Đường dẫn truy cập

Các biện pháp cải tiến giao thông tại Việt Nam


Việt Nam là một trong những nước có số người chết cao nhất thế giới vì tai nạn giao thông. Một thính giả của đài VOA ở bên Đức đề xuất một số biện pháp để giải quyết vấn đề này, vì đây không phải chỉ là vấn đề con người, mà còn là vấn đề xã hội, kinh tế và nhiều mặt khác.

Tổ Chức Y Tế Thế Giới kêu gọi Việt Nam nên có biện pháp giảm bớt những cái chết do tai nạn giao thông gây ra, các tai nạn này đang trở thành một hiện tượng phổ biến và lan rộng.

Số liệu thống kê cho thấy Năm ngoái, có hơn 12 ngàn người chết vì tai nạn giao thông, tức là trung bình một ngày có 33 người chết, đó là chưa kể những người bị thương, tính trung bình 1 người chết thì có 3 người bị thương.

Hồi tháng tư tại Hà Nội đã có một cuộc hội thảo nhân dịp có Tuần Lễ An Toàn Trên Đường Lộ, một dịp hàng năm để Liên Hiệp Quốc nhắc nhở mọi người trên thế giới về vấn đề an toàn giao thông.

Tại cuộc hội thảo này, ông Hans Troedsson, đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Việt Nam nói rằng “tai nạn giao thông tại Việt Nam đã lên đến một diện rộng. An toàn trên đường lộ không phải chỉ đơn giản là vấn đề y tế công cộng mà là vấn đề kinh tế và xã hội”. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á , kinh tế Việt Nam thiệt thòi khoảng 885 triệu đôla một năm vì các tai nạn giao thông.

Người lái xe trên khắp Việt Nam hầu như coi thường các luật lệ và những giới hạn về tốc độ khi chạy xe.

Không có bao nhiêu người đội mũ bảo hiểm trong số 18 triệu xe máy đăng ký. Nhà chức trách nhiều lần động viên thói quen đội mũ bảo hiểm nhưng quần chúng vẫn còn thờ ơ.

Giải pháp mà ông Troedsson đề ra là Việt Nam cần phải xem chuyện đội mũ bảo hiểm là chuyện bắt buộc trên tất cả các con đường, và phải thực thi luật này đến nơi đến chốn.

Khoảng 40% tai nạn xe cộ nghiêm trọng là do giới trẻ từ 14 đến 25 tuổi gây ra.

Một cuộc khảo sát tại bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy 85% tai nạn xe cộ là tai nạn xe gắn máy.

Một trong những tai nạn giao thông đáng chú ý là tai nạn của hai Giáo sư đại học. Giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, Giám Đốc đại học quốc gia Hà Nội đang đi bộ bị xe gắn máy lách xe phía trước tông phải. Giáo sư Đạo ngã đập đầu xuống đường, đưa vào nhà thương cấp cứu, nhưng từ trần 2 ngày sau đó.

Người thứ nhì, một công dân Mỹ, là Giáo sư Saymour Pepert của trường đại học MIT có danh tiếng. Ông gặp tai nạn trên đường Giải Phóng ở Hà Nội, trong lúc băng qua đường ở lằn dành riêng cho người đi bộ. Ông cũng bị xe gắn máy đụng bất tỉnh, đưa vào nhà thương cấp cứu, rơi vào hôn mê, và sau đó đã được đưa về Mỹ chữa trị. Điều đang nói hơn nưa, vị Giáo sư này có mặt ở Hà Nội để nghiên cứu cách giải quyết nạn ùn tắc giao thông tại thành phố này.

Đại Đức Hạnh Thức, hiện đang định cư tại thành phố Hanover của Đức; là người từng du hành qua nhiều thành phố lớn trên thế giới. Ông đã từng trăn trở về tình hình giao thông tại Việt Nam. Sau chuyến đi Việt Nam mới đây, Đại Đức Hạnh Thức có những đề xuất để giải quyết.

Theo lời Đại Đức Hạnh Thức vấn đề giao thông là một tổng hợp của nhiều vấn đề, từ quản lý dân số, phát triển đô thị, trình độ dân trí, văn hóa giáo dục, luật lệ hành chính, tội phạm xã hội, tham nhũng v.v…

Vì quản lý dân số yếu kém cho nên người dân mới đổ xô vào những thành phố lớn với mức không còn kiểm soát nổi. Vì phát triển đô thị không có kế hoạch, không dự báo những vấn đề sẽ xảy đến trong tương lai, cứ để mặc cho đô thị tùy tiện phát triển.

Vấn đề giao thông càng nghiêm trọng hơn khi một số quan chức cầm quyền nghĩ rằng xe cộ chạy nhiều như thế là tốt, mới đúng là thời đại phát triển, hội nhập với thế giới văn minh cơ giới hóa; trong khi trình dộ dân trí còn thấp, chưa thích ứng được môi trường phát triển cơ giới hóa. Luật lệ hành chính không nghiêm minh, rõ ràng cho nên dễ bị coi thường và vi phạm.

Thái độ này dẫn đến tham nhũng và các tội phạm xã hội khác. Khi người dân thấy phép tắc quốc gia bị coi thường một cách công khai hằng ngày trước mắt mọi người thì những tội phạm khác cũng sẽ nương vào đó mà phát triển.

Vẫn theo lời Đại Đức Hạnh Thức, ngoài các biện pháp giảm bớt số lượng xe máy đang lưu hành và phát triển mạng lưới chuyên chở công cộng, chính quyền có thể áp dụng thêm các biện pháp khác.

Tóm lại, vấn đề giao thông tại Việt Nam là một vấn đề cấp bách, không được chần chờ. Thêm một ngày chờ đợi là có thêm cả trăm người vừa chết, vừa bị thương vì mỗi ngày đều có hàng ngàn hàng vạn chiếc xe đổ ra đường, tranh nhau chạy một cách mất trật tự.

Quý thính giả có ý kiến gì qua những phát biểu của Đại Đức Hạnh Thức thì xin cho chúng tôi biết. Hy vọng các buổi trao đổi sẽ giúp tìm thêm những sáng kiến mới, giúp giải quyết các tai nạn giao thông tại Việt Nam. Và cách mà quý vị muốn liên hệ nhanh chóng và thuận tiện nhất với chúng tôi, là email cho ban Việt Ngữ tại vietnamese@voanews.com

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài phỏng vấn do Huy Phương thực hiện:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG