Hiện tượng di dân từ những nước nghèo, kém phát triển và có xáo trộn sang những nước ổn định và có cuộc sống khá hơn, không phải là một hiện tượng mới mẻ. Nhưng theo tường trình của Thông Tín Viên Zlatica Hoke, hiện tượng di dân trên toàn cầu nhiều khi có liên hệ đến tội phạm quốc tế.
Khi đến giữa thế kỷ này, dân số thế giới có thể lên đến 9 tỉ, so với 6 tỉ hiện giờ. Các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Indonesia và Nigeria chiếm hơn phân nửa con số 3 tỉ người có thêm này. Các nhà dân số học dự báo là sức ép về dân số này sẽ dẫn đến nhiều cuộc di cư từ những nước đang phát triển sang những nước công nghiệp hóa ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia; hoặc từ nông thôn ra thành thị. Một vài nhà phân tích nói rằng hiện tượng di cư này sẽ làm gia tăng các hành động tội phạm.
Bà Loretta Napoleoni, một nhà kinh tế xã hội học ở bên Anh nêu ra phúc trình của tổ chức chống khủng bố và chống Mafia của nước Italy, trong đó cho thấy là mức tội phạm tại Italy đã leo thang trong vòng 20 năm qua, trùng hợp với những đợt di dân lớn lao, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Mức tội phạm này không chỉ đến từ một nhóm di dân đặc biệt nào, ví dụ như đến tự Bắc Phi, mà đến từ nhiều nhóm. Nhất là các nhóm đến từ Trung Quốc . Tại Italy các vụ tội phạm do người Trung Quốc gây ra đã gia tăng đều đặn, và chịu sự kiểm soát của các băng đảng mafia gốc Trung Quốc.
Bà Napoleoni còn nói rằng nhiều di dân gốc Trung Quốc, Albani, và các nước khác đã can dự vào nhiều vụ hình sự, trong đó có buôn người, ma túy, vũ khí, mại dâm, tống tiền, tẩy tiền và làm bạc giả. Ngoài ra, cón một chuyện nữa, là các tội ác xảy ra tại các nước Tây Âu do các nhóm di dân thực hiện đã leo thang, kể từ khi khối cộng sản Soviet sụp đổ.
Có nhiều di dân đến được các nước phương Tây là nhờ sự giúp đỡ về di chuyển, giấy tờ, và qua được các trạm kiểm soát biên giới. Đa số những kẻ đứng ra giúp đỡ đều là những kẻ phạm tội hình sự, vì đã bán những thứ giấy tờ giả mạo hoặc đánh cắp, giấy thường trú, giấy bảo trợ hoặc chỉ là đưa người vượt biên. Những người được giúp đỡ sau đó thường trở thành nạn nhân của những vụ lao động bóc lột, hoặc những công việc mờ ám do các băng đảng di dân tổ chức.
Một vài nhà phân tích nói rằng hầu như mạng lưới gây tội ác quốc tế nào cũng trông cậy vào cộng đồng thiểu số có cùng quê với mình làm điểm tựa cho các hoạt động của mạng lưới mình.
Ông Devesh Kapur, giáo sư môn quản lý công quyền tại trường đại học Texas ở thành phố Austin nói rằng sở dĩ có hiện tượng này là vì, giống như các doanh nghiệp , các băng đảng gây tội ác sống nhờ vào sự tin cậy và nội quy thưởng phạt riêng biệt.
Do đó, nếu bạn là một người buôn bán ma túy đến từ Colombia, và nếu bạn bán sản phẩm đó cho một đối tác ở Hoa Kỳ và đối tác này không chịu trả tiền thì vấn đề đặt ra là làm sao bạn có thể buộc người đó thi hành những cam kết. Đối với một doanh nghiệp hợp pháp thông thường, ta có thể đưa người đó ra tòa. Nhưng vì đây là một hoạt động bất hợp pháp nên ta không thể làm như thế được.
