Hoa Kỳ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq hợp tác chống khủng bố, sau khi xảy ra những vụ tấn công hồi gần đây trên đất của Thổ Nhĩ Kỳ, mà người ta cho rằng những người chủ động các vụ tấn công là một nhóm cực đoan người Kurd, đặt căn cứ ở Iraq. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là họ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đối phó với nhóm cực đoan này, kể cả đưa quân vào đất Iraq.
Chính phủ của Tổng Thống Bush rất quan tâm trước viễn ảnh có một cuộc tiến quân ở mức to lớn của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền Bắc Iraq, khu vực tương đối hiền hòa mà người Kurd đang sinh sống.
Các quan chức Hoa Kỳ tại Washington nhắc lại lời kêu gọi 2 chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq bắt tay chống lại đảng Công Nhân Người Kurd, gọi tắt PKK, sau khi có những vụ tấn công được gán cho đảng này trong mấy ngày vừa qua, giết chết 15 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và một số thường dân.
Hoa Kỳ xem đảng PKK là một tổ chức khủng bố và vào tối thứ Hai, bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra thông báo lên án vụ tấn công mới nhất, nói rằng hành động bạo lực của đảng PKK chẳng những đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ mà có phá hoại an ninh và cuộc sống của Iraq.
Thảo luận với các nhà báo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Sean McCormack nói rằng nhu cầu cấp bách hiện nay là cần phải có sự hợp tác giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề PKK.
Ông McCormack nói: "Điều cực kỳ quan trọng là tất cả mọi phe liên quan đến vấn đề này, gồm có người Iraq, người Thổ Nhĩ Kỳ phải hợp tác chống khủng bố; và dĩ nhiên Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiệm vụ của mình. Không thể nào để cho những cuộc tấn công như vậy xuất phát từ phần đất Iraq, và tôi nghĩ người Iraq cũng hiểu điều đó. Hiện nay tôi chưa thể xác định được vụ tấn công mới nhất có xuất phát từ phần đất Iraq hay không. Tôi không thể khẳng định. Nhưng rõ ràng đây là điều đáng quan tâm sâu sắc cho người Thổ Nhĩ Kỳ, cho người Iraq và cả cho người Mỹ."
Về lời đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiến quân vào Iraq, Phát ngôn viên McCormack trả lời các quốc gia có chủ quyền có toàn quyền tự quyết định cách bảo vệ tốt nhất cho chính mình. Nhưng ông nói: lâu nay chính phủ Hoa Kỳ vẫn khuyên các nước bạn nên tự chế và hợp tác; do đó, ông không rõ là những cuộc tiến quân đơn phương có phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề hay không.
Một quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói với các nhà báo rằng có thể đã xảy ra nhiều trường hợp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào đất Iraq để truy đuổi các thành viên của đảng PKK; và bây giờ thì Hoa Kỳ hết sức quan tâm đến viễn ảnh sẽ có một cuộc tiến quân trên quy mô lớn, với sự tham dự của xe tăng hoặc binh sĩ của nhiều đơn vị.
Thông cáo hôm tối thứ Hai của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kêu gọi Nhà chức trách Iraq đưa ra những biện pháp hiệu quả chống lại PKK; và nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng có những biện pháp thích đáng để yểm trợ các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, muốn bảo vệ nhân dân họ và ngăn chận những hành vi khủng bố.
Để cho thấy là Hoa Kỳ hết sức quan tâm đến vấn đề này, vào năm ngoái, chính phủ của Tổng Thống Bush đã chỉ định Đại tướng Không quân hồi hưu Joseph Ralston, cựu Tư lệnh Tối cao của liên minh quân sự NATO; làm đặc sứ không ăn lương, để đối phó với đảng PKK.
Trong khi tiếp xúc với các nhà báo hôm thứ Ba, Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Sean McCormack xác nhận tin ông Ralston đã gửi cho Ngoại Trưởng Condoleezza Rice lá thư xin từ chức.
Phát ngôn viên McCormack không trả lời câu hỏi muốn biết lý do tại sao ông Ralston từ chức; và ông cũng không biết liệu sẽ có người khác thay thế cho ông Ralston hay không.