Hôm thứ Hai, 22 tháng 5, Hội Nghị các giới chức cấp cao APEC lần 2, được gọi tắt là SOM 2, đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh và sẽ kéo dài đến ngày 30 tháng 5. Nhân dịp này, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dành cho Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ một cuộc phỏng vấn liên quan đến hội nghị, do phóng viên Trần Nam thực hiện sau đây:
Hội nghị các quan chức cấp cao của SOM 2 APEC đã khai diễn sáng hôm thứ Hai tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là thành viên trong Ủy ban Quốc gia APEC cho biết thêm chi tiết về sự kiện này:
NGUYỄN THIỆN NHÂN: Như các bạn đã biết, ngay ngày giờ này đang diễn ra cuộc gặp các viên chức cao cấp của các nước thành viên gọi là SOM 2 tại thành phố HCM, và từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 3 tháng 6 sẽ diễn ra cuộc gặp các bộ trưởng thương mại ở đây. Chúng tôi đã chuẩn bị hết sức tích cực cho các sự kiện này.
VOA: Thưa ông, theo dự đoán của một số báo chí thì trong cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại tiếp theo sau hội nghị SOM 2, các Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ và Việt Nam có thể sẽ ký kết một thỏa thuận mở đường cho việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, thưa ông ông có ý kiến gì về tin này?
NGUYỂN THIỆN NHÂN: Cái đó chúng tôi cũng đã được nghe, nhưng chính thức thì chưa được công bố trong chương trình nghị sự. Nhưng nếu Việt Nam và Hoa Kỳ có thể làm điều đó trong dịp này thì đó là tín hiệu rất tốt. Sau các cuộc họp vừa rồi và thỏa thuận trên nguyên tắc tại Mỹ thì bước này sẽ có ý nghĩa của cả 2 nước cũng như đối với cộng đồng quốc tế.
VOA: Thưa ông trong hội nghị APEC sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 tới đây, thành phố Hồ Chí Minh có đại diện tham dự hay không, và nếu có thì với tư cách gì?
NGUYỄN THIỆN NHÂN: Theo chỗ tôi biết thì các nước thành viên APEC tham gia hội nghị này không những chỉ có những người đứng đầu chính phủ, các Bộ Ngoại giao hoặc Bộ Thương mại mà còn có đại diện các doanh nghiệp hoặc những nơi có ý nghĩa quan trọng của cuộc gặp. Cá nhân tôi hiện nay chưa biết chính thức là thành phố sẽ được mời bao nhiêu người như thế nào nhưng tôi tin chắc chắn rằng thành phố HCM sẽ có mặt với góc độ là đại diện lãnh đạo thành phố và giới doanh nhân thành phố HCM.
VOA: Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hội nghị APEC đối với Việt Nam nói chung, và đối với thành phố HCM, nói riêng?
NGUYỄN THIỆN NHÂN: Chúng tôi cho rằng cuộc gặp gỡ này hết sức là quan trọng. Từ xưa đến giờ chưa có khi nào Việt Nam đón những người đứng đầu các quốc gia hoặc những nền kinh tế có qui mô lớn như bây giờ. Và chúng tôi rất mong là một lúc nào đó trong cuộc gặp gỡ này sẽ có ký chính thức giữa Việt Nam và Mỹ để hỗ trợ Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới. Đối với thành phố Hồ Chí Minh thì đây là cơ hội vàng vì chưa bao giờ thành phó đón tiếp hơn 1,000 người quan tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa như bây giờ. Nhiều nguyên thủ quốc gia có lẽ lần đầu tiên sẽ tới Việt Nam và tới thành phố HCM .
VOA: Ông nghĩ như thế nào về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam một khi Việt Nam trở thành hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới?
NGUYỄN THIỆN NHÂN: Cái này thì chúng tôi ý thức rất rõ. Trước hết về cơ hội, nếu không phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới thì Việt Nam sẽ không có cơ hội thực hiện thương mại bình đẳng như các nước khác. Việt Nam sẽ chịu những hàng rào thuế quan cao hơn nhiều lần so với các nước khác. Đối với đầu tư của nước ngoài khi Việt Nam chưa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới thì họ cũng còn cái băn khoăn e dè bởi vì về mặt hình thức chúng ta chưa cam kết thực hiện các thủ tục, qui định hợp pháp như các nước khác. Nếu trở thành hội viên thì là tạo cơ hội để người ta tin mình và vào đầu tư nhiều hơn, và mình cũng buôn bán dễ hơn rất nhiều.
VOA: Còn về những thách thức, ông có thể nêu lên một số thách thức và khó khăn điển hình của Việt Nam?
NGUYỄN THIỆN NHÂN: Gắn liền với những cơ hội là nguy cơ vì chúng ta phải theo đúng vơi những chuẩn mực của quốc tế. Ví dụ hiện nay nhiều nước băn khoăn là hàng hóa Việt Nam xuất đi, cái xác định xuất xứ hàng hóa xuất đi có khi chưa rõ. Cũng có trường hợp vi phạm. Mình sản xuất ở đâu, nguồn gốc ở đâu, chuyện gì cũng phải rõ ràng. Hoặc là họ đưa công nghệ vào đây thì họ lo rằng cái đảm bảo chất lượng chưa tốt cho họ, có thể bị làm hàng nhái. Hoặc bán hàng nhập lậu mà nước khác sản xuất thì cái này mình cũng phải làm cương quyết, vì đây là lý lẽ của họ mà suy cho cùng thì cũng là lý lẽ của mình.
VOA: Cám ơn ông.