Đường dẫn truy cập

Bà LeAnn Thieman kể về Operation Babylift


Bà LeAnn Thieman là người đã tham gia Operation Babylift, cuộc không vận các em cô nhi ra khỏi Việt Nam trước khi chế độ Saigon sụp đổ vào cuối tháng tư năm 1975.

Bà Thieman cho biết bà đã ngưng hành nghề y tá 9 năm nay. Hiện bà là một diễn giả chuyên nghiệp và đồng tác giả của nhiều tập truyện ngắn có mục đích đem lại nguồn an ủi cho mọi người.

Vào lúc xảy ra biến cố năm 1975, bà Thieman là một người tình nguyện làm việc cho một tổ chức từ thiện Bạn của Trẻ Em Việt Nam, một tổ chức toàn quốc quyên góp tiền và thuốc men quần áo để gửi cho các cô nhị viện ở Việt Nam. Họ có một cơ quan nhận con nuôi và khi họ cần đưa 6 em nhỏ về Mỹ thì họ sẽ nhờ những người tình nguyện như bà đi đón các em về nhà cha mẹ nuôi. Nhưng khi bà đến Việt Nam thì tổng thống Ford thời đó đã chấp thuận tiến hành Operation Babylift, và thay vì 6 em, bà đã đưa 300 em ra khỏi Việt Nam.

Bà Thieman nhắc lại chiến dịch này:

Bà Thieman nói rằng tổng thống Ford đã chấp thuận chiến dịch này vào đầu tháng 4 năm 1975. Lúc đó số trẻ mồ côi Việt Nam lên tới hàng trăm ngàn và nhiều cô nhi viện do các nước ngoài điều hành. Vào lúc chính quyền Việt Nam sắp sụp đổ, bom nổ ngay ngoại thành Saigon, nhiều người bỏ chạy khỏi nước. Để giúp chăm sóc các em, và vì người Mỹ cảm thấy có phần nào trách nhiệm, tổng thống Ford được yêu cầu chấp thuận Operation Babylift. Phải mất nhiều tuần lễ, nhưng tổng cộng gần 3 ngàn em bé đã được cứu và đưa ra khỏi Saigon và được các gia đình Mỹ nhận làm con nuôi.

VOA: Operation Babylift đã thay đổi cuộc đời bà như thế nào?

Nó đã đem lại rất nhiều thay đổi, trong đó có chuyện vợ chồng tôi đã làm đơn qua tổ chức này xin nhận một đứa con nuôi và theo dự trù chúng tôi phải chờ cả 1 hay 2 năm nữa.. Nhưng vì tình hình biến chuyển, lúc tôi sang đến Saigon thì được cho biết là tôi có thể vào chọn bất cứ em nào nhận về. Tôi đã vào một phòng của cô nhị viện, thì một em bé trai đã bò đến với tôi. Em ấy đã chọn tôi, vì thế tôi nhận nuôi đứa bé trai đó qua “Operation Babylift,” và nay cháu đã được 31 tuổi. Cuộc đời tôi đã thay đổi. Từ đó tôi đã trở thành một diễn giả chuyên nghiệp, kể những câu chuyện về “Operation Babylift” và những bài học về cuộc đời mà tôi học được qua đó. Và nay thì tôi giúp dùng những câu chuyện đó để đem lại thay đổi cho cuộc sống của những người khác.

Bà Thieman cho biết bà còn liên lạc với hàng trăm những em được đưa sang Mỹ làm con nuôi qua những buổi họp mặt được tổ chức kỷ niêm 10 năm, rồi kỷ niệm 20 năm, 25 năm và 30 năm. “Operation Babylift” đã là nguồn cảm hứng cho hai cuốn sách của bà Thieman. Cuốn “This Must Be My Brother” là câu chuyện thực về việc bà tham gia chiến dịch “Operation Babylift,” nói về việc nhận bé Mitchell về làm con nuôi, và đưa cháu về cùng 300 em bé khác trong cuộc phiêu lựu kéo dài với nhiều điều đáng ghi nhớ. Cuốn thứ hai có tựa là “Adrift in the Storms: A Twenty-Year Journey to Peace” nói về một em bé gái mà bà đã giúp đưa ra khỏi Việt Nam lúc đó. Cô bé đã gặp rất nhiều khó khăn lúc mới sang Mỹ, nhưng đến lúc 20 tuổi thì cô đã trở thành một phụ nữ được tái sinh, có hai đứa con và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống rất tốt đẹp hiện nay.

Bà LeAnn Thieman cũng là đồng tác giả của nhiều tập truyện ngắn mang các tựa khởi đầu bằng “Chicken soup...”. Bà cho biết Chicken Soup for the Soul khởi thủy là một cuốn và nay đã ra thành một loạt 130 cuốn. Theo truyền thuyết mà bà nghĩ là trong cộng đồng Do Thái, thì người ốm thường cần phải ăn cháo gà, và người ta cho rằng cháo gà chữa bá bệnh. Vì thế hai tác giả Jack Canfield and Mark Victor Hansen đã có ý viết ra một cuốn sách mang tựa là Chicken Soup for the Soul. Đó là một tuyển tập 100 câu chuyện có thực được chọn trong các chuyện do độc giả gửi đến giúp nâng cao tinh thần người đọc. Cuốn sách trở thành phổ biến đến độ đã biến thành một thể loại riêng với các đề tài khác nhau. Chẳng hạn như “Chicken Soup for Mothers’ Soul,” “Chicken Soup for Fathers’Soul.”

Riêng bà Thieman đã đồng trước tác một loạt “Chicken Soup for the Chicken Soup for the Christian Woman's Soul, Chicken Soup for the Caregiver's Soul, Chicken Soup for Father and Daughter Soul, Chicken Soup for the Grandma’s Soul , Chicken Soup for the Mother and Son Soul và Chicken Soup for the Christian Soul 2 tuyển chọn từ mấy ngàn câu chuyện do độc giả gửi vào.

Bà Thieman nói về dự án mới nhất mà đang thực hiện là Chicken Soup for the Adopted Soul. Bà cho biết bà đang thu thập những mẩu chuyện có thật về bất cứ ai biết được một người được nhận làm con nuôi, hay đã nhận con nuôi, không phải chỉ nói về việc được nhận làm con nuôi, mà cả về những điều lý thú đã xảy ra trong đời. Tất cả những ai muốn đóng góp những mẩu chuyện này có thể truy cập mạng Internet ở địa chỉ www.chickensoup.com và sẽ có hướng dẫn để quý vị đó gửi bài.

Bà LeAnn Thieman nói bà chưa có dịp trở lại thăm Việt Nam, nhưng bà có ý định thực hiện một chuyến đi làm công tác y tế trong tư cách một y tá.

Cuối cùng bà Thieman ngỏ ý cảm ơn nhân dân Việt Nam. Bà nói trong thời gian xảy ra cơn hỗn loạn trong chiến tranh với nhiều đau khổ, thì 3000 trẻ mồ côi đã được cứu vớt, đất nước Việt Nam đã đóng một phần trong sứ mạng này. Nay nhìn lại đám trẻ đã được nuôi lớn ở nước Mỹ này, thành những người khỏe mạnh, hạnh phúc, thành công, và đóng góp trở lại cho xã hôi, bà cho rằng đó là một ân sủng đối với Hoa Kỳ.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn bà LeAnn Thieman, người đã tình nguyện tham gia Operation Babylift đưa 300 trẻ em mồ côi ra khỏi Việt Nam trước khi chế độ Saigon sụp đổ năm 1975.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG