Đường dẫn truy cập

Sự đồng thuận của thế giới về vấn đề Miến Điện đang bị xói mòn


Tình hình Miến Điện tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong tuần vừa qua giữa lúc các giới chức của Liên Hiệp Quốc và nhiều chính phủ khác trên thế giới ra sức hối thúc tập đoàn tướng lãnh Miến Điện tiến hành cải cách dân chủ và thực thi hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng hơn một tháng sau khi chính quyền quân nhân thực hiện vụ đàn áp đẫm máu nhắm vào các nhà sư và thường dân biểu tình đòi dân chủ, sự đồng thuận của quốc tế về những biện pháp để ứng phó với vấn đề Miến Điện đang bị xói mòn.

Hôm thứ bảy vừa qua, đặc sứ Ibrahim Gambari của Liên Hiệp Quốc đã tới Miến Điện để tiếp tục gây áp lực đòi tập đoàn tướng lãnh cầm quyền thực thi cải cách dân chủ và tiến hành một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh với phe đối lập do lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Đây là chuyến viếng thăm thứ nhì của ông Gambari kể từ khi chính quyền quân nhân ra lệnh cho binh sĩ nổ súng giết hại hàng trăm nhà sư và thường dân biểu tình đòi dân chủ hồi cuối tháng 9.

Những nỗ lực của ông Gambari đã nhận được sự tán thưởng của nhiều người, đặc biệt là các nhà tranh đấu cho dân chủ Miến Điện. Ông U Maung Maung, một nhân vật hoạt động tích cực trong cộng đồng người Miến Điện ở Thái Lan cho biết ý kiến như sau:

"Đây chính là bằng chứng cho thấy Liên Hiệp Quốc chú tâm tới vấn đề, và Liên Hiệp Quốc quyết định can dự, và cộng đồng quốc tế quan tâm tới vấn đề Miến Điện. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng khi thấy ông Gambari đến thăm Miến Điện hai lần trong một thời gian ngắn. Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có kết quả ngay, nhưng chúng tôi tin rằng hai chuyến viếng thăm diễn ra trong một thời gian ngắn như vậy chính là một thông điệp mạnh mẽ gởi tới nhà cầm quyền Miến Điện."

Ông Tom Malinowski của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở New York cũng tán đồng nhận định của ông U Maung Maung:

"Có một điều rất quan trọng là ông Gambari nhanh chóng đến Miến Điện và đến đó thường xuyên. Tiến trình thương thảo sẽ nhờ đó mà không bị gián đoạn. Điều đó sẽ duy trì áp lực đối với chính quyền quân nhân, và giúp cho bà Aung San Suu Kyi và phe đối lập có được cơ hội để nói lên tiếng nói của mình."

Trong lúc khẳng định giá trị của những nỗ lực của vị đặc sứ Liên Hiệp Quốc, một số các nhà quan sát cũng cho rằng sự đồng thuận của quốc tế về những biện pháp để giải quyết vấn đề Miến Điện đang bị xói mòn.

Sau cuộc đàn áp ở Miến Điện hồi cuối tháng 9, chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định áp dụng thêm các biện pháp chế tài, bao gồm việc phong tỏa tài khoản của các tướng lãnh Miến Điện ở các ngân hàng Mỹ. Quyết định này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hầu hết các nhân vật hoạt động cho dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Ông Malinowski của tổ chức Human Rights Watch đã lên tiếng kêu gọi các nước trên thế giới hãy có quyết định tương tự. Ông giải thích như sau:

"Ngay cả những tướng lãnh bị cô lập nhiều nhất, sinh sống trong trong những khu rừng rậm cách biệt với thế giới bên ngoài, cũng không thể tránh được khó khăn khi thẻ tín dụng của họ bị thu hồi. Họ cần tiền để trả lương cho quân đội. Họ cần tiền để tiếp tục xây thủ đô của họ và để đài thọ cho lối sống xa hoa của gia đình họ. Tôi nghĩ rằng khi họ không thể dùng các khoản tiền đó thì chúng ta có thể hy vọng là họ sẽ tìm cách thương lượng để giải quyết vấn đề."

Tuy nhiên, Trung quốc - nước có nhiều ảnh hưởng nhất đối với tập đoàn tướng lãnh Miến Điện, không tán thành chủ trương chế tài. Hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Trung quốc, ông Dương Khiết Trì phát biểu như sau tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York:

"Chúng tôi hy vọng rằng các nước liên hệ sẽ đóng một vai trò trợ giúp thay vì áp đặt các biện pháp chế tài hoặc gây áp lực."

Các nước láng giềng của Miến Điện ở Đông Nam Á cũng có một chủ trương tương tự như chủ trương của Trung quốc mặc dù Hiệp hội Asean mà Miến Điện là một nước hội viên, đã đưa ra một tuyên bố rất cứng rắn để bày tỏ điều mà họ gọi là "sự kinh tởm" trước hành động đàn áp dã man của chính quyền quân nhân ở Nay Pyi Daw.

Thái độ bất hợp tác, đặc biệt là của Trung quốc, đối với những nỗ lực nhằm chế tài Miến Điện đã làm sút giảm hy vọng của một số các nhân vật tranh đấu cho dân chủ là áp lực quốc tế sẽ đủ mạnh để buộc chính quyền quân nhân nghiêm chỉnh đàm phán với phe đối lập. Ông T. Kumar của Hội Ân xá Quốc tế đã đưa ra nhận định như sau tại một cuộc hội thảo về vấn đề Miến Điện ở Washington hồi gần đây:

"Nếu một hội viên thườøng trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ quí vị thì quí vị chẳng phải lo gì cả. Miến Điện giờ đây có Trung quốc và Nga ở đó để giúp họ. Vì vậy nước nào muốn chà đạp nhân quyền thì nên học bài học là cần phải kết bạn với một trong các hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an để họ giúp đỡ và như thế thì chẳng phải lo gì cả."

Một số các nhà quan sát cho rằng tình trạng chia rẽ trong cộng đồng quốc tế đối với cách giải quyết vụ khủng hoảng chính trị ở Miến Điện đã khiến cho tập đoàn quân nhân cầm quyền trở nên táo bạo hơn. Thái độ này đã tỏ lộ qua việc giới hữu trách Miến Điện đe dọa trục xuất trưởng đại diện phái bộ Liên Hiệp Quốc, ông Charles Petrie.

Tường thuật hôm thứ bảy của nhật báo Irrawaddy của người Miến Điện lưu vong ở Thái Lan cho biết: một ngày trước khi đặc sứ Gambari đến Miến Điện, ông Petrie đã đến Nay Pyi Daw để gặp gỡ các giới chức Miến Điện và ông đã được trao cho văn thư nói rằng chính phủ Miến Điện không muốn ông tiếp tục phục vụ ở nước họ. Văn thư này tố cáo rằng ông Petrie đã có hành động vượt khỏi phần vụ của mình khi đưa ra một thông cáo báo chí hôm 24 tháng 10 đề cập tới các vấn đề kinh tế-xã hội Miến Điện. Theo tờ Irrawaddy, thông cáo này có đoạn nói rằng những cuộc biểu tình hồi gần đây đã làm nổi bật sự kiện là khát vọng phát triển, ấm no, hòa bình của người dân Miến Điện vẫn chưa thành hiện thực và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc muốn nhắc lại là họ giữ vững quyết tâm giúp đỡ Miến Điện để giải quyết nạn nghèo túng khổ sở và những nguyên do gây ra tình trạng này.

Hành động của tập đoàn quân nhân Miến Điện đã gặp phải sự đả kích kịch liệt của Liên Hiệp Quốc và nhiều nước khác. Phát ngôn viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, bà Michele Montas nói rằng "hành động ngược ngạo này là một sự xỉ nhục đối với Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế." Bộ ngoại giao Singapore - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Asean cũng đưa ra một thông cáo bày tỏ bất mãn đối với chính phủ Miến Điện.

Một số các nhà phân tích cho rằng hành động này là một mưu toan mà họ gọi là 'một thủ đoạn rẻ tiền' của tập đoàn tướng lãnh để tránh thảo luận với vị đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về vấn đề cải cách dân chủ. Ông Brad Adams, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho rằng rất có thể là ông Gambari giờ đây sẽ mất nhiều thời giờ để nói chuyện về vai trò của Liên Hiệp Quốc ở Miến Điện thay vì để yêu cầu nhà cầm quyền Miến Điện chấm dứt những hành vi đàn áp và tiến hành những biện pháp cải cách thật sự.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG