Đường dẫn truy cập

Các đại biểu không chung quyết được một số quyết định chủ yếu trước ngày khai mạc Ðại Hội Ðảng


Vào lúc đại hội đại biểu đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, nhiều người trông đợi ban lãnh đạo sẽ được cải tổ. Nhưng trong khi các chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục con đường cởi mở kinh tế, đảng đã không chung quyết được một số quyết định chủ yếu trước ngày khai mạc; chẳng hạn như ai sẽ lãnh đạo đất nước trong thời gian 5 năm sắp tới, và các cải cách sẽ được thực hiện nhanh đến mức nào.

Chuyên gia về Việt Nam, ông Frederick Brown, một giáo sư tại trường đại học Johns Hopkins ở gần thủ đô Washington cho rằng Đại hội đảng có thể phải thực hiện nhiều quyết định hơn bình thường, sau khi phiên họp khoáng đại kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận về vấn đề lãnh đạo.

Nhiều người chờ đợi thủ tướng Phan Văn Khải năm nay 72 tuổi và chủ tịch Trần Đức Lương, 68 tuổi, sẽ từ chức. Đảng cũng sẽ quyết định liệu có giữ ông Nông Đức Mạnh, 65 tuổi, ở lại chức vụ tổng bí thư hay không. Các cơ may của ông Mạnh ở lại chức vụ có thể đã sút giảm vì vụ tai tiếng tham nhũng PMU-18 đã khiến bộ trưởng Giao thông Vận tải phải từ nhiệm và nhiều viên chức trong bộ này bị bắt giữ.

Giáo sư Brown nói rằng sự đáp ứng bất thường từ phía các đảng viên trong năm qua đã khiến tiến trình thực hiện quyết định cho đảng trở nên phức tạp hơn, và nay đảng lại còn phải đứng trước các quyết định quan trọng có tính cách lâu dài trong đại hội tuần này.

“Bất cứ ai tìm cách tiên liệu hay dự đoán những gì đang xảy ra bên trong Đại hội đảng cộng sản Việt Nam chắc hẳn phải có những nguồn tin rất tốt, bởi vì tôi không cho là chính đại hội biết được. Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận về những vấn đề cơ bản: chẳng hạn như tốc độ và tầm vóc của diễn tiến cải cách kinh tế tại Việt Nam. Cải cách chính trị sẽ rất chậm chạp, nếu có. Tôi nghĩ sự kiện đó đã quá rõ qua các diễn tiến tại Việt Nam trong vòng 5 hay 10 năm qua.”

Tăng trưởng kinh tế bộc phát của Việt Nam và đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều cho thấy có sự chuyển biến hướng tới các cải cách theo đường hướng thị trường, nhưng chính phủ đang lo lắng về tình trạng tham nhũng, mà đảng cũng thừa nhận là một vấn đề quan trọng phải đối phó nếu muốn duy trì tính khả tín với nhân dân. Vụ tai tiếng đã được các cơ quan truyền thông nhà nước mạnh bạo tường thuật và đã khơi ra những lời bình chưa từng có từ trước đến nay từ phía công chúng, cũng như từ phía các nhân vật kỳ cựu như tướng Võ Nguyên Giáp, người đã lên tiếng kêu gọi Đại hội thẳng tay chống tham nhũng.

Trong khi vạch ra những sách lược của Việt Nam trong 5 năm sắp tới, các giới hữu quan sẽ phải chú tâm đến sự cần thiết phải quân bình các quan hệ lâu đời với lân bang phía bắc Trung Quốc và nước cựu thù Hoa Kỳ. Việt Nam đã theo gương đồng minh chính trị Trung quốc mô phỏng hệ thống kiểm soát chính trị chặt chẽ và các thị trường mở rộng. Nhưng giáo sư Brown cho rằng Việt Nam còn cần phải đẩy mạnh các quan hệ đang cải thiện với Hoa Kỳ, là đối tác thương mại số 1 trong khi tìm cách hòa nhập thêm vào nền kinh tế toàn cầu để được thu nhận vào WTO.

“Tôi cho rằng Đảng đã thực hiện quyết định và họ sẽ không làm gì gây phương hại đến Đảng hay đến quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời họ cũng sẽ tiếp tục khẳng định và mở rộng một cách thận trọng bang giao với Hoa Kỳ. Họ làm như thế là vì quyền lợi quốc gia. Tôi nghĩ rằng họ không chuyển đổi từ quan hệ nọ sang quan hệ kia, họ đang xử lý cả hai quan hệ cùng một lúc và theo ý tôi, một cách thận trọng và hợp lý.”

Đó là ý kiến của giáo sư Frederick Brown, chuyên gia về Việt Nam tại trường đại học Johns Hopkins, do trưởng ban Việt Ngữ Michael Mathes ghi nhận trong cuộc phỏng vấn bằng điện thoại hôm thứ hai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG