Tư lệnh quân đội Thái Lan đã lên tiếng trước quốc dân chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi ông cầm đầu một cuộc đảo chánh không đổ máu để lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra. Như thông tín viên Heda Bayron của đài VOA tường trình, tướng Sondhi Boonyaratglin nói rằng quân đội cần tạm thời nắm quyền để đoàn kết quốc gia sau nhiều tháng rối loạn chính trị.
Dân chúng Thái Lan thức dậy vào sáng hôm nay thứ tư và thấy các công sở và doanh nghiệp đóng cửa trong khi quân đội nắm quyền kiểm soát lần đầu tiên từ 15 năm nay.
Tướng Sondhi Boonyaratglin đã ra mắt công chúng trên đài truyền hình. Chung quanh ông là các tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh với nét mặt nghiêm nghị, và ảnh của quốc vương và hoàng hậu Thái Lan. Tướng Sondhi loan báo rằng bản hiến pháp năm 1997 đã bị hủy bỏ, và chính phủ bị giải tán.
Ông Sondhi nói rằng quân đội nắm quyền tối thứ ba để chấm dứt nhiều tháng rối loạn do thủ tướng Thaksin Shinawatra gây ra vì ôngThaksin tham nhũng và làm hỏng hệ thống chính trị.
Sau đó, trong một cuộc họp báo, tướng Sondhi nói rằng quân đội dự định chọn một lãnh đạo tạm thời trong vòng hai tuần lễ. Ông cho biết là Thái Lan cũng sẽ có một bản dự thảo hiến pháp và một chính phủ mới trong thời gian đó. Ông nói ông hy vọng cuộc bầu cử tới sẽ diễn ra vào trước tháng 10 năm 2007. Ông nói rằng quân đội không có ý định nắm giữ quyền hành, và ông kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh. Thủ tướng Thaksin có mặt tại New York khi xảy ra vụ đảo chánh. Hiện người ta không biết liệu ông Thaksin có trở về Thái Lan hay không.
Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chánh hay âm mưu đảo chánh kể từ khi trở thành một chính thể quân chủ lập hiến vào năm 1932. Quân đội chiếm quyền lần cuối vào năm 1991, khi tướng Suchinda Kraprayoon lật đổ một chính phủ dân sự được dân chúng bầu lên.
Một năm sau đó ông Suchinda bị loại ra khỏi chính quyền sau những cuộc biểu tình trên đường phố . Kể từ đó dân chủ đã phát triển tại Thái Lan, và ảnh hưởng của quân đội đối với chính trị đã giảm đi nhiều.
Cho đến hôm thứ ba, trong một hành động bất ngờ, quân đội do tướng Sondhi Boonyaratglin đã cướp quyền của thủ tướng Thaksin Shinwatra, người đã gặp khó khăn từ ít lâu nay.
Ông William Case, giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Đông Nam Á tại viện đại học thành phố Hongkong, nói rằng các chính sách của ông Thaksin đã gây bất mãn cho nhiều nhóm tại Thái Lan, mở đường cho quân đội can thiệp.
Chúng tôi biết rằng ông ấy có vấn đề với quốc vương Thái Lan. Chúng tôi cũng biết rằng đa số giới trung lưu, nhất là ở Bangkok, đã rất bất mãn vì mất quyền dân sự và vì báo chí bị đàn áp . Và sau hết ông Thaksin đã gạt quân đội sang một bên vì ông ấy có thói quen can thiệp vào tiến trình thăng chức trong nội bộ quân đội, và tìm cách đặt những người trung thành với ông ấy, và ngay cả họ hàng ông ấy,vào những chức vụ quan trọng.
Tuy nhiên, ngay cả trong số những người chống đối ông Thaksin, phần đông ở Bangkok, nhiều người vẫn cảm thấy lo ngại về vụ đảo chánh này. Dân chúng tỏ ra bình tĩnh nhưng cảm nghĩ chung của các chính trị gia, các nhà phân tích và thường dân là ông Thaksin ra đi là một điều tốt, nhưng đảo chánh không phải là điều tốt.
Thái Lan đã biến chuyển nhiều kể từ khi có chính phủ quân nhân cuối cùng, và nhà phân tích William Case nói rằng quân đội có thể không có khả năng điều hành một nền kinh tế hiện đại dù cho họ muốn làm như vậy đi nữa.
Nền kinh tế Thái Lan rất phức tạp và hiện đại, và liên hệ mật thiết với nền kinh tế toàn cầu. Vì thế nó vượt quá khả năng điều khiển của quân đội.
Hôm nay tướng Sondhi nói rằng Thái Lan sẽ trở thành một nước dân chủ, với quốc vương Bhumipol Adulyadej làm quốc trưởng. Ông Sondhi rất thân thiết với quốc vương, và một số nhà phân tích chính trị trong nước coi cuộc đảo chánh này như đã được sự chấp thuận của quốc vương.