Thủ tướng Bắc Triều Tiên, ông Kim Yong Il đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam, nơi ông đã đi từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí minh. Ông Kim chịu trách nhiệm điều hành nền kinh tế của Bắc Triều Tiên, và được cho là muốn áp dụng các bài học về cải cách kinh tế của Việt Nam vào nền kinh tế chỉ huy của Bắc Triều Tiên đang bị thất bại.
Hôm nay, các con cá chép vùng vẫy đớp mồi, vào lúc thủ tướng Kim Yong Il của Bắc Triều Tiên thả thức ăn cá xuống ao trước căn nhà gỗ mà ông Hồ Chí Minh đã từng ở trong thời gian làm chủ tịch nước Việt Nam. Trong một buổi đi thăm có tính cách xã giao, ông Kim gọi ý đến các nguồn gốc Cộng sản mà Bắc Triều Tiên và Việt Nam cùng chia sẻ.
Ông Kim tỏ ý hy vọng hai nước có thể nâng tình hữu nghị lịch sử lên một mức độ mới.Nhưng những con cá giành nhau thức ăn mà ông Kim thả xuống là một hình ảnh không mấy thoải mái phản ánh lý do thực sự của chuyến thăm Việt Nam lần này. Đó là sự thất bại của nền kinh tế chỉ huy của Bắc Triều Tiên, đã khiến nhân dân phải lệ thuộc vào viện trợ lương thực của nước ngoài.
Ông Paul French là một chuyên gia về Bắc Triều Tiên và là giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Access Asia. Ông nói rằng một lý do của chuyến thăm Việt Nam của ông Kim là sự thừa nhận của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên rằng cần phải bắt chước các cải cách kinh tế đã giúp nền kinh tế Việt Nam đạt những thành quả tốt đẹp.
Ông French nói: “Có một thành phần cải cách, kỹ trị tại Bắc Triều Tiên thực sự nhận ra rằng họ phải thực hiện một số cải cách. Vào lúc này, tôi nghĩ rằng phe cải cách có lẽ cảm thấy khá mạnh, và đây là nguyên do một phần tại sao ông Kim thực hiện những chuyến công du này.”
Một vòng cải cách có xu hướng thị trường trước đây tại Bắc Triều Tiên đã thất bại vào năm 2003. Các biện pháp trừng phạt tài chính do Hoa Kỳ áp đặt năm 2006 vì chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã đào sâu thêm sự cô lập của nước này.
Hoa Kỳ đã bãi bỏ các biện pháp trừng phạt hồi tháng 2 năm nay sau khi Bình Nhưỡng đồng ý hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân giúp hồi sinh các hy vọng cải cách kinh tế. Chuyến công du đưa ông Kim từ Việt Nam đến Malaysia, Kampuchia và Lào, nhằm mục đích một phần là để học hỏi các kinh nghiệm của các nền kinh tế Á Châu hướng về xuất khẩu.
Ông French cho rằng ông Kim cũng đang tìm cách lấy lòng các nước Đông Nam Á để được sự trợ giúp của các cơ sở cho vay tiền quốc tế.
Ông French nói: “Họ phải giải quyết vấn đề giao dịch với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu và những người trong ngành này. Họ sẽ không được sự đầu tư tư nhân nghiêm túc nào từ phía các ngân hàng đầu tư, hay các quỹ phát triển, hoặc bất cứ tổ chức nào cho đến khi những cơ sở cho vay như Ngân hàng Thế giới xúc tiến chuyện đó.”
Hôm chủ nhật, ông Kim đã đi thăm một mỏ than đã được cổ phần hóa gần Hải Phòng, trong nỗ lực của Việt Nam đưa đầu tư nước ngoài và công nghiệp năng lượng. Ông Kim cũng dự trù đi thành phố Hồ Chí Minh để thăm một khu chế xuất.
Chuyến thăm của ông Kim đã đem lại một cơ hội cho Việt Nam thể hiện ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế, theo như nhận định của ông Dương Chính Thực, cựu đại sứ Việt Nam ở Bắc Triều Tiên. Ông Thực nói rằng Việt Nam lâu nay vẫn muốn đóng một vai trò điều giải giữa Bắc Triều Tiên và phần còn lại của thế giới.