Người Việt tại Hoa Kỳ đã tiến vào rất nhiều ngành nghề trong xã hội. Người Việt, nhất là phụ nữ, hầu như đã thống lĩnh thị trường làm móng tay móng chân tại xứ sở mới của họ. Đây là một ngành dễ kiềm tiền, không cần trình độ học thức cao, chỉ cần khéo tay và chiều khách. Tuy nhiên, một nghề khác, đòi hỏi nhiều công lao đèn sách, cũng được người Việt, với đa số là phụ nữ, tham gia đông đảo, đó là ngành dược. Hôm nay Lan Phương sẽ trình bày về ngành nghề này tại Hoa Kỳ qua câu chuyện với 3 dược sỹ gốc Việt hiện hành nghề tại các tiểu bang nước Mỹ.
Con số những dược sỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ hiện nay khá đông. Theo dược sỹ Bùi Thị Hảo, hiện hành nghề tại San Jose, bang California, thì chỉ nội miền bắc California không thôi, số dược sỹ gốc Việt hành nghề đã lên tới khoảng 400 người, và tại nam California thì con số này có thể tương đương hay hơn. Ngoài ra, tại những thành phố khác trên khắp nước Mỹ, nơi nào cũng có bóng dáng của các dược sỹ người Việt.
Để có được bằng hành nghề tại Hoa Kỳ, những người đã có bằng dược sỹ tại Việt Nam phải qua những trường lớp và kỳ thi như thế nào ?
Dược sỹ Nguyễn Hùng Thịnh, hiện hành nghề tại tiểu bang Florida, cho biết ông đã phải qua một kỳ thi tương đương, sau khi thi đậu, phải đi thực tập khoảng 500 giờ, làm việc dưới quyền giám sát của một dược sỹ đã hành nghề; đó là khoảng thập niên 1980, còn bây giờ tiểu bang Florida đã nâng con số giờ thực tập lên khoảng 2,000 giờ. Dược sỹ thực tập cũng có thể làm việc cho dược phòng tại một bệnh viện. Công việc của một dược sỹ thực tập cũng giống như của một dược sỹ có bằng hành nghề, tức là cung cấp thuốc cho bệnh nhân theo đơn bác sỹ; tuy nhiên đối với những thứ thuốc có thể gây nghiện thì khác.
Sau khi hoàn tất thời gian thực tập, bước kế tiếp là thi bằng hành nghề của tiểu bang. Nếu đậu, thí sinh sẽ được cấp bằng hành nghề để đi làm việc.
Cơ hội công ăn việc làm cho một dược sỹ đi theo con đường này là trông coi một dược phòng bán lẻ, và đại đa số các dược sỹ người Việt đều làm công việc như vậy. Bà Bùi Thị Hảo nói về trách nhiệm của 1 dược sỹ tại 1 dược phòng bán lẻ:
Dược sỹ cũng có thể làm việc cho dược phòng trong bệnh viện, cung cấp thuốc theo đơn bác sỹ cho bệnh nhân tại bệnh viên. Một công việc khác của dược sỹ bệnh viện là tham gia vào toán lâm sàng, để cùng với bác sỹ, y tá, đem đến cho các bệnh nhân sự chữa trị tốt nhất, xem xét coi những thứ thuốc được bác sỹ kê toa có đúng phân lượng hay không, những thứ thuốc cho bệnh nhân sử dụng có kỵ với nhau hay không...
Đó là trường hợp thứ nhất. Trường hợp thứ nhì, các dược sỹ đã có bằng cấp tại Việt Nam hay một nước khác có thể xin vào học lại chương trình dược tại đại học Mỹ. Tùy nơi, tùy trường, nhưng thường thì họ được miễn 2 năm dự bị dược, và thời gian học chỉ còn chừng 3 hay 4 năm, rồi sau đó thi bằng hành nghề của tiểu bang và ra hành nghề như đã nói ở trên.
Nếu là một học sinh trung học tại Hoa Kỳ mang ý định theo đuổi ngành dược sau khi lên đại học thì dược sỹ Loan Vũ, hiện đang hành nghề trong chức vụ giám đốc về pharmacy tại bệnh viện Riddle Memorial trong thị trấn Media, bang Pennsylvania, có một số lời khuyên.
Bà Loan Vũ cho biết, học từ đầu để trở thành dược sỹ phải mất 6 năm đại học. Trong trường hợp của dược sỹ Loan Vũ, sau khi có bằng hành nghề, bà còn học thêm bằng cao học về quản trị kinh doanh.
Bà từng làm việc cho nhiều bệnh viện, tham gia vào việc cải cách hệ thống cung cấp thuốc cho bệnh nhân nằm viện, chuyển đổi hệ thống cũ sang hệ thống tự động, để có thể kiểm soát việc điều trị thuốc men chặt chẽ hơn, hầu giảm thiểu tối đa những lỗi lầm có thể xảy ra, tìm cách nâng phẩm chất của dịch vụ thuốc men để chăm sóc bệnh nhân đến mức tốt nhất có thể được, quản lý toán dược sỹ và là gạch nối giữa ban giám đốc với các dược sỹ trong bệnh viện.
Ngoài những công việc kể trên, các dược sỹ còn có thể đảm nhận công việc nghiện cứu tìm các thứ thuốc mới cho các công ty sản xuất dược phẩm.
Theo lời dược sỹ Nguyễn Hùng Thịnh thì nước Mỹ vẫn còn thiếu dược sỹ trong ít nhất 10 năm nữa nên dồng lương của dược sỹ khá cao ngay từ lúc mới ra trường. Tuy nhiên, lương của một dược sỹ thâm niên so với một dược sỹ mới ra trường làm việc tại các cửa hàng thuốc tây hầu như không có gì khác biệt.
Sau đây là một vài con số dành cho các thính giả nào tò mò muốn biết về lợi tức của các dược sỹ làm việc tại những cửa hàng bán thuốc tây tại Hoa Kỳ, ở miền bắc tiểu bang California thuộc vùng duyên hải miền tây, nơi đời sống rất đắt đỏ, lương của dược sỹ khoảng trên dưới 60 đô la 1 giờ.
Còn tại bang Florida, thuộc duyên hải đông nam Hoa Kỳ, giá sinh hoạt tương đối rẻ, đồng lương khoảng trên 50 đô la 1 giờ, và nếu làm giờ phụ trội thì lương sẽ tăng gấp rưỡi kể từ giờ thứ 41 trở đi trong 1 tuần lễ.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích cho các bạn trẻ nào mang ý định theo đuổi ngành dược tại Hoa Kỳ.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ nội dung của cuộc phỏng vấn do Lan Phương thực hiện: