Việt Nam sẽ vận động Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn quy chế quan hệ mậu dịch bình thường vĩnh viễn, tức PNTR, và mở một vòng đàm phán đa phương mới về việc gia nhập WTO.
Tân Hoa Xã thuật lại tin của báo Vietnam News trích dẫn lời phó thủ tướng của Việt Nam cho biết như thế hôm thứ năm.
Theo báo này, ông Vũ Khoan nói rằng Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để được hưởng quy chế PNTR. Ông cho rằng có những dấu hiệu tích cực về vấn đề này từ phía Hoa Kỳ. Ông cho biết ý định sẽ yêu cầu Quốc hội Việt Nam giúp chính phủ trong việc vận động Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn quy chế PNTR.
Việt Nam đã kết thúc các cuộc đàm phán song phương về việc gia nhập WTO với đối tác gay go cuối cùng là Hoa Kỳ vào ngày 13 tháng này, mở đường cho việc Việt Nam gia nhập câu lạc bộ toàn cầu, có nhiều triển vọng là vào cuối năm nay, sau 11 năm thương nghị song phương và đa phương.
Ông Vũ Khoan nói rằng về phía Hoa Kỳ, Việt Nam còn phải hoàn thành 3 công tác nữa, đó là ghi thành văn kiện các cuộc thương lượng, ký văn kiện đó, và vận động Quốc hội Mỹ phê chuận quy chế PNTR.
Còn đối với các quốc gia thành viên WTO khác, Việt Nam sẽ mở một vòng đàm phán đa phương khác, có thể là vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Sau đó, Việt Nam sẽ đúc kết một báo cáo để được thu nhận.
Tuy nhiên, ông Vũ Khoan nói thêm rằng Việt Nam sẽ phải bổ sung các thỏa thuận vừa đạt được với các nước khác trước khi trình báo cáo cho WTO để cứu xét và chấp thuận.
Nhiều người cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ chính thức ký thự thỏa thuận chung quyết khi đại diện thương mại được chỉ định của Hoa Kỳ là bà Susan Schwab đến dự cuộc họp của các bộ trưởng kinh tế APEC dự trù diễn ra vào ngày 1 và 2 tháng 6 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Khoan cho biết Việt Nam đã ký thự các thỏa thuận về việc gia nhập WTO trên nguyên tắc trong các cuộc thương nghị song phương và chỉ còn chờ hoàn tất các cuộc thương nghị đa phương.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên, thứ trưởng ngoại giao Lê văn Bàng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng trở ngại gay go nhất sẽ là nội dung của thỏa thuận mà tổng thống Hoa Kỳ đề xuất với Hạ viện Mỹ. Ông Bàng nói rằng các thách thức khác có thể là vấn đề dân chủ, nhân quyền và các nhóm tôn giáo, nhưng Hoa Kỳ vừa xác nhận tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong các lãnh vực này.
Việt Nam xin gia nhập WTO từ năm 1995, và đã bắt đầu các cuộc thương nghị song phương với Hoa Kỳ từ năm 2002. Hoa Kỳ là đối tác cuối cùng của Việt Nam trong số tổng cộng 28 thành viên WTO, kể cả Australia, Nhật Bản, Trung quốc, và Brazil cần phải mở các cuộc thương nghị song phương.