Chương Trình Lương Thực Thế Giới nói phải bảo đảm cho trẻ em ngày từ lúc bắt đầu sự sống phải nhận được một chế độ dinh dưỡng thích hợp và có điều kiện tiếp cận với các chương trình hỗ trợ và phát triển giáo dục.
Trong phúc trình thường niên đầu tiên về nạn đói, cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc nói rằng giáo dục các bà mẹ về chế độ dinh dưỡng thích hợp có thể giúp cải thiện rất lớn tình trạng sức khỏe và khả năng học tập cho con cái của họ. Từ Geneva, thông tín viên Lisa Schlein của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ gởi về bài tường trình sau đây.
Bà Sheila Sisulu, Phó Giám Đốc Chương Trình Lương Thực Thế Giới, cho biết một nghiên cứu của cơ quan này về sự liên quan giữa tình trạng thiếu dinh dưỡng và khả năng học tập đã tìm ra rất nhiều bằng chứng cho thấy khả năng học tập của một đứa trẻ sinh ra từ một phôi thai lớn lên trong môi trường thiếu chất dinh dưỡng vi lượng đã bị kiếm khuyết ngay trong quá trình phát triển đó.
Bà Sisulu nói rằng điều này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn tai hại, đó là con cái của những bà mẹ thiếu dinh dưỡng có khả năng học tập kém sẽ tiếp tục truyền hậu quả tại hại đó cho thế hệ kế tiếp.
Vấn đề này có thể khắc phục được bằng cách giáo dục, và phải bảo đảm rằng các bà mẹ mang thai phải nhận được đủ chất dinh dưỡng, bởi vì trẻ em không bị thiếu dinh dưỡng từ trong phôi thai như vậy sẽ có khả năng học tập tốt hơn, và như vậy các em đó sẽ có nhiều khả năng tiến xa hơn trên con đường học hành. Như vậy cái vòng luẩn quẩn có thể khắc phục được.
Chương Trình Lương Thực Thế Giới nói rằng khoảng 1/3 trong tổng số 300 triệu trẻ bị nạn đói kém và thường xuyên không được cắp sách đến trường. Số trẻ em này là một vấn nạn thách thức nỗ lực phát triển của một đất nước.
Bà Sisulu nói rằng chính phủ của các nước phải hiểu rằng đầu tư cho chế độ dinh dưỡng và giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài.
Bà Sisulu dẫn chứng nhiều trường hợp đã đạt được thành công. Bà kể về một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Jamaica cho thấy các trẻ em bị thiếu dinh dưỡng đã đạt được số điểm cao hơn trong cuộc thi ăn nói lưu loát sau khi những em này được cho ăn sáng đầy đủ. Một trường hợp thành công khác là Chili đã giảm được tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 60% vào năm 1950 xuống còn 2% vào năm 2004 bằng cách áp dụng những chính sách thích hợp.
Bà Sisulu cho biết Mali cũng đạt được những tiến bộ đáng kể.
Tại đây người ta đã giảm được tỉ lệ suy dinh dưỡng từ 46% xuống còn 31% bằng cách phổ biến thông tin. Cách làm này nhằm cải thiện thói quen về dinh dưỡng, trong đó có việc nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung nguồn vitamin A bị thiếu v.v. Chương trình này được tuyên truyền đến từng nhà. Kết quả là tại các làng xã mà chương trình này được thực hiện, tỉ lệ suy dinh dưỡng thực sự có giảm xuống.
Chương Trình Lương Thực Thế Giới có một số chiến lược thực tiễn nhằm xóa đói và cải thiện khả năng học tập. Các chiếc lược này gồm có: chương trình nuôi con bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng; chương trình cung cấp các loại thuốc bổ sung các chất dinh dưỡng vi lượng; chương trình phát triển trẻ em ở tuổi ấu thơ; chương trình thực phẩm và dinh dưỡng trong trường học; và chương trình sức khỏe.
Chương Trình Lương Thực Thế Giới nói rằng kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy phụ nữ có học thường bảo đảm được chế độ dinh dưỡng thích hợp cho con cái của họ.
Chương Trình Lương Thực Thế Giới nói rằng đói kém và suy dinh dưỡng cướp đi sinh mạng của con người nhiều hơn cả bệnh AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét cộng lại. Tổ chức này ước tính mỗi ngày có khoảng 25 ngàn người chết vì các lý do liên quan đến đói kém, và số nạn nhân đói kém trên toàn thế giới hiện nay đang tăng lên khoảng từ 4 cho đến 5 triệu người mỗi năm.