cụ thể và rõ ràng như chúng tôi mong muốn."
Tuy vậy, bà Chavez cũng có nhận định khá tích cực về diễn tiến này:
"Hiện nay chỉ có 4 nước trong khối ASEAN có ủy ban nhân quyền quốc gia - đó là Thái Lan, Malaysia, Philipin và Indonesia. 6 nước kia thì không có. Chúng tôi hy vọng rằng một cơ quan nhân quyền khu vực sẽ là một cơ chế để cho những người không có điều kiện tiếp cận các ủy ban hay tòa án nhân quyền cấp quốc gia có thể khiếu nại với một cơ quan nhân quyền cấp khu vực."
Tuy các nước ASEAN có hơn 500 triệu dân và có một số nước nằm trong số các nền kinh tế thường được gọi là 'mãnh long', 'mãnh hổ' của Châu Á, ASEAN không có nhiều uy tín trên trường quốc tế như những tổ chức khu vực khác, và thường xuyên bị chỉ trích là không có đủ sức mạnh hoặc ý chí để giải quyết các vấn đề nhân đạo và xã hội của khu vực.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi chính quyền quân nhân Miến Điện đàn áp dã man phong trào dân chủ hồi cuối tháng 9, ASEAN đã bị nhiều người chỉ trích vì không có những hành động cứng rắn và có hiệu quả để thúc đẩy cho nhân quyền và dân chủ.
Một trong những người chỉ trích là ông Roshan Jason, Giám đốc điều hành của Khối Liên Quốc hội ASEAN (ASEAN Interparliament Caucus).
Ông Jason nói: "Tất cả những gì mà ASEAN đã làm, nhiều nước trong ASEAN đã làm, là tiến hành những vụ giao dịch kinh tế với tập đoàn tướng lãnh Miến Điện để làm giàu. Thỉnh thoảng, họ bày tỏ bất mãn hay quan tâm về việc tập đoàn quân nhân có hành vi bạo ngược hoặc không chịu tiến hành cải cách. Nhưng tình hình lúc nào cũng quay lại như cũ."
Theo ông Jason, để có thể tranh thủ sự nể trọng của cộng đồng quốc tế, ASEAN cần có một hiến chương mạnh mẽ và có quyết tâm hậu thuẫn cho hiến chương đó bằng những hành động mạnh mẽ.
Ông Jason nói: "ASEAN có một cơ hội để lấy lại phần nào danh dự của mình và tranh thủ lòng tin của cộng đồng quốc tế bằng cách có thái độ cương quyết và cho ra đời một bản hiến chương với những từ ngữ mạnh mẽ - một bản hiến chương có thể được áp dụng ngay để chống lại bất kỳ quốc gia hội viên nào vi phạm nhân quyền."
Ông Hiro Katsumata là một chuyên gia về ASEAN của Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế và Quốc phòng ở Singapore. Ông cũng tỏ vẻ thất vọng đối với những điều khoản trong hiến chương ASEAN liên quan tới vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Ông Katsumata nói: "Bản thảo chót của hiến chương này có vẻ quá mềm mỏng xét về khía cạnh trừng phạt, và về vấn đề thực thi và các biện pháp chế tài. Điều này cho thấy sự hạn chế của các nước thành viên ASEAN trong việc thực thi nhiệm vụ của mình hoặc trong việc từ bỏ cách hành xử cố hữu, thường được gọi là phương cách ngoại giao của ASEAN."
Ông Katsumata cho rằng các nhà lãnh đạo ASEAN không mấy hăng hái đối với việc cải thiện tình hình nhân quyền ở Miến Điện vì họ lo ngại là sẽ phải giải quyết vấn đề nhân quyền chẳng những ở Miến Điện mà còn ở ngay trong chính đất nước của mình.
Ngoài ra, theo ông Katsumata, còn có một lý do khác khiến các nhà lãnh đạo ASEAN không muốn có thái độ quá cứng rắn với Miến Điện. Đó là họ e rằng Miến Điện có thể bị lún sâu hơn vào quĩ đạo của Trung Quốc.
Ông Katsumata nói: "Nếu điều này xảy ra - nếu Miến Điện trở thành một nước chư hầu của Trung quốc, Trung quốc sẽ có toàn quyền tiếp cận và hoạt động trong vùng biển Ấn độ dương. Đây chính là tình hình tệ hại nhất đối với 9 nước còn lại trong khối ASEAN."
Vấn đề Miến Điện sẽ được mang ra thảo luận tại hộïi nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore. Tuy nhiên, theo lời Tổng thư ký Ong Keng Yong của ASEAN, cuộc thảo luận sẽ không tập trung vào vụ đàn áp mới đây nhắm vào các nhà sư và dân chúng biểu tình đòi dân chủ, mà thay vào đó các nhà lãnh đạo sẽ bàn về kế hoạch được gọi là "lộ đồ dân chủ 7 điểm" mà tập đoàn quân nhân cầm quyền ở Miến Điện đã đề xuất từ nhiều năm qua.