Chính vì lẽ đó, bạn cần đến các băng đảng gây tội ác quốc tế, ví dụ như băng đảng buôn người, buôn ma túy. Bạn cần đến các băng đảng này vì như vậy sẽ dễ dàng hơn cho bạn giải quyết những hợp đồng trong nội bộ của một cộng đồng. Nói một cách tổng quát, một khi khó thực thi một hợp đồng theo kiểu bình thường, ta phải nhờ đến các mạng lưới các cộng đồng di dân.
Giáo sư Kapur nêu ra trường hợp các băng đảng mafia của Italy hoạt động từ lâu nay tại Hoa Kỳ, là một ví dụ điển hình. Nhưng bây giờ có thêm các băng đảng của Albani, Nigeria, Trung Quốc, Nga và nhiều quốc tịch khác trên khắp các nước phương Tây.
Nhiều người Mỹ và nhiều người Châu Âu đã tỏ ra mệt mỏi trước làn sóng người mới đến, trong đó họ xem có nhiều người là thủ phạm của những tệ đoan xã hội, từ những vụ cắp vặt cho đến khủng bố.
Nhưng cũng có nhiều nhà phân tích cho rằng mức độ phạm tội của người bản xứ cũng đâu thua gì những người di dân. Một trong những nhà phân tích này là bà Belinda Reyes, giáo sư về di dân, màu da và sắc tộc tại trường đại học California, thành phố Merced:
Nếu ta xem thống kê về cướp của, giết người, và các tội khác, người di dân có xu hướng phạm ít hơn người bản xứ. Một số nhà nghiên cứu xem xét các thành phố hoặc các khu thị tứ, và nhìn đến tỷ lệ phạm tội ác của những di dân. Rồi họ thấy rằng người di dân không phạm nhiều tội ác. Chẳng những thế, sự có mặt của người di dân còn làm tỷ lệ phạm tội ở của khu đô thị giảm đi.
Giáo sư Reyes nói rằng các con số thống kê này tính luôn cho cả những di dân không có giấy tờ hợp lệ. Một vài cuộc thăm dò cho thấy nhiều thành phố Hoa Kỳ có số di dân đông đảo không nhất thiết có tỷ lệ phạm tội cao nhất. Lấy ví dụ như thành phố El Paso trong tiểu bang Texas, là thành phố có số dân đẻ ở bên ngoài nước Mỹ đông hơn số dân đẻ tại Mỹ. Di dân cũng được ca ngợi là đã biến những khu vực trước đây nghèo khổ và có nhiều tội ác thành những khu vực buôn bán sinh động.
Ông Vincent Gawronski, giáo sư chính trị học tại trường cao đẳng Birmingham trong tiểu bang Alabama nói rằng đa số di dân đến các nước phương Tây là để tìm công ăn việc làm hợp pháp. Ông cũng nói rằng cần phân biệt giữa tội phạm có tổ chức và tội phạm bắt nguồn từ tuyệt vọng.
Một số công trình nghiên cứu của tôi là về tác động của những vụ thiên tai lớn lao tại châu Mỹ Latinh. Một trong những điều khá lạ lùng mà tôi phát hiện , là sau khi có một trận thiên tai lớn, có phong trào di dân từ vùng quê ra thành phố, và một phong trào di dân từ các nước nghèo sang các nước giàu. Các nông dân đi ra các thành phố lớn không có nhiều cơ hội. Họ thất vọng và nhiều người tham gia những vụ phạm tội nho nhỏ, để có thể tồn tại. Hiện tượng đó cũng giống như đã xảy ra đối với những di dân đến Hoa Kỳ hoặc các nước phương Tây. Nhiều người vì quá tuyệt vọng đôi khi không thể làm gì khác hơn là phải làm những chuyện mà bình thường họ không nghĩ tới.
Giới chức Gawronski nói rằng một trong những biện pháp giải quyết nạn di dân là các quốc gia gốc của họ phải tạo thêm nhiều cơ hội có công ăn việc làm để có thể giữ chân họ lại. Mặt khác, nhiều chuyên gia nói rằng các nước phương Tây phải có những cơ chế bảo vệ người di dân hợp pháp lẫn bất hợp pháp, giúp họ khỏi trở thành nạn nhân của những kẻ gây tội ác.