Trong thời gian qua đã có nhiều cuộc tranh luận trong giới báo chí cũng như các nhà chính trị và quân sự tại Hoa Kỳ về những điểm tương đồng và khác biệt giữa cuộc chiến tranh Iraq hiện nay với cuộc chiến tại Việt Nam cách đây hơn 30 năm. Mới đây một Tướng hồi hưu của Hoa Kỳ, người mà trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam đã bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu về chính sách của Mỹ về cuộc chiến này, đã nêu lên những kinh nghiệm mà ông đã thu thập được tại Việt Nam, và quan điểm của ông về những sự kiện đang được tranh luận liên quan đến chiến tranh Iraq. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết do Trần Nam ghi nhận trong các cuộc phỏng vấn mà Tướng hồi hưu Volney Warner đã dành cho tờ báo McLatchy mới đây:
Tướng 4 sao Volney Warner là người từng soạn thảo học thuyết chống nổi dậy trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhiệm vụ của ông là nghiên cứu các phương cách để thăng tiến các quyền lợi của Hoa Kỳ trên toàn cầu.
Những đề tài mà ông nghiên cứu để soạn thảo học thuyết này là làm thế nào để nền chính trị ở trong nước có thể hình thành các chiến thuật quân sự, tại sao các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Mỹ lại thất bại tại Việt Nam và gặp nhiều khó khăn tại Iraq?, và quân đội Hoa Kỳ đã học được những bài học nào trong một cuộc chiến không qui ước như tại Iraq?
Nhà báo Nancy Yousseff của tờ McClatchy viết rằng hơn ai hết, ông Warner là người có đủ tư cách để bàn về những cuộc xung đột hiện nay. Trong gia đình ông có đến 7 người phục vụ trong quân đội, kể cả 5 người tại Iraq hoặc tại Afghanistan. Trong số 7 người này có 2 người con trai, một Thiếu Tướng và một Đại Tá, cả 2 đều hồi hưu. Người con rể của ông là một Thiếu Tướng đang huấn luyện cho quân đội của chính phủ Iraq, một đứa cháu gái là Đại Úy trong lực lượng Quân Đội Trừ Bị, một cháu trai đang phục vụ tại Iraq, và một đứa cháu trai khác đang học tại Trường Vỏ Bị West Point mà có lẻ sau khi tốt nghiệp sẽ được lệnh phục vụ tại chiến trường.
Ngoài ra ông Warner còn có một đứa cháu gái 24 tuổi là Trung Úy Laura Walker, phục vụ trên chiến trường Iraq vào năm 2004, nhưng một năm sau đó cô đã bị chết vì một quả bom bên đường tại Afghanistan. Cái chết của cô cháu gái này đã khiến cho ông đặt câu hỏi, ai là người chịu trách nhiệm về việc gửi đứa cháu gái của ông đến hai khu vực chiến tranh này mà không có một chiến lược vững chắc nào để chiến thắng.
Là một chuyên gia lỗi lạc về chống nổi dậy và được xem như là một trong những nhà tư tưởng bén nhậy, ông Warner đặt câu hỏi tại sao quân đội Hoa Kỳ, với tất cả những điều kiện thuận lợi về truyền thống, huấn luyện, trang thiết bị, và hỗ trợ, lại không rút tỉa được những bài học trong cuộc chiến tranh Việt Nam và đem áp dụng những kinh nghiệm đó tại Iraq. Ông đã đưa ra những giải đáp trong một loạt những cuộc phỏng vấn của một phóng viên của báo McClatchy tại Washington.
Theo sự giải thích của ông Warner thì nguyên nhân của sự thất bại của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và những khó khăn hiện nay trong chiến tranh Iraq là do các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Mỹ . Tổng Thống John F. Kennedy trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, và Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush với chiến tranh Iraq đã không có những mục tiêu rõ ràng mà chỉ dựa vào giả thiết để tiến hành chiến tranh. Do đó các giới chức này đã đề ra những chiến lược quân sự có nguy cơ bị thất bại.
Cũng theo lời ông Warner, 81 tuổi, người đứng đầu một công ty tham vấn về quốc phòng tại McLean, Tiểu Bang Virginia thì nếu chiến lược và chính sách đều sai lầm thì ta không thể nào quy trách nhiệm cho những người thực hiện. Họ là những người đã cố gắng thi hành một sách lược chính trị không hữu hiệu.
Ông Warner cho rằng những giả thiết được đưa ra để tiến hành chiến tranh tại Việt Nam và Iraq đã gần như giống nhau.
Tại Việt Nam Tổng Thống Kennedy và các nhà soạn thảo chính sách đã tin vào thuyết Domino, theo đó nếu Miền Nam sụp đổ thì các nước đồng minh khác của Hoa Kỳ như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippine, Indonesia, cũng sẽ rơi vào tay Cộng sản.
Còn tại Iraq, Tổng Thống Bush và các nhà soạn thảo chính sách thuộc thành phần tân bảo thủ tại Ngũ Giác Đài và tại Văn Phòng của Phó Tổng Thống Dick Cheney có một lý thuyết về dân chủ. Đó là gieo trồng dân chủ tại Iraq sẽ dễ dàng để từ đó hạt giống dân chủ sẽ lan tràn sang Syria, Ai Cập, Ả Rập Saudi và các nước khác.
Hơn ba mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông Warner đã tỏ ra ngờ vực khi Tổng Thống Hoa Kỳ kêu gọi phát huy dân chủ như là một phương cách để đánh bại khủng bố.
Theo lời ông thì chủ thuyết này khó có thể thực hiện tại một khu vực đầy phức tạp như Trung Đông, nơi mà ông cho rằng Iran là nước dân chủ nhất trong khu vực, và các nhóm Hồi giáo có ảnh hưởng lớn đối với một số các đảng chính trị đang có nhiều người ủng hộ, trong đó có Hamas trong các vùng lãnh thổ Palestine và Hezbollah ở Libăng, dường như không hoan nghênh lý thuyết đó.
Theo ông thì một trong những bài học tại Việt Nam và Iraq có những điểm giống nhau là một vài cuộc chiến không thể đạt được thắng lợi bằng quân sự, mà có thể chỉ bằng chính trị với việc tranh thủ nhân tâm của người dân tại địa phương.
Ông nhấn mạnh rằng những kết luận của ông về những gì đang xảy ra tại Iraq đã được hình thành phần lớn bằng những kinh nghiệm mà ông đã rút tỉa được trong thời gian làm việc tại Việt Nam chứ không phải bằng những gì mà những người trong gia đình ông đã trải qua.
Ông Warner đã bỏ ra 10 năm để nghiên cứu về chính sách Việt Nam trong những chức vụ khác nhau, từ vùng đồng bằng sông Mekong cho đến Tòa Bạch Ốc. Ông đã đi từ cấp bậc Thiếu Tá cho đến Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 thuộc Sư Đoàn 4 Bộ Binh, Sư Đoàn mà sau này người cháu gái của ông phục vụ. Ông đã giúp thực hiện chiến lược chống nổi dậy tại Việt Nam, và vào lúc cuối nhiệm kỳ phục vụ ông cảm thấy rằng Hoa Kỳ đã giúp xây dựng một xã hội tự lực cách sinh trong vùng đồng bằng phía Nam nhưng lại không giúp thực hiện điều này tại các tỉnh phía Bắc của Miền Nam Việt Nam.
Vì đặt nặng vấn đề chính trị cho nên lúc bấy giờ ông nhận thấy rằng các cố vấn dân sự là thành phần rất quan trọng trong việc giúp cho kế hoạch chống nổi dậy trở nên hữu hiệu, và giúp cho dân chúng địa phương ý thức rằng họ ủng hộ một thực thể dân tộc chứ không phải là một hệ tư tưởng. Theo ông thì quân đội hiện đại Tây Phương không nên dùng vũ lực để đối phó với các cuộc nổi dậy, mà thay vào đó Hoa Kỳ nên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao tốt đẹp hơn để tránh phải đối đầu với những tình huống như vậy.
Tuy nhiên theo lời ông thì chính phủ Hoa Kỳ và nhất là quân đội đã đi một kết luận mà ông cho là sai lầm, theo đó lý thuyết của ông là chỉ muốn tìm cách tránh những cuộc nổi dậy, do đó những gì mà ông đã đề nghị đã không thực hiện. Cũng theo lời ông thì hầu hết những kinh nghiệm mà ông đã rút tỉa được về chống nổi dậy đã bị phê phán là không thích hợp với thế giới tương lai.
Ông Warner nói rằng ông biết đó là một sai lầm nhưng ông không rõ i lầm đó lớn lao như thế nào cho đến khi chính phủ của Tổng Thống Bush bắt đầu nói đến chuyện tấn công Iraq.
Cũng theo ông thì Hoa Kỳ đã xây dựng các lực lượng qui ước và sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ như tại Bosnia và Somalia, nơi mà nỗ lực của quân đội được tập trung vào vấn đề bảo vệ các lực lượng của họ chứ không phải dân chúng, và đây là điều hoàn toàn đi ngược lại với lý thuyết của ông là tranh thủ nhân tâm để chống nổi dậy.
Nhìn chung, những gì mà Tướng hồi hưu Warner nhận xét cũng giống như nhận định của một số nhà báo trước đây cho rằng cuộc chiến Iraq đã phản ảnh những gì đã từng xảy ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây.
Dù có những quan điểm khác biệt trong những nhận định về trong 2 cuộc chiến này nhưng dường như hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng việc rút quân sớm ra khỏi Iraq trong khi chính phủ tại đây chưa sẵn sàng cho một nước Iraq tự lực tự cường, sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại cho một chính quyền mà Hoa Kỳ đã hỗ trợ bằng những hy sinh xương máu và tiền bạc, chẳng khác nào hậu quả mà Hoa Kỳ đã để lại cho chính phủ miền Nam Việt Nam cách đây hơn 30 năm.