Đường dẫn truy cập

Hội Văn bút Quốc Tế kêu gọi Việt Nam thả nhà báo Trần Khải Thanh Thủy


Ủy ban nhà văn bị cầm tù của Hội Văn bút Quốc tế đang tiến hành một cuộc vận động để yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho nhà báo Trần Khải Thanh Thủy, người bị bắt hôm 21 tháng tư vì những bài viết có nội dung phê phán chính phủ.

Theo thông cáo đề ngày 30 tháng tư của tổ chức có trụ sở London này, bà Trần Khải Thanh Thủy phải vướng vòng lao lý chỉ vì bà đã hành xử quyền tự do diễn đạt một cách hòa bình. Văn bút Quốc tế kêu gọi giới hữu trách Hà Nội trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho nhà báo này dựa theo Điều 19 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết.

Thông cáo của Văn bút Quốc tế cho biết bà Trần Khải Thanh Thủy mắc bệnh tiểu đường và bệnh lao, và từng được chữa trị ở bệnh viện. Tổ chức này tỏ ý lo ngại là bà không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết trong lúc bị giam giữ.

Thông cáo của Văn bút Quốc tế được công bố khoảng một tuần sau khi Uûy ban Bảo vệ Ký giả lên tiếng yêu cầu giới hữu trách Việt Nam trả tự do cho bà Trần Khải Thanh Thủy, người được tổ chức nhân quyền Human Rights Watch trao tặng giải thưởng Helman-Hammett hồi tháng hai vừa qua. Đây là giải thưởng hàng năm dành cho những người cầm bút đã chứng tỏ lòng dũng cảm trước nạn bách hại chính trị.

Theo thông cáo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả, bà Trần Khải Thanh Thủy bị giới hữu trách Hà Nội cáo buộc là đã vi phạm điều 88 của bộ luật hình sự, cấm chỉ việc phổ biến những thông tin phương hại đến quyền lợi của nhà nước. Bà có thể phải lãnh án 12 năm tù nếu bị xét là có tội.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, đã trình bày với ban Việt Ngữ đài VOA một số ý kiến như sau về trường hợp của nhà báo Trần Khải Thanh Thủy:

Cô Trần Khải Thanh Thủy là một nhà văn – được thừa nhận như là một nhà văn của Hội nhà văn Hà Nội. Cô ấy là một nhà văn nhà báo viết rất khỏe. Cô vốn xuất thân từ một cử nhân sinh vật học. Sau khi tốt nghiệp, cô đi dạy học hơn một chục năm ở miền núi. Sau đó cô ấy về làm báo ở báo Cựu chiến binh và nhữgn báo khác. Do những bức xúc xã hội, cô ấy có viết một số bài phê phán xã hội với một giọng văn hơi chát chúa, và mỗi ngày độ phê phán càng căng. Giọng văn của cô mỗi ngày một căng là có hai lý do. Thứ nhất là cô ấy nhìn xã hội theo con mắt riêng của nhà văn. Thứ hai là do cá tính mạnh mẽ. Nhưng còn có lý do thứ ba là do cách cư xử đối với cô cũng không được đúng lắm. Thỉnh thoảng họ lại bắt bớ, tra vấn, và tổ chức đấu tố làm nhục mạ cô ấy. Ba lý do này dẫn tới việc cô phản kháng ngày một dữ dội hơn. Tôi là người mà cô thỉnh thoảng có hỏi ý kiến. Tôi nhiều lần góp ý rằng dù sao sống ở chế độ nào xã hội cũng phải biết gượng rẽ. Nhất là ở cái xã hội như thế này thì mình phải biết giữ thân, đừng làm mạnh quá để rồi bị họ đối xử tàn bạo. Nhưng do ba lý do trên cô ấy đã không giữ được như vậy. Tôi lấy làm tiếc cho cô ấy. Bây giờ cô ấy đã bị bắt rồi thì tôi có ý kiến như thế này: dù sao cô ấy cũng là một người phụ nữ, và từng có công đóng góp cho xã hội này thông qua chức năng nhà giáo và từng đóng góp những bài báo có đăng trên báo Đảng; bây giờ cô ấy là phụ nữ mà lại mắc bệnh lao sắp sang thời kỳ thứ hai rồi, cho nên tôi nghĩ rằng cách đối xử với cô ấy phải thế nào cho thỏa đáng, không nên hành hạ tù đày một người phụ nữ như vậy.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG