Đảng Dân Tiến đương quyền ở Đài Loan đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về vấn đề công và tội của Tổng thống Tưởng Giới Thạch qua việc loại tên ông ra khỏi tên phi trường quốc tế chính, đổi tên đài tưởng niệm ông ở thủ đô Đài bắc và di dời các bức tượng của ông ra khỏi các căn cứ quân sự. Nhiều bức tượng đã được đưa tới một công viên ở miền bắc Đài Loan - một trong số rất hiếm những nơi công cộng mà người ta còn trông thấy hình ảnh của ông Tưởng Giới Thạch. Trong chuyến viếng thăm Đài Loan mới đây, thông tín viên William Ide của đài VOA đã ghé thăm công viên vừa kể và có bài tường thuật do Duy Ái trình bày sau đây:
Ở huyện Đào Viên có một công viên khá đặc biệt, nằm trong vùng đồi núi xanh tươi ở miền bắc của đảo Đài Loan. Trên bãi cỏ của công viên này có hơn một trăm bức tượng của cố Thống Chế Tưởng Giới Thạch, và con số này mỗi lúc một nhiều hơn.
Đây là những bức tượng được di dời từ năm ngoái sau khi đảng Dân Tiến đương quyền bắt đầu thực hiện một loạt những biện pháp mạnh tay để loại bỏ ảnh hưởng còn sót lại của ông Tưởng Giới Thạch, kể cả việc đổi tên phi trường quốc tế lớn nhất nước ở Đào Viên và một đền tưởng niệm hoành tráng ở ngay trung tâm thủ đô. Dân chúng ở đây gọi những hành động này là một phần của chiến dịch có tên là "khử-Tưởng hóa" hay loại trừ ảnh hưởng của ông Tưởng.
Một số các bức tượng được mang tới đặt tại công viên ở Đại Khê là tượng ông Tưởng trong trang phục cổ truyền của một học giả Trung Quốc, và những bức tượng khác là tượng ông mặc quân phục oai nghiêm trên lưng ngựa với thanh kiếm tuốt ra khỏi vỏ.
Chiến dịch "khử-Tưởng hóa" đã gây ra khá nhiều tranh cãi ở Đài Loan. Đối với một số người, hình ảnh của ông Tưởng gợi lại ký ức về tài lãnh đạo và công lao của ông. Nhưng đối với một số người khác thì nó lại làm cho họ nhớ tới thời kỳ thiết quân luật và việc binh sĩ Quốc Dân Đảng của ông Tưởng đã giết hại hơn 200 ngàn thường dân vô tội trong vụ thảm sát năm 1947.
Ông Tô Văn Thắng, xã trưởng xã Đại Khê, biết rõ là vấn đề liên quan tới ông Tưởng Giới Thạch là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng ông nói rằng uy danh ngày càng sút giảm của vị thống chế này là hệ quả tự nhiên của quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan.
Ông Tô nói: "Trong chế độ độc tài người ta thường hay thần thánh hóa lãnh tụ -- họ muốn người dân xem nhà lãnh đạo quốc gia là một vị anh hùng. Trong xã hội dân chủ hiện nay, các nhà lãnh đạo, kể cả tổng thống, phần lớn là do dân chúng bầu ra. Vì thế cho nên có sự khác biệt trong bối cảnh lịch sử. Tôi còn nhớ lúc chúng tôi còn nhỏ, ngày nào tới trường chúng tôi cũng đều phải đứng nghiêm rồi vái chào trước bức tượng bằng đồng của ông Tưởng Giới Thạch. Học sinh bây giờ không cần phải làm như vậy nữa. Tôi nghĩ rằng đây là kết quả tự nhiên của quá trình dân chủ hóa."
Theo ông Tô Văn Thắng, các bức tượng của ông Tưởng Giới Thạch cần được lưu giữ như những di vật lịch sử và văn hóa của một thời kỳ xã hội. Ông cho biết thêm rằng công viên này thu hút khá nhiều du khách, kể cả những người đến từ Trung Quốc.
Ông Lưu Tiền Phi, 81 tuổi, là một cựu chiến binh từng theo quân đội của Quốc Dân Đảng đến Đài Loan cách nay gần 60 năm. Ông tỏ ý bất mãn trước cuộc vận động khử-Tưởng hóa:
Ông Lưu nói: "Con người không phải là thần thánh, và dĩ nhiên mỗi người ai nấy cũng có khuyết điểm. Chúng ta không thể phủ nhận tất cả mọi công lao của ông Tưởng. Làm như vậy là quá cực đoan."
Vấn đề công và tội của ông Tưởng Giới Thạch đã trở thành một đề tài tranh cãi khá gay gắt từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ khi lệnh thiết quân luật được hủy bỏ vào cuối thập niên 1980 và Đài Loan chuyển đổi thành một nền dân chủ đa đảng. Khi ông Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến đánh bại ứng viên của Quốc Dân Đảng để lên nắm chức vụ Tổng thống vào năm 2000 chiến dịch phi Tưởng hóa đã gia tăng cường độ và điều này đã tạo ra thêm những mối căng thẳng giữa đảng đương quyền và phe đối lập.
Khi đề cập đến lý do đổi tên đền tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Trần Thủy Biển nói rằng đây là một việc làm chính đáng:
"Đền tưởng niệm Tưởng Giới Thạch vốn là một miếu thờ trong dòng họ của một gã độc tài. Hôm nay, chúng ta đổi tên địa điểm này thành Đền Kỷ Niệm Dân chủ Đài Loan -- một nơi thuộc về toàn thể dân chúng Đài Loan. Khi làm như vậy chúng ta không hề cắt đứt lịch sử mà chúng ta gìn giữ tất cả những bài học lịch sử. Chúng ta có thể tha thứ cho những điều bất nghĩa bất công xảy ra dưới chế độ độc tài lúc trước, nhưng chúng ta tuyệt đối không thể quên đi những điều này."
Các chính khách thuộc phe đối lập, đặc biệt là những người thuộc Quốc Dân Đảng, nói rằng: hành động của đảng Dân Tiến là vi hiến và không chính đáng. Họ cũng tố cáo rằng ông Trần Thủy Biển lợi dụng vấn đề này để gia tăng thanh thế của đảng ông trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.
Ông Mã Anh Cửu là cựu Chủ tịch Quốc Dân Đảng và là ứng viên của đảng này trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008. Ông Mã nói rằng tuy có một số khuyết điểm, nhưng ông Tưởng Giới Thạch là người chẳng những đã có công rất lớn đối với sự phát triển kinh tế của Đài Loan mà còn có nhiều đóng góp cho quá trình dân chủ hóa của đảo quốc này:
"Nhân vô thập toàn. Ông ấy đã làm rất nhiều điều tốt đẹp cho Đài Loan. Ông ấy là người đã bảo vệ Đài Loan qua việc tiến hành nhiều cuộc chiến tranh để chống lại phe Cộng Sản."
Giáo sư Bruce Jacobs là một chuyên gia về Đài Loan của Đại học Monash ở Australia. Ông không tán đồng nhận định của ông Mã Anh Cửu. Ông nói rằng đứng trên lập trường của một người ủng hộ dân chủ thì chế độ cai trị của thời Tưởng Giới Thạch là một chế độ cực kỳ tàn bạo và những thành quả về kinh tế không thể nào bù đắp được.
Ông Jacobs nói: "Lúc đó có rất nhiều tù nhân chính trị, có vô số những vụ hành quyết. Đó là một chế độ độc tài rất thô bạo. Nếu quí vị là một người thuộc phe dân chủ ở Đài Loan và quí trọng những giá trị dân chủ, thì quí vị rất khó lòng quí trọng thời kỳ cai trị của ông Tưởng Giới Thạch."
Theo ông Jacobs, cuộc vận động chính danh ở Đài Loan là một nỗ lực rất có ý nghĩa.
Ông Tô Văn Thắng, Xã trưởng Xã Đại Khê - nơi có công viên tập trung cả trăm bức tượng của ông Tưởng Giới Thạch, thì nói rằng việc phán xét công và tội của ông Tưởng Giới Thạch là việc của các chính khách và các nhà viết sử. Riêng ông, ông chỉ muốn làm sao cho công viên này tiếp tục thu hút nhiều du khách là ông vui lòng lắm rồi.