Đường dẫn truy cập

Hồng Kông kỷ niệm 10 năm dưới chính sách 'một quốc gia, hai hệ thống'


Tuần này, Hong Kong chuẩn bị kỷ niệm 10 năm ngày nhập trở lại vào chủ quyền của Trung Quốc (ngày 1 tháng 7). 10 năm trước nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ không giữ lời hứa cho phép Hong Kong được giữ nguyên hệ thống tư bản chủ nghĩa và quyền tự trị của mình. Tuy nhiên những điều lo ngại này đã không trở thành hiện thực. Thông tín viên đài VOA Heda Bayron có bài tường trình sau đây nhìn lại thập niên đầu tiên của mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” và những thách thức trước mắt.

Khi lá cờ Anh được hạ xuống khỏi Hong Kong vào ngày 1 tháng 7 năm 1997, lãnh thổ từng là thuộc địa này lo lắng về tương lai của mình dưới chủ quyền của nước cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên đối với phần lớn người dân thì hầu như có rất ít sự thay đổi. Theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, Hong Kong vẫn là một nền kinh tế tư bản. Hong Kong vẫn duy trì sự tự trị về chính trị và người dân tiếp tục được hưởng nhiều quyền tự do mà họ không thể có ở những nơi khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên sự thịnh vượng của Hong Kong đã thay đổi khi được giao lại cho Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, bắt đầu xảy ra vào năm 1997, đã khiến cho thành phố này phải trải qua một giai đoạn suy thoái kéo dài.

Sau đó vào tháng 12 năm 1997, Hong Kong ghi nhận ca tử vong vì bệnh cúm gia cầm đầu tiên, khiến chính phủ phải tiêu hủy toàn bộ gia cầm ở đây. 6 năm sau đó, vụ bột phát của bệnh dịch có tên Suy giảm Hệ thống Miễn dịch hay còn gọi tắt là SARS đã khiến gần 300 người thiệt mạng và càng làm tê liệt nền kinh tế.

Ông Ming Chan, một chuyên gia nghiên cứu về Hong Kong tại Học viện Hoover thuộc trường đại học Stanford nói rằng những vấn đề này không nảy sinh từ sự kiểm soát của Trung Quốc.

Ông Chan nói: “Những mối lo ngại tệ hại nhất về Hong Kong đã không xảy ra. Hong Kong đã vượt qua được sự chấn động ban đầu khi chuyển sang một hệ thống khác. Tuy nhiên những thách thức mà Hong Kong phải đối mặt không phải là từ lĩnh vực chức năng và không phải từ sự thay đổi chính trị mà là vì sự sa sút kinh tế”.

Những sự kiện đó đã ảnh hưởng đến chính quyền của ông Đổng Kiến Hoa, hành chánh trưởng quan do Bắc Kinh tự chọn. Nhiều người xem ông Đổng Kiến Hoa là một nhà công nghiệp không hề có kinh nghiệm chính trị, và một nhà lãnh đạo thiếu quyết đoán không chịu tiếp xúc với dân chúng.

Các phân tích gia chính trị cho biết Bắc Kinh đã chọn một đường lối lỏng lẻo đối với Hồng Kông trong vài năm đầu tiên sau cuộc chuyển giao. Họ cho rằng Bắc Kinh sợ rằng nếu họ kiểm soát quá chặt chẽ thì sẽ làm hỏng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của mình, một chính sách mà Trung quốc cũng muốn áp dụng đối với Đài Loan khi Đài Loan tái thống nhất một cách hòa bình với nước này.

Tuy nhiên, một số phân tích gia nói rằng để cho ông Đổng Kiến Hoa quá tự do đã dẫn đến những điều làm Bắc Kinh phải đau đầu.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2003, nửa triệu cư dân Hong Kong, những người đã quá tức giận về cách giải quyết nạn dịch SARS và cách điều hành nền kinh tế của ông Đổng Kiến Hoa, đã biểu tình đêå phản đối một dự luật mà nếu được ban hành sẽ cướp đi quyền tự do công dân. Những người biểu tình đã đòi quyền được trực tiếp bầu nhà lãnh đạo của họ.

Chỉ có 800 lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp thân Bắc Kinh được phép bầu chức hành chánh trưởng quan của Hong Kong. Chỉ một nửa trong số các nhà lập pháp được bầu trực tiếp.

Ông Ma Ngok, một giáo sư chính trị tại Trường Đại học Trung Quốc ở Hong Kong nói rằng cuộc biểu tình là một bước ngoặt đối với chính quyền của Bắc Kinh.

Ông Ma nói: “Sau cuộc biểu tình ngày 1 tháng 7, Bắc Kinh đã có một thái độ tích cực hơn về cả mặt kinh tế và chính trị để giải quyết các vấn đề của Hong Kong.”

Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy nền kinh tế bằng việc thông qua một hiệp định thương mại tự do với Hong Kong, cho phép các ngân hàng Hong Kong được thực hiện các giao dịch bằng tiền tệ Trung Quốc và cho phép nhiều du khách Trung Quốc tới thăm Hong Kong hơn.

Tuy nhiên áp lực đối với ông Đổng Kiến Hoa vẫn tiếp diễn và ông đã từ chức vào năm 2005. Ông Tăng Ấm Quyền, một công chức cao cấp được nể trọng của thành phố đã lên thay thế.

Kể từ đó, Hong Kong đã thoát ra khỏi những khó khăn. Nền kinh tế đã phục phồi và năm nay chính phủ đã đạt được thặng dư ngân sách, điều này đã giúp họ có thể cắt giảm thuế.

Tuy nhiên sự thịnh vượng vẫn chưa xoa dịu được yêu cầu của công chúng đòi có tiếng nói lớn hơn trong chính quyền. Người đàn ông này nói rằng nền kinh tế vững mạnh thôi chưa đủ đối với thành phố này. “Tôi hơi thất vọng về tình hình cải cách chính trị. Tôi nghĩ chúng tôi cần được dân chủ hơn, cần phải có phổ thông đầu phiếu.”

Tuy nhiên Trung Quốc đã loại bỏ khả năng tổ chức các cuộc bầu cử trực tiếp trong vài năm tới, mặc dù khái niệm này được qui định trong Bộ Luật cơ bản của Hong Kong.

Vào ngày 1 tháng 7, trong khi các giới chức địa phương và lục địa tổ chức lễ kỷ niệm ngày thống nhất thì các nhà hoạt động dự kiến sẽ lại tổ chức một cuộc biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu.

Ông Albert Ho, chủ tịch Đảng Dân Tiến đối lập, nói rằng triển vọng có được dân chủ là “rất, rất khó”. Tuy nhiên ông nói rằng không có dân chủ thì người dân Hong Kong có thể dễ dàng mất đi sự tự do và các quyền mà hiện giờ họ đang được hưởng.

Ông Hồ nói: “Truyền thống pháp trị cũng như hệ thống tư pháp độc lập có thể rất mong manh. Mức độ tự trị cao và pháp trị ở Hong Kong có thể bị giảm sút rất nhanh chóng và có thể sẽ bị tước đi bất cứ lúc nào.”

Các nhà ủng hộ dân chủ nói rằng tiếng nói lớn hơn của công chúng trong chính quyền thành phố sẽ giúp Hong Kong đối mặt với bất cứ thách thức nào có thể xảy ra trong thập niên tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG