Đường dẫn truy cập

Chính trị Hoa Kỳ: Sức mạnh của cộng đồng Châu Mỹ La Tinh


Dư luận đang trông đợi Thượng Viện Hoa Kỳ tiếp tục xem xét vấn đề thay đổi luật lệ di trú. Một số nhóm cổ xúy cho vấn đề người nhập cư gốc châu Mỹ La Tinh chọn ngày 1 tháng 5 để tổ chức “Một ngày tẩy chay kinh tế.” Đây sẽ là nỗ lực mới nhất nhằm áp lực đòi Quốc Hội phải giảm nhẹ các biện pháp được đề nghị nhằm chống lại những người nhập cư bất hợp pháp. Những cuộc biểu tình lớn diễn ra hồi gần đây trên khắp nước Mỹ đã khích động cộng đồng người Châu Mỹ La Tinh, và làm dấy lên một xu hướng mới, đó là một trào lưu chính trị mới có nhiều sức mạnh sẽ bùng lên từ nhóm dân thiểu số lớn nhất hiện nay tại Hoa Kỳ. Thông tín viên Bill Rodgers của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ có bài tường trình sau đây.

Si Se Puede” có nghĩa là “Ðược, điều đó có thể làm được” đã trở thành một khẩu hiệu được hô vang trong các cuộc tuần hành của hàng trăm ngàn người gốc Châu Mỹ La Tinh tại Hoa Kỳ. Những người tham gia biểu tình bày tỏ ủng hộ đối với việc sửa đổi luật lệ di trú. Những cuộc biểu tình phản đối này đã khởi sự từ khi Hạ Viện đưa ra một dự luật mà theo đó việc nhập cư bấp hợp pháp vào Hoa Kỳ sẽ là trọng tội. Những cuộc tuần hành này đã khích động cộng đồng người gốc châu Mỹ La Tinh và có thể sẽ trở thành một phong trào chính trị có sức mạnh.

“Hôm nay chúng tôi biểu dương lực lượng, ngày mai chúng tôi sẽ bỏ phiếu,” là một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ gởi đến các chính trị gia trong một năm bầu cử. Bà Mickey Ibarra, giám đốc một công ty tại Washington chuyên về những dịch vụ giao tế giữa công chúng và chính phủ. Bà Ibarra nói như sau.

Điều này rất quan trọng. Nhiều cuộc tuần hành diễn ra tại rất nhiều thành phố. Tôi cho rằng đây là một mốc đánh dấu sự trưởng thành về chính trị của cộng đồng người gốc châu Mỹ La Tinh. Thách thức đối với cộng đồng này hiện này là làm sao chuyển sự vận động thành công của cộng động này sang việc đăng ký đầu phiếu và vận động.

Theo nhà khoa học chính trị John Sides của Đại Học George Washington thì đây thực sự là một thách thức. Ông Sides giải thích rằng trong tổng số 16 triệu cử tri hợp lệ người gốc châu Mỹ La Tinh trong cuộc bầu cử năm 2004, chỉ có 7 triệu người tham gia bỏ phiếu. Tỉ lệ cử cử tri đi bỏ phiếu thấp có nghĩa là 41 triệu người gốc châu Mỹ La Tinh tại Hoa Kỳ đã không thể hiện được sự đại diện đầy đủ trên vũ đài chính trị.

Do đó mặc dù tỉ lệ người gốc Châu Mỹ La Tinh đang gia tăng trong tổng dân số của Hoa Kỳ, và đó là phần có tỉ lệ gia tăng cao nhất, song điều đó vẫn chưa chuyển được thành một sức mạnh chính trị tương xứng với sức mạnh của tổng số người.

Trước viễn cảnh một luật di trú mới khắc nghiệt hơn có thể sắp hình thành, những người Mỹ gốc châu Mỹ La tinh và những người lao động không có giấy tờ hợp lệ đã tập trung lại với nhau với những số người rất lớn. Mặc dù đó chưa phải là khởi sự cho một phong trào đòi nhân quyền, song chuyện này rõ ràng đã khuyến khích cộng đồng người châu Mỹ La Tinh.

Tôi nghĩ rằng điều rõ ràng và đã thể hiện rõ --đó là khi một vấn đề quan trọng nổi lên gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người gốc châu Mỹ La Tinh đã khiến họ sẵn sàng hành động để bảo vệ cho những lợi ích của họ đã thể hiện điều này giữ nơi công cộng. Tôi cho rằng điều đó đã phát đi một tín hiệu nhắc nhỡ các nhà làm luật rằng khu vực cử tri này đã đến lúc không còn hài lòng với việc đứng ngoài vũ đài chính trị nữa.

Các Thượng Nghị Sĩ đang cố đạt một thỏa hiệp để giải quết vấn đề di dân, nhằm tạo cho những người lao động không có giấy tờ hợp lệ một con đường giúp họ có thể hợp pháp hóa tình trạng lao động, và đối với một số người sau đó có thể xin nhập tịch. Tuy nhiên một dự luật đã được Hạ Viện thông qua tập trung vào việc tăng cường an ninh biên giới và trừng phạt đối với khoảng 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp trên đất Mỹ hiện nay.

Giải quyết những khác biệt này hiện là một thách thức đối với Đảng Cộng Hòa, tức là đảng hiện đang nằm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội. Theo bà Mickey Ibarra, người đã từng là một cố vấn cao cấp cho cựu Tổng Thống Bill Clinton, thì việc Đảng Cộng Hòa thu hút được sự ủng hộ của người gốc Châu Mỹ La Tinh có thể không còn nữa.

Chắc chắn là nếu những người của Đảng Cộng Hòa bị đổ lỗi, và theo quan điểm của tôi, họ đang phơi bày ra rất nhiều chỗ để bị đổ lỗi, và nếu họ bị buộc lỗi đã làm ra cái luật lệ để biến 12 triệu người lao động thành ra tội phạm, tôi nghĩ rằng cộng đồng người gốc châu Mỹ La Tinh cuối cùng sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Họ sẽ chỉ vào mặt và sẽ trừng phạt các đảng viên Cộng Hòa.

Chuyện này đã xảy ra tại bang California vào giữa thập niên 1990, khi mà đông đảo cử tri gốc Châu Mỹ La Tinh đã bỏ phiếu chống lại vị thống đốc thuộc Đảng Cộng Hòa lúc bấy giời là ông Pete Wilson, vì ông Wilson đã ủng hộ một biện pháp mang tên là Đề Nghị 187, theo đó sẽ không cho phép những người di dân bất hợp pháp được hưởng các dịch vụ công cộng.

Những sự việc như thế có lẽ vẫn còn trong trí nhớ của các nhà lập pháp, trong khi họ đang cố hình thành một khung luật lệ di dân mới. Năm nay là năm bầu cử, và những đảng viên Dân Chủ đối lập đang hi vọng sẽ giành được quyền kiểm soát Quốc Hội. Quyết định đầu phiếu của người gốc châu Mỹ La Tinh có thể sẽ quyết định kết quả của cuộc bầu cử.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG