Đường dẫn truy cập

Phỏng vấn nữ ký giả Phuong Ly


Trong câu chuyện Phụ nữ kỳ này, Minh Phượng phỏng vấn cô Lý Yến Phương, tức Phuong Ly, từng làm ký giả cho The Washington Post, một trong các nhật báo có nhiều uy tín nhất tại Hoa Kỳ, nhân dịp cô được mời đến đài VOA để nói chuyện trong ngày liên hoan các sắc dân khác nhau ở Hoa Kỳ.

Chương trình liên hoan các sắc dân sinh sống tại Hoa Kỳ là một chương trình thường niên của đài VOA, với các chương trình phát thanh bằng 44 ngôn ngữ truyền đi khắp thế giới, phụ trách bởi số nhân viên đại diện cho nhiều sắc dân.

Trong buổi liên hoan này, một nữ ký giả người Mỹ gốc Việt đã được mời đọc bài phát biểu chính. Cô Phuong Ly, tức Lý Yến Phương, đã từng làm việc cho báo The Washington Post từ năm 1999. Cô Phương đã đoạt hai giải thưởng toàn quốc nhờ các bài viết về các sắc dân khác nhau trong xã hội Hoa Kỳ.

Cô Phuong Ly đã kể lại những mẩu chuyện vui cô đã gặp trong sự nghiệp làm báo với tư cách là một người không phải bản xứ, và rút ra kinh nghiệm bản thân:

Qua nhiều năm trong nghề, cô Phương nhận ra rằng cô rất biết ơn sự khác biệt của mình. Chức năng của người ký giả là đem lại thông tin cho độc giả về sự vận hành trên thế giới, nếu mọi người đều giống nhau và có cùng một cách nhìn sự việc thì các bài viết sẽ rất nhàm chán. Chính sự khác biệt giữa các ký giả đã giúp họ làm công việc của mình tốt hơn.

Trong cuộc tiếp xúc với Minh Phượng sau buổi liên hoan, cô Phương cho biết cô đã cùng gia đình vượt biên năm 1978, sống 6 tháng tại một trại tỵ nạn và định cư tại tiểu bang North Carolina. Lên đại học, cô đã chọn ngành báo chí, một ngành mà rất ít phụ huynh Việt Nam muốn cho con theo.

Cô Phương đã thực tập tại báo Washington Post năm 1996 và trở lại làm việc cho báo này từ năm 1999.

VOA: Nguồn gốc Việt Nam có giúp ích gì cho nghề nghiệp của cô không?

“Thỉnh thoảng. Tôi được rèn luyện về giá trị của sự cần cù và quan hệ với những người không giống mình. Là những người mới đến Hoa Kỳ, chúng tôi phải học cách sống một lối sống khác, liên hệ với mọi người một cách khác. Và đó chính là công việc của một ký giả, nói chuyện với những người không giống mình, tiếp xúc với các cộng đồng đôi khi có thể làm mình cảm thấy thiếu thoải mái.”

VOA: Cô có nhận xét thế nào về cộng đồng người Việt ở vùng thủ đô nơi cô làm việc này?

“Ấn tượng mạnh nhất của tôi là sự đa dạng của khối người Việt ở đây. Có những người nghèo, có những người giầu; có những người mới đến, lại có những người đã đến từ trước khi chiến tranh kết thúc năm 1975, không giống như một số cộng đồng các sắc dân cùng đến Hoa Kỳ vào một thời điểm lịch sử nào đó. Họ làm đủ mọi thứ nghề, thuộc mọi từng lớp xã hội, tôn giáo.”

VOA: Cô có dịp nào trở lại Việt Nam và có theo dõi những biến chuyển trong nước hồi gần đây?

“Có, tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần, và có lần trong tư cách phóng viên. Vì hiện tượng toàn cầu hóa, tôi cho rằng ta sẽ phải chú trọng đến Việt Nam và Đông nam Á, và trong tư cách một ký giả, chứ không riêng vì là người Việt Nam, tôi phải theo dõi các biến chuyển tại đó.”

VOA: Cô có nhận định ra sao về những thay đổi qua những lần cô đi thăm Việt Nam?

“Tôi đã đi Việt Nam 3 lần tất cả, một lần vào năm 1996, một lần, rồi 2 năm sau đó, và lần chót là vào năm 2002. Mỗi lần tôi trở lại, là dường như mọi sự đều khác đi. Những tòa nhà mới mọc lên, mọi người làm đủ loại công việc, có sự đổi thay trong các thân nhân của tôi. Tôi nghĩ rằng từ khi có chính sách đổi mới, Việt Nam trải qua một giai đoạn rất hưng phấn. Tôi nôn nóng muốn trở lại Việt Nam trong vài năm nữa để chứng kiến những đổi thay, để thấy những quang cảnh mới, bộ mặt mới của thành phố, có thể tòa nhà mà tôi đã thấy cách đây 2 năm không còn nữa.”

VOA: Theo cô thì những thay đổi đó là tốt hơn hay xấu đi?

“Tôi cũng không biết nữa. Thay đổi luôn luôn vừa tốt vừa xấu. Ít nhất thì Việt Nam cũng không còn chiến tranh nữa, ngay bây giờ không có nạn đói, nhưng có rất nhiều thay đổi ta cần xét lại một cách cẩn thận, và bảo đảm là nhân quyền và mức sống của tất cả mọi người đều đi lên.”

VOA: Cô có dịp gặp những người trẻ tuổi như cô và có nhận xét ra sao về nhãn quan của họ đối với những gì đang xảy ra tại Việt Nam?

“Tôi có ấn tượng rất mạnh. Tỷ lệ người biết đọc biết viết tại Việt Nam rất cao. Mọi người đọc tin tức, và tôi thấy điều đó thật là hay bởi vì ở Mỹ mọi người coi đó là chuyện đương nhiên. Những người trẻ có các quan điểm rất khác nhau. Đa số người dân Việt Nam ở lứa tuổi dưới 25. Tôi nghĩ rằng đây là một giai đoạn rất hấp dẫn. Tôi không muốn nêu một nhận xét chung vì tôi không có dịp được gặp nhiều người như tôi mong muốn, nhưng tôi nghĩ có một bầu không khí tràn đầy hy vọng trong nước.”

VOA: Cô Phương cho biết cô vừa nghỉ việc tại báo Washington Post để làm ký giả tự do và sẽ cộng tác với nhiều tạp chí khác nhau. Cô sẽ cho xuất bản hai tuyển tập các bài viết của cô vào mùa thu năm nay. Minh Phượng hy vọng sẽ có dịp mời cô Phương nói chuyện thêm về các tác phẩm này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG