Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên thi hành lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên


Nam Triều Tiên đã áp dụng những biện pháp đầu tiên để thi hành lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc vì nước này mới đây đã thực hiện một vụ thí nghiệm võ khí hạt nhân, trong đó có việc cấm các giới chức quan trọng của Bắc Triều Tiên không được nhập cảnh Nam Triều Tiên.

Hôm qua, khi loan báo về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên, Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên, ông Lee Jong-seok, đã nói rằng, lệnh cấm các giới chức Bắc Triều Tiên du hành tới Nam Triều Tiên có liên quan tới các chương trình hạt nhân của miền Bắc.

Ông Lee nói rằng, Nam Triều Tiên cũng sẽ gia tăng việc kiểm soát các tầu bè của Bắc Triều Tiên bị tình nghi là chuyên chở võ khí và các vật liệu bị cấm khác.

Chỉ một ngày trước đó, chính phủ Bình Nhưỡng đã đe dọa là sẽ trả đũa nếu chính phủ Hán Thành thi hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi trừng phạt Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm võ khí hạt nhân của nước này hôm mùng 9 tháng 10 vừa qua.

Các nhà phân tích chính trị nói rằng, chính phủ Hán Thành đã rất thận trọng trong việc đáp ứng trước cuộc thí nghiệm võ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên bởi vì chính sách đã có từ lâu của Nam Triều Tiên là hợp tác với miền Bắc. Các nhà phân tích này nói rằng chính phủ Hán Thành lo ngại là việc áp dụng các biện pháp trừng phạt có thể sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẵng tăng cao thêm trên bán đảo bị chia cắt này.

Tuy nhiên, ngày hôm qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice nói rằng, việc tham gia của Nam Triều Tiên là hết sức quan trọng đối với sự thành công trong việc thi hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc này.

Việc thi hành nghị quyết này đòi hỏi quyết tâm của Nam Triều Tiên đối với việc tôn trọng các điều khoản trong nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, và bất cứ hoạt động nào cũng phải hướng tới mục đích là bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết đó được thành công .

Nhưng các chuyên gia nói rằng, ảnh hưởng của các biện pháp chế tài của Nam Triều Tiên có thể là rất nhỏ. Các chuyến du hành tới Nam Triều Tiên của các giới chức Bắc Triều Tiên vốn đã hết sức hạn chế. Và Nam Triều Tiên nói rằng, hai dự án liên doanh do Nam Triều Tiên tài trợ - Khu Công Nghiệp Kaesong và Khu Du Lịch Núi Kim Cương cả hai đều nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên – sẽ vẫn tiếp tục hoạt động.

Theo ước tính thì từ năm 1998 tới nay, Bắc Triều Tiên đã kiếm được gần một tỷ đô la từ hai dự án này. Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác đã đưa ra lời chỉ trích về các dự án vừa kể, nói rằng, Bắc Triều Tiên có thể sử dụng số tiền này cho các chương trình chế tạo phi đạn và võ khí hạt nhân.

Ông Hiro Katsumata, một chuyên gia về vấn đề an ninh Đông Bắc Á làm việc tại Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược ở Singapore, nói rằng, lệnh cấm các giới chức Bắc Triều Tiên du hành tới Nam Triều Tiên của chính phủ Hán Thành là một bước quan trọng trong việc từ bỏ chính sách hợp tác với Bắc Triều Tiên. Nhưng, việc này có thể sẽ không thay đổi được tình hình bao nhiêu nếu các quốc gia quan trọng như Trung Quốc và Nga không muốn thực hiện phần của mình trong việc thi hành các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta cần phải hiểu rằng bất cứ biện pháp trừng phạt nào được áp dụng đối với một quốc gia cũng phải có tính cách đa phương thì mới có hiệu quả vì có thể có nhiều kẽ hở. Ví như Nhật Bản và Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt thì Bắc Triều Tiên cũng vẫn có thể tìm một cách khác để thực hiện các giao dịch của họ. Nga và Trung Quốc thì đã không thật sự áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên.

Trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản mạnh mẽ ủng hộ việc thi hành đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc thì Trung Quốc, Nga, và Nam Triều Tiên chưa cho biết rõ là họ sẽ thi hành lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc tới mức độ nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG