Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói những biến đổi trong hình thức H5N1 virút cúm gia cầm gây tử vong nhiều hơn nơi loài cầm điểu, nhưng không đe dọa sức khỏe con người.
Hôm thứ Hai, Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói các vụ lây nhiễm cúm gia cầm nơi người vẫn hiếm hoi. Tổ chức này nói rằng virút cúm gia cầm dường như không dễ dàng lây lan từ cầm điểu sang người, mặc dù virút này đã giết chết 92 người trên khắp thế giới tính từ năm 2003, mà chủ yếu là tại Châu Á.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới nói những biến đổi của virút mới đây đã khiến nó khó kiểm soát hơn, và Tổ Chức Y Tế Thế Giới tiên đoán bệnh cúm gia cầm sẽ tiếp tục lây lan trên khắp thế giới.
Tin loan đi trước đó cho biết các giới chức Ấn Độ đã cách ly 6 người tại một thị trấn nhỏ. Sáu đương sự biểu hiện những triệu chứng giống như bệnh cúm, và cùng với hai người khác, nhóm người này đang được xét nghiệm để xác định liệu họ có bị nhiễm H5N1, là hình thức virút cúm gia cầm có nguy cơ gây tử vong, hay không.
Ấn Độ đang tiếp tục giết bỏ hàng ngàn cầm điểu ở bang Maharastra ở miền Tây. Hình thức virút H5N1 đã được phát hiện trong 30 ngàn cầm điểu đã chết tại bang này trong tuần trước.
Cùng ngày thứ Hai tại Nigeria, các giới chức xác nhận virút H5N1 lây lan sang 2 tiểu bang phía Bắc, kể cả thủ đô Abuja.
Các Bộ Trưởng Nông Nghiệp Châu âu kêu gọi dân chúng chớ nên hoảng hốt. Sau khi virút H5N1 được phát hiện trong các chim hoang dã, thịt gà không bán được trên thị trường Pháp và Đức.
Tính cho tới nay, 6 nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu: Đức, Pháp, Áo, Hy Lạp, Italia và Slovenia đã phát hiện virút H5N1 trong các loài chim hoang dã.
Các giới chức Bosnia-Herzegovina xác nhận 2 con thiên nga đã chết vì cúm gia cầm, nhưng cần thực hiện các cuộc xét nghiệm chi tiết hơn để xem có phải virút H5N1 là nguyên nhân gây ra những cái chết này hay không.