Đường dẫn truy cập

Bà Amy Sherman, người viết blog ẩm thực nổi tiếng, nói gì về món ăn Việt Nam?


Người Việt chúng ta thường nói “ăn Tết,” ý hẳn việc ăn uống là chính trong các nghi thức chào mừng năm mới. Câu chuyện Phụ nữ tối 30 Tết này cũng xin dành để nói về chuyện ăn uống, mà người nói chuyện là một phụ nữ Mỹ. Bà Amy Sherman đã đề cập đến nhiều món ăn Việt Nam trong tập nhật ký của bà về ẩm thực trên mạng Internet, và cũng vừa thực hiện chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên.

Bà Amy Sherman cho biết bà sinh trưởng ở vùng duyên hải phía tây Hoa Kỳ nằm bên bờ Thái Bình Dương nên còn được người Mỹ thường được gọi là Bay Area hay vùng Vịnh. Bà từng làm công việc tiếp thị và có chung văn phòng với một người bạn và suốt ngày hai người chỉ bàn đến chuyện làm món gì cho bữa tối. Cách đây hơn 3 năm, khi bà nghỉ việc, chồng bà đề nghị bà viết nhật ký về những món ăn để diễn đạt tất cả những ý kiến về ẩm thực. Bà đã đưa tập nhật ký đó lên mạng Internet và sau 3 tháng, thì đã có 4 tạp chí chọn đó là 1 trong 5 cái food blogs hàng đầu. Từ đó, bà đã thu thập được nhiều kinh nghiệm khác nhau để viết về ẩm thực. Trong cái food blog này, có rất nhiều nhận xét và một số công thức làm các món ăn phổ biến của Việt Nam.

MP: Bà bắt đầu chú ý đến thức ăn của Việt Nam khi nào?

"Tôi bắt đầu chú ý đến món ăn Việt Nam ngay khi tôi thử ăn có lẽ vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Hồi đi học, tôi có một người bạn Việt Nam, nhưng tôi không biết gì về thức ăn Việt và cũng không nhớ là có tiệm ăn nào trong khu vực mà chúng tôi lớn lên. Nhưng khi tôi dọn đến San Francisco thì có nhiều tiệm ăn Việt Nam, và ngay ở góc phố chúng tôi ở cũng có một tiệm, mà đó là nơi chúng tôi thường đến ăn tối. Thế là tôi làm quen với món ăn Việt Nam ở đó. Ngoài ra, cách chỗ chúng tôi ở không xa, có một khu được gọi là Little Saigon có rất đông người Việt Nam, các hiệu ăn và cơ sở kinh doanh của người Việt. Vậy là tôi có rất nhiều cơ hội tìm hiểu về cách nấu nướng cũng như các gia vị dùng trong món ăn Việt Nam"

MP: Bà có nhận xét thế nào về món ăn Việt, so với các món ăn Á Đông phổ thông hơn như Tầu và Thái?

Tôi nghĩ rằng xét về phương diện đã góp mặt trên thị trường, thì thức ăn Tầu và Thái đến với khách hàng sớm hơn, nhưng theo tôi, cũng như thức ăn Thái đang ngày càng được nhiều người ưa thích hơn thì thức ăn Việt Nam nay đang trở thành phổ biến. Theo ý tôi, một số món ăn đặc biệt của Việt Nam đã trở thành quen thuộc và được mọi người thưởng lãm... Các món này không khác lạ gì mấy, đó là những món rất dễ ăn mà ai cũng thích. Lấy thí dụ như món phở, một bát phở ngon ai mà không thích?"

MP: Chắc hẳn bà cũng nhận thấy những gia vị trong nhiều món ăn Việt Nam, như giềng, nghệ, gừng v..v.., rất có lợi cho sức khỏe. Theo bà thì từ đó, có thể rút ra một kinh nghiệm cho thực phẩm Tây phương hay không ạ?

“Tôi nghĩ là có đấy. Tôi còn nhớ lần đầu đi ăn tiệm Việt Nam ở San Francisco, tôi đã gọi một món canh với rất nhiều thứ rau thơm. Người chủ nhà hàng đã đến giải thích cho tôi là các thứ rau thơm là đi với món canh, nhưng cũng rất tốt cho sức khỏe. Ông ấy đã chỉ vào một thứ rau và nói là nó giúp cho dạ dầy, rồi lại chỉ vào một thứ rau khác và nói là bổ máu. Tôi cho là nếu coi thực phẩm không những chỉ để ăn cho no và ngon miệng, mà còn giữ cho mình được khỏe mạnh là một điều rất quan trọng. Tôi thấy là nếu nhìn vào các chất liệu thực phẩm và cung cách chế biến các món ăn Việt Nam thì ta thấy là rất lành mạnh. Một điều nổi bật về bếp núc Việt Nam, so với bếp núc Thái hay Tầu chẳng hạn, là quy cách chế biến rất lành mạnh, ít món chiên xào. Thường là hấp hay nướng, hoặc được nấu chín, ít dùng đến dầu mỡ nhiều. Tôi nghĩ đó là điều người Mỹ chúng tôi có thể chiêm nghiệm và tìm ra một cách nấu nướng và ăn uống lành mạnh hơn.”

MP: Bà vừa nhắc đến phở, vậy đó có phải là món ăn Việt Nam mà bà thích nhất hay không?

"Sau khi đi Việt Nam về, thì tôi phải nói là tôi muốn thử ăn thêm nhiều món khác ở bên Mỹ này. Đương nhiên phở là một trong những món mà tôi thích nhất, nhưng tôi cũng rất thích bánh xèo. Tôi đã thử ăn bánh xèo ở tiệm ngay đầu đường nhà tôi, và khi đi Việt Nam thì tôi thử ăn món này từ nam ra bắc và tôi vô cùng ngạc nhiên thấy mỗi nơi món này lại làm khác đi, từ hình thức đến vật liệu làm bánh. Nhưng đó là món mà ngày nào tôi cũng có thể ăn được".

MP: Bà có ghi lại một số công thức chế biến các món ăn Việt Nam. Xin mạn phép hỏi bà đã lấy những công thức đó như thế nào?

Tôi có theo học một lớp nấu ăn ở Hội An. Và tôi có hai cuốn sách dậy nấu ăn rất hay, một cuốn là của một phụ nữ sinh tại Việt Nam và đến Mỹ định cư từ lúc còn nhỏ, một cuốn là của một phụ nữ sinh tại Hoa Kỳ ngay sau khi cha mẹ đến định cư ở đây. Tôi học được rất nhiều từ hai cuốn sách này vì chúng kết hợp cả các vật liệu lẫn cách chế biến kiểu Việt Nam, với tinh thần Mỹ, và còn hướng dẫn cách mua các vật liệu đó tại Hoa Kỳ."

Hai cuốn sách mà bà Amy Sherman nhắc đến là cuốn The Little Saigon Cookbook của Ann Le, và cuốn Into the Vietnamese Kitchen, Treasured Foodways, Modern Flavors của Andrea Nguyen, người mà Minh Phượng đã giới thiệu trong Câu Chuyện Phụ Nữ cách đây không lâu.

Xin trở lại với bà Sherman. Thưa bà, bà vừa đi Việt Nam trở về. Đây có phải là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của bà?

“Vâng. Đây là chuyến đi Việt Nam đầu tiên của tôi. Sau khi đi Thái Lan, thì tôi muốn đi một số nước khác trong vùng, và Việt Nam nằm trên đầu danh sách ưu tiên của tôi. Như tôi đã nói, tôi có một người bạn Việt Nam hồi còn đi học và thường được nghe kể về những kỷ niệm của cô ấy ở Saigon. Một lý do nữa là tôi mê thức ăn Việt Nam quá đi nên muốn thử ăn những món mà tôi thích ở ngay tại nơi xuất xứ."

MP: Điều gì gây ấn tượng nhiều nhất cho bà trong chuyến đi này?

Có rất nhiều điều làm tôi ngạc nhiên tại Việt Nam. Đó là một đất nước vô cùng xinh đẹp. Người dân thực là siêng năng cần cù. Rất khác với các nước láng giềng như Kampuchea và Thái Lan, rất độc đáo và đặc biệt.”

