Giới hữu trách Việt Nam tiếp tục áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt về pháp luật và kỹ thuật để khống chế sự tiếp cận đối với những bài vở và những người thách thức quyền cai trị độc đảng của họ.
Phái viên Grant McCool của hãng thông tấn Reuters ghi nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu và các nhà quan sát cho biết như thế trong bài tường thuật hôm thứ Năm.
Theo các nhà quan sát, sự khống chế này có xu hướng gia tăng tuy thứ tư vừa qua chính phủ Việt Nam đã thả ra khỏi nhà giam một nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng nổi tiếng là Bác sĩ Phạm Hồng Sơn. Chính quyền Cộng sản Việt Nam nói rằng họ theo dõi các web site và quán cà phê internet để ngăn chận những bài vở và hình ảnh dâm ô. Tuy nhiên, một bản phúc trình công bố hồi tháng 8 bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Tây phương có tên là OpenNet Initiative cho biết rằng họ có thể truy cập một cách dễ dàng những web sites dâm ô tiếng Việt.
Nhóm nghiên cứu qui tụ các trung tâm của 4 trường đại học nổi tiếng thế giới – Đại học Toronto, Đại học Harvard, Đại học Cambridge và Đại học Oxford, cho biết rằng giới hữu trách Hà Nội đã ngăn chận một bộ phận đáng kể, và trong một số trường hợp là đại đa số các web site chứa đựng những tài liệu tế nhị có thể phương hại đến hệ thống chính trị độc đảng của Việt Nam.
Có điều khá mỉa mai là khi ông Phạm Hồng Sơn được thả hôm thứ tư, những người ở Hà Nội có thể tải xuống để nghe cuộc phỏng vấn qua điện thoại mà nhà tranh đấu cho dân chủ này dành cho đài BBC của Anh.
Tưởng cũng nên nhắc lại, bác sĩ Phạm Hồng Sơn đã bị bắt hồi tháng 3 năm 2002 sau khi phiên dịch và phổ biến trên internet bài viết có nha đề “Dân chủ là gì?” mà ông đọc được trên web site của đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
Thoạt đầu ông bị tuyên án 13 năm tù về tội làm gián điệp, nhưng sau đó bản án được giảm xuống còn 5 năm tù ở trong phiên phúc thẩm. Ông đã được thả sớm vài tháng trước thời hạn nhưng hiện nay vẫn bị nhà cầm quyền quản chế trong 3 năm.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với các chính phủ Hoa Kỳ và Châu Âu thừa nhận rằng Việt Nam có thay đổi trong thời gian gần đây. Nhưng họ vẫn tiếp tục quan tâm về việc một số người còn bị giam cầm chỉ vì trình bày một cách ôn hòa những đề nghị nhằm thay đổi chế độ Cộng sản độc đảng.
Một nhà ngoại giao Tây phương ở Hà Nội cho biết chính phủ ông nói với phía Việt Nam rằng “chúng tôi cảm thấy hài lòng về việc ông Phạm Hồng Sơn được thả nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong lãnh vực này.”
Các tổ chức nhân quyền, như Hội ân xá quốc tế, cho biết rằng một nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng khác ở Việt Nam là nhà báo Nguyễn Vũ Bình vẫn đang phải thọ án tù 7 năm.
Họ cho biết thêm rằng mới đây, công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giam ông Trương Quốc Huy trong lúc người thanh niên 25 tuổi này đang truy cập internet tại một quán cà phê.
Trước đó, ông Trương Quốc Huy cùng với anh là Trương Quốc Tuấn và cô Lisa Phạm cũng đã bị giam cầm hơn 9 tháng chỉ vì tham gia những cuộc trò chuyện về dân chủ trên internet.