Đường dẫn truy cập

Nhận định của cựu thủ tướng Singapore về nền kinh tế VN


Ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore đang thăm Việt Nam. Nhiều người ở Việt Nam rất ngưỡng mộ ông Lý Quang Diệu vì ông đã có công đưa Singapore trở thành một nước hiện đại, phát triển và họ coi đất nước nhỏ bé này như một mô hình kiểu mẫu, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ngay khi tới Hà Nội vào tuần này, ông Lý Quang Diệu đã có cuộc gặp với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Ông Lý Quang Diệu tỏ ra rất thẳng thắn. Vị cựu thủ tướng Singapore đã nhớ lại những chuyến thăm đầu tiên của ông tới Việt Nam

Ông Lý Quang Diệu nói rằng ông đã thực hiện nhiều chuyến thăm trong khoảng thời gian từ năm 1992 cho tới năm 1997. Ông nói sau đó không có nhiều sự chuyển đổi, bởi thời điểm đó Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để trở thành một nền kinh tế thị trường, vì vậy ông nghĩ rằng Việt Nam không có thay đổi nào cả, và ông đã không tới Việt Nam nữa.

Ông Lý Quang Diệu là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên thúc giục Việt Nam mở cửa nền kinh tế. Ông đã nhân chuyến thăm Việt Nam vào năm 1995 để khai trương một Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore gần Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu công nghiệp này đã trở thành một trong những thành công đầu tiên trên con đường chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản của Việt Nam

Ngày hôm nay, nhiều người Việt Nam hoan nghênh những lời tư vấn của ông Lý Quang Diệu về cách thức đấu tranh với một vấn nạn hiện hành tại Việt Nam, đó chính là tham nhũng. Singapore đứng thứ 5 trong danh sách những nước ít tham nhũng nhất thế giới của tổ chức Minh bạch Quốc tế, và là nước duy nhất ở Châu Á nằm trong số 10 quốc gia dẫn đầu danh sách.

Trái lại Việt Nam đã bị nạn tham nhũng hoành hành trong năm qua.

Vào tháng 11, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ Việt Nam đã cử 10 nhân viên tới Singapore để học hỏi cách theo dõi việc sở hữu tài sản của công chức, để ngăn chặn nạn nhận hối lộ và tham ô. Chính phủ cũng dự định sẽ sớm ban hành một nghị định về minh bạch có liên quan tới thu nhập và tài sản.

Ông Trịnh Duy Luân, giám đốc Viện Xã hội học cho rằng khuôn mẫu của Singapore là một mô hình tốt để Việt Nam học tập.

Trong khi ông Lý Quang Diệu nổi tiếng về việc giúp xây Singapore từ một thành phố cảng thương mại nghèo nàn trở thành một thành phố thịnh vượng và hiện đại, ông đã bị chỉ trích tại Singapore cũng như tại nước ngoài vì không dung thứ cho những người bất đồng chính kiến hay những nhóm chính trị đối lập.

Ông Lý Quang Diệu đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ những nhà lãnh đạo trẻ của Việt Nam, trong đó có cả Thủ tướng 57 tuổi, ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Lý Quang Diệu nói rằng với một đội ngũ lãnh đạo mới, với những người trẻ hơn đang đảm nhận những chức vụ như chủ tịch thành phố, bộ trưởng và hiện giờ là thủ tướng và chủ tịch nước, ông nghĩ Việt Nam đang tiến nhanh về phía trước. Bù đắp lại cho những thời gian mất mát đã qua.

Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã tăng vọt, với mức tăng trưởng trong năm 2006 ước đạt 8%. Việt Nam, hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, đã trở thành một cường quốc thương mại trong khu vực. Và kết quả của những điều này là ngày càng có nhiều người gia nhập vào tầng lớp trung lưu tại một đất nước một thời bị cô lập và nghèo nàn này.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG