5 năm trước đây, Hoa Kỳ đã bị những vụ tấn công khủng bố gây thiệt hại nặng nhất trong lịch sử quốc gia. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy rằng al-Qaida, một tổ chức Hồi giáo cực đoan do Osama Bin Laden cầm đầu, là thủ phạm của các vụ tấn công đã gây ra cái chết cho gần 3000 người. Trong bài tường trình sau đây từ Washington, TTV Andre De Nesnera xét đến sự kiện al-Qaida đã thay đổi như thế nào kể từ khi màng lưới này mở các cuộc tấn công vào New York và Washington.
Những vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã khiến tổng thống Bush mở cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, một cuộc chiến đến 5 năm sau vẫn còn kéo dài.
Mục tiêu đầu tiên nhắm tới là Afghanistan, là nơi mà chính phủ Taleban của nước này chứa chấp nhóm khủng bố al-Qaida và thủ lãnh Osama Bin Laden. Một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo đã lật đổ chính phủ Hồi giáo cực đoan Taleban, nhưng Osama bin Laden vẫn còn tại đào. Người ta tin rằng y vẫn lẩn trốn trong vùng núi hiểm trở giữa Afghanistan và Pakistan.
Chuyên gia về khủng bố của Viện American Enterprise, ông Danielle Pletka cho rằng al-Qaida ngày càng bị yếu đi kể từ khi chính quyền của tổng thống Bush mở cuộc chiến chống khủng bố.
Họ thường xuyên bị tấn công. Nguồn tài chính tiếp tế của họ đang cạn kiệt, Vũ khí cũng bị tiêu hao dần. Khi mà một thủ lãnh phải trốn tránh trong hang động thì khó mà có thể nói là ông ta vẫn ở trong một vị thế mạnh như khi ông ta đường bệ ngự trong một dinh thự.
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng cuộc chiến chống khủng bố đã thành công trong việc hạ thấp khả năng hoạt động của al-Qaida.
Một trong những chuyên gia này là ông Brian Jenkins, một giới chức ở tư cách hàng đầu về khủng bố làm việc trong tổ hợp RAND. Nhưng ông nói Hoa Kỳ và các nước đồng minh chưa thành công trong việc lay chuyển quyết tâm của al-Qaida tiếp tục "cuộc thánh chiến Jihad", chống tây phương.
Chúng ta chưa chặn đứng được mạng lưới tuyên truyền của họ. Chúng ta chưa ngăn được các thông điệp mà họ nhắn gửi cho nhau. Chúng ta chưa ngăn được hành động kết nạp người vào mạng lưới của họ cũng như chưa gnăn được họ hoạch định và chuẩn bị mở những vụ tấn công mới. Kể từ ngày 11 tháng 9 tới nay, có khoảng gần 30 thông cáo do chính Osama Bin Laden đưa ra, và một con số lớn hơn từ người phụ tá đứng hàng thứ nhì trong màng lưới al-Qaida là Al-Zawahiri. Sự kiện là họ vẫn có thể đưa các băng video hay thu thanh lên các đài truyền hình bất chấp những hiểm nguy về an ninh, cho thấy họ còn có khả năng làm nhiều chuyện khác nữa. Nếu như họ có khả năng đưa một cuốn băng vieo đến cho đài truyền hình al-Jazeera thì họ có thể bí mật chuyển tin đến cho một ai đó, và điều này gợi ý rằng chuyện này còn quá sớm, chưa thể nói là họ đã bị tiêu diệt.
Ông Jenkins cho hay kể từ ngày 11 tháng 9, al Qaida đã chuyển hóa thành một điều gì đó khác hơn sự kiện chỉ là một nhóm khủng bố Hồi giáo.
Al-Qaida đã thay hình đổi dạng từ một tổ chức khủng bố từ trước đến giờ thành một ý thức hệ, và theo tôi thì ngày nay đúng hơn chúng ta nên gọi nó là một hệ thống theo chủ nghĩa thánh chiến bắt nguồn từ ý thức hệ của al-Qaida. Giờ đây thì hệ thống này có thể bao gồm cả những thành phần cố cựu của tổ chức khủng bố al-Qaida là tiền thân của nó. Nó có thể qui tụ nguyên cả một băng đảng các chiến binh đã dày kinh nghiệm chiến trường cũng như kỹ năng ở Afghanistan và Iraq ngày nay. Nó cũng lại qui tụ những nhóm liên hệ ở Indonesia, Ai Cập, Algerie và Ả Rập Saudi. Và nó cũng lại có thể còn qui tụ cả những thực thể có thể không có liên hệ gì với al-Qaida hay bất cứ trung tâm đầu não nào cả, nhưng là một thành phần cực đoan tự phát đứng lên vì nghe theo tiếng gọi của al-Qaida, tự biến thành một thứ vũ khí cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Theo ông Jenkins thì giờ đây al-Qaida đã trở thành một ý thức hệ thì cho dù có tiêu diệt được cá nhân Osama Bin Laden nó cũng không có tác dụng mạnh trong toàn bộ hệ thống khủng bố như đáng lẽ đã có nếu chuyện này xảy ra khoảng 4 hay 5 năm về trước.
Sự kiện là ông ta đã có thể sống sót, rằng ông ta đã có thể hình thành câu chuyện này trong 5 năm qua, sự kiện là cái ý thức hệ này đã được lan truyền qua internet và những phương tiện truyền thông khác đi khắp thế giới, cho thấy là cho dù ông ta có giã từ mà đi ngay bây giờ thì tuy nó cũng có thể có đôi chút ảnh hưởng đấy, tôi muốn nói là ảnh hưởng tâm lý, nhưng nó cũng không nhất thiết đưa tới chuyện tan rã cái hệ thống đã được hình thành.
Xét tầm vóc của mối đe dọa khủng bố, chuyên gia Jenkins và những người khác tin rằng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn tiếp diễn trong một khoảng thời gian rất dài. Theo các chuyên gia thì muốn có một kết quả mỹ mãn, người ta cần phải kết hợp cả cảnh giác ở nội địa lẫn gia tăng sự hợp tác quốc tế.