Một phái đoàn các giới chức cấp cao của Bắc Triều Tiên đang có mặt tại thủ đô Hán Thành để tham dự các cuộc hội đàm nhằm cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai nước. Việc Bình Nhưỡng đã không đáp ứng thời hạn chót để đóng cửa các cơ sở sản xuất hạt nhân đã khiến Hán Thành nghĩ lại việc gởi hàng viện trợ cho miền Bắc.
Việc Nam Triều Tiên quyết định hoãn gởi những chuyến hàng viện trợ cho Miền Bắc nghèo khó như đã hứa có phần chắc sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong cuộc họp tuần này tại thủ đô Hán Thành.
Các giới chức Nam Triều Tiên cho biết họ sẽ không gởi gạo và các thứ vật dụng cần thiết khác đã hứa cho miền bắc cho đến khi nào Bình Nhưỡng thực hiện lời hứa đã cam kết hồi tháng Hai là hủy bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân. Bắc Triều Tiên đã chậm trễ hơn một tháng rưỡi so với thời hạn chót đề ra cho việc tháo dỡ các cơ sở sản xuất hạt nhân là vào tháng Tư.
Bình Nhưỡng cho hay họ sẽ không bắt đầu thực hiện việc đó cho đến khi nào họ nhận được số tiền 25 triệu đôla trong tài khoản của họ từ một ngân hàng ở Macau. Việc chuyển tiền bị chậm trễ do có những trực trặc về kỹ thuật trong việc chuyển giao. Giáo sư Ryoo Kihl-jae, Trưởng khoa nghiên cứu giảng dạy về Bắc Triều Tiên của Trường Đại học Kyungnam ở Hán Thành, nói rằng có phần chắc là Nam Triều Tiên sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu viện trợ của Bình Nhưỡng.
Ông Ryoo nói rằng không khí chính trị ở Nam Triều Tiên sẽ không cho phép các giới chức viện trợ cho miền bắc, trừ phi Bắc Triều Tiên xúc tiến các biện pháp mà họ đã cam kết hồi tháng Hai. Ông Ryoo nói thêm rằng vấn đề này đã trở thành một vấn đề dân ý ở miền Nam.
Nhiều người Nam Triều Tiên, trong đó có các lãnh tụ đối lập hàng đầu, than phiền rằng Hán thành đã không thu về được bao nhiêu lợi ích qua những viện trợ và các dự án phát triển kinh tế ở miền bắc trong nhiều năm qua. Việc Bình Nhưỡng cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái chỉ củng cố thêm cho quan điểm này.
Tuy nhiên, sau khi Bình Nhưỡng hứa chấm dứt chương trình hạt nhân, các giới chức ở Nam Triều Tiên đã bắt đầu thúc đẩy các dự án phát triển kinh tế, trong đó có việc cho thử nghiệm lần đầu tiên đường xe lửa giữa hai miền Nam-Bắc hồi đầu tháng này.
Tại cuộc các hội đàm, có phần chắc là các giới chức Nam Triều Tiên sẽ yêu cầu cho chạy những chuyến xe lửa thường xuyên, việc này xem như là một cách để dễ dàng gởi hàng hóa và viện trợ xuyên biên giới.
Bình Nhưỡng vẫn chưa có cam kết gì về những chuyến xe lửa xuyên biên giới này. Hai miền Nam Bắc Triều Tiên chưa hề chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh đã diễn ra từ năm 1950 đến 1953, sau khi Bắc Triều Tiên xâm lược miền Nam.