Bà Amy Sherman cho biết đã ở lại Việt Nam cả tháng và đi suốt từ nam chí bắc. Khởi đầu từ thành phố Hồ Chí Minh, bà đã đi một vòng vùng châu thổ sông Mekong, xem chợ nổi ở Cần Thơ. Sau đó bà đi ngược lên miền bắc đến Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội, Sa Pa rồi kết thúc chuyến đi ở đảo Phú Quốc.

MP: Có thể nói là bà đã đi nhiều nơi hơn cả tôi. Vậy điều gì bà cho là hấp dẫn nhất trong những nơi bà đã đến?

“Tôi nghĩ là mỗi khi mình đi thăm một nước khác thì mình để ý nhận xét mọi thứ, chứ không phải như ở nhà, mọi việc đều thành như tự động, mình không chú ý gì đến mọi sự việc chung quanh. Ở Việt Nam, tôi chú mục quan sát mọi chuyện. Tôi nhận thấy có nhiều thói quen lưu truyền từ đời này qua đời khác rất có lý và đã không thay đổi ở Việt Nam. Chẳng hạn như cái nón lá của phụ nữ Việt. Tôi để ý thấy khi trời thật nắng, cái nón tôi mang theo từ nhà làm cái đầu tôi rất nóng bức. Tôi bèn bỏ ra chưa đầy 1 đôla mua một cái nón lá để đổi thì thấy thật là dễ chịu mát mẻ. Nó che nắng cho cái mặt của tôi, và đầu tôi không bị nóng nữa. Tôi chạnh nghĩ đây là một món đồ vật cổ truyền mà không cần phải cải tiến gì cả vì nó rất có hiệu năng. Những sự việc nho nhỏ như thế làm tôi phát hiện ra rằng có những điều rất tầm thường lại khiến mình phải kinh ngạc.”

MP: Trở lại chuyện ăn uống. Bà đã thưởng thức món ăn Việt Nam ở cả Mỹ lẫn Việt Nam, vậy bà có nhận xét thấy có gì khác biệt trong cách thức chế biến hay gia vị hay không?

“Có chứ. Điểm đầu tiên chắc chắn là các nguyên vật liệu. Ở Mỹ ta không thể có được chính xác những phụ gia như ở Việt Nam. Chẳng hạn như khi tôi ở đảo Phú Quốc, tôi đã đi thăm nhiều xưởng làm nước mắm. Phẩm chất nước mắm ở đây thật là tuyệt với, được làm bằng cá cơm. Rất tinh khiết và tươi ngon, làm tăng thêm vị cho các bữa ăn. Ở Mỹ này, thì rất khó nếu không nói là không thể nào kiếm được nước mắm do Việt Nam sản xuất. Ta có thể kiếm được nước mắm của Thái Lan hay Philippin, chế biến cũng tương tự nhưng mùi vị lại khác hẳn.”

Bà Amy Sherman cũng đề cập đến sự pha trộn cách chế biến trong các món ăn Việt Nam, chẳng hạn như các món lai Tầu, lai Pháp mà bà cho là người Việt đã cải tiến làm cho ngon hơn. Bà nêu dẫn chứng là bánh mì baguette của Việt Nam ngon hơn bánh mì baguette của Pháp.

MP: Bà đến thăm Việt Nam vào dịp giáp Tết, bà có nhận thấy dân chúng chuẩn bị đón Tết ra sao không?

“Dạ có. Một vài điều khác lạ, chẳng hạn như việc trang hoàng khắp thành phố, nhất là tại các cơ sở kinh doanh, làm tôi nhớ lại hình ảnh Hong Kong vào dịp Tết Trung Hoa. Tôi cũng để ý có lần đi thăm mấy ngôi chùa thấy các chú tiểu vặt các lá cây. Hướng dẫn viên du lịch giải thích rằng họ làm như thế để cây có thể đâm chồi và ra hoa vào dịp Tết.”

MP: Cuộc phỏng vấn này được phát thanh ngay trước dịp Tết, vậy bà có điều gì đặc biệt muốn nói với thính giả.

Amy Sherman: Chuc mung nam moi

Trước thềm năm Đinh Hợi, Minh Phượng cũng xin chúc quý thính giả một cái Tết vui tươi và mọi sự tốt lành trong năm mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG