Chuyến viếng thăm Việt Nam, Lào, và Kampuchia trong tuần qua của Đô đốc William Fallon, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, chẳng những là một công tác quan phương về chính sách quốc phòng và ngoại giao mà còn là một chuyến đi có nhiều ý nghĩa đặc biệt. Phái viên Al Pessin của đài VOA đã tháp tùng đô đốc Fallon trong chuyến đi này và gởi về bài tường thuật sau đây từ Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Honolulu:
Chiếc phản lực cơ của quân đội Hoa Kỳ đã chở chúng tôi bay qua Hải Phòng, rồi bay dọc theo sông Hồng để tới Hà Nội. Đô đốc Fallon vào ngồi trong phòng lái bên cạnh viên phi công để nhìn xuống dưới đất. Đây là đường bay mà ông rất quen thuộc. Lần chót ông bay trên vùng trời miền bắc Việt Nam là vào năm 1970, khi còn là một viên trung úy của hải quân Mỹ. Lúc đó ông đã dùng những thiết bị chụp ảnh và các dụng cụ điện tử khác để xác định những vị trí của địch quân cho máy bay Mỹ đến dội bom. Viên tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái bình dương kể lại như sau:
Phần lớn thời gian công tác của tôi lúc đó là bay qua những vùng trời ở Lào và Bắc Việt. Tôi có dịp nhìn thấy những vùng quê vô cùng xinh đẹp. Nhưng những “lời chào đón” mà tôi nhận được từ những người ở dưới đất không phải là những thứ có thể giúp cho tôi yêu thích họ. Tôi nghĩ là họ cũng chẳng ưa thích gì tôi và những điều mà chúng tôi làm.
Viên phi công trên chiếc máy bay của ông Fallon lúc đó thường nhấn hết ga để bay với tốc độ cao gấp đôi tốc độ âm thanh để né tránh những “lời chào mừng” bằng đại bác phòng không và tên lửa. Nhiều người bạn của ông trong các phi đội của hải quân Mỹ đã bỏ mình trong các chuyến bay đó.
Đó là quãng thời gian rất gay go và thường xảy ra những chuyện đau buồn. Tôi đã mất đi nhiều bạn đồng ngũ ở đây, và tôi không bao giờ quên được những sự hy sinh mà họ đã dâng hiến với chủ tâm vô cùng tốt đẹp. Tuy nhiên, giờ đây mọi việc đã khác và chúng ta cần phải gặt hái một số lợi ích từ việc giao tiếp với nhau. Chúng ta sẽ bắt đầu từ chỗ này.
Khi được hỏi là phải chăng giờ đây ông có thể làm bạn với những người từng là kẻ thù, đô đốc Fallon cho biết như sau:
Quả thật là tôi không biết gì nhiều về việc “làm bạn” như ông nói. Tôi đã gặp gỡ một số người tại những cuộc hội nghị và vào những dịp này dịp nọ, và chúng tôi đã chuyện trò bàn bạc với nhau với một thái độ điềm tĩnh. Tôi cố gắng không để cho xúc cảm cá nhân chen vào những cuộc thảo luận. Tôi nghĩ rằng đây là một công việc rất nghiêm túc và có khả năng mang lại những ảnh hưởng rất lớn đối với dân chúng của cả hai nước. Và vì thế, bây giờ chính là lúc mà mọi người nên ra sức thực hiện những cuộc giao tiếp với một cung cách có thể mang lại lợi ích cho cả đôi bên.
Đô đốc Fallon cho biết chuyến viếng thăm 3 nước Đông Dương là một chuyến đi rất lý thú. Oâng đã gặp một người từng chỉ huy một trung đoàn phòng không, chuyên bắn hạ những người lái máy bay như ông. Người đàn ông đó giờ đây là một hội viên của Hội Hữu Nghị Việt-Mỹ. Trong cuộc gặp gỡ đó, đôi bên đã cười nói vui vẻ và cảm thấy phấn khởi về những thay đổi đã diễn ra.
Đô đốc Fallon cũng đã đến thăm một nơi trong vùng rừng rậm ở Lào. Tại đây, một toán quân nhân dưới quyền chỉ huy của ông đang làm việc dưới sự trợ giúp của chính phủ Lào để tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Oâng cho biết cảm nghĩ về chuyến đi này như sau:
Tôi có vài người bạn cùng hạm đội đã bị bắn rơi trong vùng này. Khi tôi tới đây, đặt chân trên quãng rừng già này và đứng nhìn quanh cảnh những người đang tìm kiếm hài cốt của các chiến hữu của tôi, tôi rất xúc động và nhớ lại rất nhiều kỷ niệm.
Mặc dầu vậy, đô đốc Fallon cũng cho biết thêm rằng: trong chuyến công du của ông, ông đã ra sức chú tâm vào hiện tại và tương lai, thay vì nghĩ về quá khứ. Những người mà ông gặp gỡ ở Việt Nam và Kampuchia, đặc biệt là những người ở Kampuchia, dường như cũng có một thái độ như vậy. Tuy nhiên, khi tới Lào, ông nhận thấy rằng các giới chức của nước này lúc nào cũng muốn đề cập tới điều mà họ cho là những ảnh hưởng còn sót lại của cuộc chiến đối với đất nước của họ và không mấy tích cực trong việc hình thành một mối quan hệ mới.
Đô đốc Fallon cho biết ông sẽ tiếp tục cố gắng:
Dĩ nhiên là chúng tôi cũng có những hồi ức của mình. Và nếu như bên này cũng còn thù ghét bên kia thì tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm cách bỏ qua để tiến tới. Theo tôi thì vấn đề then chốt ở đây là những chuyện đó đã xảy ra cách nay 30, 40 năm rồi. Còn bây giờ chúng ta phải lo chuyện của bây giờ. Chúng tôi rất mong muốn hình thành những mối quan hệ mới và làm những việc có ích cho đất nước trong tương lai.
Đô đốc Fallon sẽ thực hiện thêm các chuyến viếng thăm những nước Á châu trong năm nay để tìm cách xây dựng những mối quan hệ quân sự, trong đó có chuyến công du Malaysia vào tháng 11 để cùng chủ tọa một hội nghị của các giới chức quân sự cao cấp trong vùng Châu Á. Ông mong rằng Việt Nam, Lào và Kampuchia sẽ phái đại diện đến tham dự. Theo nhận xét của Đô đốc Fallon, có phần chắc là một hoặc hai trong 3 nước này sẽ có đại biểu đến dự hội nghị, nhưng có lẽ phải mất nhiều năm nữa thì cả 3 nước Đông Dương mới cùng tham dự hội nghị quân sự hàng năm này, và sẽ cần có một quãng thời gian lâu hơn thế nữa để cho những ám ảnh của cuộc chiến tranh Việt Nam hoàn toàn được loại bỏ trong tâm trí của dân chúng ở tất cả các nước tham chiến.