Đường dẫn truy cập

Cựu lãnh đạo Khmer Ðỏ Ta Mok qua đời


Một cựu lãnh đạo quân đội Khmer Đỏ được xem là một trong những tay sát nhân tàn bạo nhất đã qua đời sau nhiều tuần chữa trị tại một bệnh viện trong ở thủ đô Kampuchia.

Ta Mok theo dự trù sẽ ra trước tòa án xử tội phạm chiến tranh do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn về vai trò của ông trong cuộc diệt chủng xảy ra ở Kampuchia trong thập niên 1970. Cái chết của viên cựu thủ lãnh này là một đòn bất ngờ cho diễn trình pháp lý nhằm mưu tìm công lý cho gần 2 triệu nạn nhân của vụ diệt chủng.

Ta Mok qua đời hồi sáng sớm thứ sáu tại một bệnh viện ở Phnom Penh sau một tuần lễ có lúc tỉnh có lúc hôn mê. Ông bị giam giữ trong một quân lao từ năm 1999, nhưng đã được chuyển đến bệnh viện hồi trước đây trong tháng này vì bị các chứng bệnh tim, phổi và đường hô hấp. Tin cho biết là ông được 80 tuổi.

Ta Mok đôi khi còn được gọi bằng biệt danh là Đồ Tể vì việc giết người bừa bãi không gớm tay của ông. Ta Mok lẽ ra sẽ là một bị can quan trọng trong các phiên tòa xử các cựu giới chức cao cấp Khmer Đỏ đã được dự trù.

Ông là người lãnh đạo cuối cùng của phong trào MaoTrạch Đông cực đoan trước khi phong trào này tan rã vào năm 1998, và là một trong 2 giới chức Khmer Đỏ duy nhất bị giam giữ chờ ngày ra tòa vì can các tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Các công tố viên Liên Hiệp Quốc và Kampuchia đã khởi sự thu thập bằng chứng để xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ trong các phiên tòa sẽ khởi sự vào năm tới. Tuy nhiên các nhóm cổ võ cho nhân quyền nhận định rằng cái chết của Ta Mok là một cú bất ngờ cho tiến trình này.

Theo bà Kek Galabru, chủ tịch nhóm nhân quyền Licadho của Kampuchia, thì Ta Mok nắm giữ các thông tin chi tiết có giá trị về Khmer Đỏ.

Khi ông ta bị bắt cách đây 7 năm, ông nói rằng ông sẽ cho biết rất nhiều thông tin liên quan đến thời kỳ đó. Vì vậy giờ đây chúng ta mất đi một nhân chứng, một nhân chứng rất quan trọng.

Khmer Đỏ đã tiến hành chiến dịch thanh trừng tầng lớp trí thức ở Kampuchia từ năm 1975 đến năm 1979, nhằm tạo một xã hội nông dân không có hệ thống ngân hàng, không có tôn giáo, cũng không có ảnh hưởng của nước ngoài ở Kampuchia.

Nhóm này thực hiện các kế hoạch của họ qua các vụ hành quyết tập thể và cưỡng bách lao động cho đến khi các lực lượng của Việt Nam lật đổ chế độ khát máu này. Gần 2 triệu người đã chết vì bị giết, hoặc bị đói khát, bệnh hoạn và bị ngược đãi trong thời kỳ Khmer Đỏ năm quyền ở Kampuchia.

Trước khi qua đời, Ta Mok phủ nhận đã giết bất kỳ một người nào và nói rằng ông chỉ thi hành các nhiệm vụ chung của quân đội.

Chính phủ Kampuchia và Liên Hiệp Quốc đã thương thảo trong nhiều năm, về việc thành lập một tòa án xử các giới chức Khmer Đỏ như thế nào. Và tòa án đã được chính thức thành lập vào năm nay.

Bà Galabru nhận định rằng các cuộc thương thảo kéo dài có nghĩa là nhiều nghi can cao tuổi như Ta Mok chẳng hạn đã chết trước khi ra trước công lý.

Pol Pot, lãnh đạo Khmer Đỏ, đã qua đời năm 1998. Các thành viên khác của chế độ này, trong đó có cựu chủ tịch Khieu Samphan và Bộ Trưởng Ngoại Giao Ieng Sary, vẫn sống tự do ở Kampuchia. Tuy nhiên sức khỏe của họ đã yếu.

Chỉ có Kaing Khek Iev, còn được gọi là Duch, hiện đang bị giam giữ. Ông là người phụ trách trung tâm thẩm vấn và trại tù, nơi có hàng ngàn người Kampuchia bị giết chết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG