Tốc độ phát triển kinh tế quá mạnh của Việt Nam tuy đang thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, nhưng theo một bản tin của AFP thì lại gây khốn đốn cho dân chúng vì giá các nhu yếu phẩm căn bản, tỉ như gạo, đều tăng.
Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam thì giá hàng tiêu dùng đã tăng 9,34% trong tháng 10 sau khi đã tăng 8,8% hồi tháng 9. Tỉ lệ lạm phát cũng đang làm chính phủ quan ngại trong lúc chính phủ đang cố kìm hãm đà lạm phát ở dưới mức tăng trưởng tổng sản lượng nội địa. Trong 9 tháng đầu năm nay, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển ở tỉ lệ 8,16%.
AFP cho biết giới hữu trách đã tỏ rõ nỗi quan ngại trong tuần nầy sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận rằng chính phủ muốn có một tỉ lệ phát triển kinh tế cao nhưng phải có một tỉ lệ lạm phát thấp. Thế nhưng giá các loại lương thực, tức là các mặt hàng chiếm tới hơn 40% những thứ được dùng để đo lường lạm phát, lại tăng tới 13,94% trong tháng 10. Riêng giá gạo và các loại hạt khác thì đã tăng tới 15,98%.
AFP nhắc lại sự kiện Việt Nam gia nhập WTO hồi đầu năm và từ đó đã mở rộng thị trường nội địa cho cả thế giới. Điều nầy, theo một viên chức của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, cũng đồng thời khiến Việt Nam phải đón nhận các chấn động khác trên thế giới tỉ như việc gia tăng giá dầu, từ đó kéo theo sự gia tăng áp lực trên giá các sản phẩm tiêu dùng.
Viên chức nầy còn qui trách cho đà xây dựng bất động sản ở mức chóng mặt từ Hà Nội tới thành phố Hồ Chí Minh, khiến cho giá các vật liệu xây cất như thép và xi măng đã tăng tới 11,72% trong tháng 10.
Một viên chức thuộc cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc ghi nhận là tuy chính phủ đã thi hành các biện pháp ngăn chận áp lực trên giá hàng bằng cách bán trái phiếu và tăng ngân khoản dự trữ của ngân hàng, nhưng theo ông thì chính phủ còn cần phải áp dụng thêm nhiều biện pháp khác nữa và phải tăng lãi suất để khuyến khích tiết kiệm.