Tổng thống Sudan, Omar Hassan al-Bashir binh vực thành tích nhân quyền của nước ông, một ngày sau khi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào công khai kêu gọi ông gia tốc nỗ lực giải quyết cuộc xung đột khốc liệt trong khu vực Darfur của Sudan. Sudan, một nước chính cung cấp dầu hỏa cho Trung Quốc, là một trong số 48 nước Châu Phi được mời đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để Trung Quốc hy vọng mua thêm tài nguyên nhập khẩu từ Châu Phi.
Quyết định của Trung Quốc mời tổng thống Sudan, Omar Hassan al-Bashir đến dự cuộc hội nghị thượng đỉnh Châu Phi đã bị những người bảo vệ nhân quyền Quốc tế chỉ trích. Họ lo ngại rằng Bắc Kinh bỏ qua thành tích nhân quyền yếu kém của một số chính phủ Châu Phi để có thể dành được các tài nguyên và thị trường mới tại Châu Phi.
Việc Bắc Kinh mời nhà lãnh đạo Zimbabwe, ông Robert Mugabe cũng bị chỉ trích tương tự, vì chính phủ của ông Mugabe bị tố cáo vi phạm nhân quyền rộng lớn.
Chính phủ Sudan bị tố cáo hỗ trợ các dân quân từng giết hại hàng chục ngàn người, phá hủy làng mạc, và hãm hiếp hàng loạt các phụ nữ tại Darfur, ở nam bộ Sudan.
Tổng thống Bashir đã gặp các phóng viên tại Bắc Kinh hôm nay, bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh, và bác bỏ những lời tố cáo này.
Ông Bashir binh vực cách hành xử của chính phủ ông đối với cuộc khủng hoảng Darfur kéo dài đã 3 năm qua, và ông tìm cách làm giảm nhẹ những hành động tàn bạo diễn ra ở đó. Ông nói rằng chỉ có 10,000 người bị thiệt mạng trong cuộc xung đột, trái với con số mà cộng đồng Quốc tế đưa ra là 200,000 người.
Ông Bashir cũng tái xác nhận việc chính phủ ông không cho phép lực lượng LHQ duy trì hoà bình đến Darfur.
Chúng tôi không cho phép lực lượng LHQ duy trì hòa bình vào Sudan, bởi vì kết quả của việc từ chối này tốt hơn là chấp thuận việc bố trí lực lượng này.
Ông Bashir nói rằng lực lượng LHQ duy trì hòa bình sẽ gây nên một tình hình tương tự như tình trạng bất ổn hiện nay tại Iraq, và để cho lực lượng này vào Sudan còn tệ hơn là không cho họ vào.
Ông Bashir nói rằng ông cảm tạ sự ủng hộ của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, là cơ quan đã cho phép 20,000 binh sĩ LHQ đến Sudan để thay thế cho 7,000 binh sĩ thuộc Liên minh Châu Phi hiện đang bố trí tại đó. Trung Quốc nói rằng họ sẽ ủng hộ sự có mặt của binh sĩ LHQ chỉ khi nào Sudan đồng ý về điều này.
Tuy nhiên, đồng thời Bắc Kinh rất muốn tránh sự chỉ trích của Quốc tế về việc Trung Quốc ủng hộ ông Bashir.
Đài truyền hình Trung Quốc trích dẫn lời chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra những phát biểu mạnh mẽ khác thường về tình hình tại Darfur, và hối thúc tổng thống Sudan tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột này.
Bản tin trên đài truyền hình trích dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào nói với ông Bashir rằng vấn đề Darfur đã đến một giai đoạn nguy kịch, và nói rằng Trung Quốc hy vọng chính phủ Sudan sẽ tiếp tục đối thoại với mọi phe liên hệ, điều chỉnh lập trường của mình, và cải thiện tình trạng nhân đạo trong khu vực.
Trung Quốc theo thông lệ vẫn tuân thủ một chính sách không can thiệp vào nội bộ các nước khác, một lập trường mà Human Rights Watch, một tổ chức bảo vệ nhân quyền đặt trụ sở tại Hoa Kỳ, cho là đồng nghĩa với việc giữ im lặng trong khi những vụ giết người hàng loạt tiếp tục diễn ra.