Tối cao Pháp viện Pakistan đã bác bỏ những thách thức pháp lý chính chống lại việc tướng Pervez Musharraf tái đắc cử Tổng thống vào ngày mồng 6 tháng 10. Phán quyết vừa kể được đưa ra sau khi một trong các nguyên đơn tuyên bố rằng các vị thẩm phán vừa được ông Musharraf bổ nhiệm không có quyền để quyết định về những đơn kiện chống lại ông. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Barry Newhouse của đài VOA gởi về từ Islamabad.
Tổng chưởng lý Pakistan, ông Malik Qayyum hôm nay cho báo chí biết rằng quyết định của Tối cao Pháp viện dựa vào một vấn đề pháp lý có tính chất thủ tục.
Ông Qayyum nói đại ý rằng các luật sư của những người khiếu nại đã giải thích rằng họ không nhận được chỉ thị từ thân chủ của họ về việc nên xúc tiến vụ kiện như thế nào, và vì thế cho nên các đơn kiện đã bị bác.
Một trong những người nộp đơn kiện, ông Wajihuddin Ahmed nói rằng tuyên bố vừa kể không đúng sự thật.
Ông Ahmed nói: "Luật sư của tôi đã thông báo cho họ biết rằng ông ấy không thừa nhận họ là Tối cao Pháp viện. Hiện giờ không có Tối cao Pháp viện và vì thế mà vụ kiện của chúng tôi không thể xúc tiến. Tuyên bố của ông Qayyum là sai."
Tướng Musharraf đã thay các thẩm phán Tối cao Pháp viện bằng một hội đồng thẩm phán mới, sau khi ông ban bố tình trạng khẩn trương hồi đầu tháng này.
Các nhà báo Pakistan có mặt bên trong pháp đình cho biết: khi luật sư của ông Ahmed nói với các thẩm phán rằng thân chủ của ông không thừa nhận quyền hạn của họ, các thẩm phán đã dọa bắt giam ông về tội khinh mạn tòa án.
Theo lời các nhà báo, sau đó vị luật sư đã được dành cho một sự lựa chọn - đó là xúc tiến vụ án để bị truy tố về tội khinh mạn tòa án, hoặc là khai với tòa rằng ông không thể xúc tiến vụ kiện vì không nhận được chỉ thị thỏa đáng từ thân chủ của mình.
Những nguyên đơn khác cũng đã gặp phải những sự lựa chọn tương tự về thủ tục và họ đã hủy bỏ đơn kiện.
Các nhà báo Pakistan nói rằng: các thẩm phán đã cấm không cho báo chí được tường thuật về việc các nguyên đơn tuyên bố là họ không thừa nhận quyền hạn của tòa án.
Ông Wajihuddin Ahmed là cựu thẩm phán Tối cao Pháp viện. Ông đã từ chức sau khi tướng Musharraf lên nắm quyền sau cuộc đảo chánh năm 1999. Ông nói rằng: vì các tân thẩm phán đã tuyên thệ trung thành với sắc lệnh về hiến pháp lâm thời của tướng Musharraf cho nên ông không ngạc nhiên về quyết định mà họ đưa ra hôm nay.
Ông Ahmed nói: "Với những thẩm phán thuộc loại sắc lệnh hiến pháp lâm thời - những người không được cộng đồng pháp luật thừa nhận, những người không được xã hội dân sự thừa nhận, thì kết quả này là kết quả đã được biết trước. Không thể nào có kết quả khác được."
Khi tuyên bố tình trạng khẩn trương hồi đầu tháng này, Tổng thống Musharraf than phiền rằng Tối cao Pháp viện lúc đó đã quá chậm chạp trong việc đưa ra phán quyết đối với những đơn kiện chống lại việc ông tái tranh cử Tổng thống và sự chậm chạp đó phương hại tới việc cai trị của chính phủ. Nhiều người Pakistan tin rằng tướng Musharraf ban hành sắc lệnh khẩn cấp và tạm ngưng chấp hành hiến pháp vì ông nghĩ rằng các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết bất lợi cho ông.
Quyết định của Tối cao Pháp viện hôm nay dường như đã chấm dứt những thách thức pháp lý chính đối với ông Musharraf, tuy còn ít nhất một đơn kiện sẽ được quyết định trong vài ngày nữa. Trước đây, tướng Musharraf có nói rằng: sau khi Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết để dọn đường cho ủy ban bầu cử chứng thực kết quả bầu cử, ông sẽ từ chức tư lệnh quân đội và sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống.