Hôm thứ hai, thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thủ đô Washington để mở cuộc hội kiến lịch sử với tổng thống Bush. Cũng hôm qua, một cuộc điều trần trước Ủy ban Quan hệ quốc tế của Hạ viện Hoa Kỳ về nhân quyền tại Việt Nam đã được tổ chức.
Nhân vật chính trong buổi điều trần này là nữ dân biểu Nina Shea, phó chủ tịch Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hạ viện, và buổi điều trần còn qui tụ đại diện của nhiều tổ chức của người Việt tại hải ngoại. Thông tín viên Lan Phương của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA đã có mặt tại buổi điều trần và gởi đến quí vị các chi tiết sau đây, mời quí vị theo dõi:
Trước mặt các bạn đồng viện như dân biểu Chris Smith, Ed Royce, Donald Payne, phó chủ tịch ủy ban Tự Do tôn Giáo Quốc Tế, bà Nina Shea phát biểu rằng chiến tranh Việt Nam đã kết thúc từ 30 năm nay, và mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã được tái lập được 10 năm, đôi bên đã đạt được nhiều tiến bộ về phương diện như mậu dịch, Việt Nam sẽ được thu nhận vào Tổ Chức thương Mại Thế giới, mối quan hệ quân sự đang phát triển với những chiến hạm của Hoa Kỳ ghé thăm các bến cảng của Việt Nam, và giới trẻ Việt Nam rất ái mộ nước Mỹ.
Tuy nhiên, bà nói: Vẫn còn những vấn đề tồn đọng nhất là trong lãnh vực nhân quyền, kể cả quyền tự do tín ngưỡng. Bà nêu lên rằng không thể gạt những vấn đề này sang một bên, mà tổng thống Bush nên nhân chuyến viếng thăm của thủ tướng Phan Văn Khải để nói cho ông biết rằng tại sao nhân quyền lại là mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại và tại sao lại phải cần có tiến bộ về nhân quyền trước khi 2 nước có thể đi đến sự hợp tác đầy đủ trong những quyền lợi song phương khác. Nữ dân biểu Shea nêu lên rằng, trong 15 năm qua, những quan hệ mật thiết hơn về kinh tế và thương mại với Hoa Kỳ có thể khuyến khích Việt Nam cải tổ kinh tế và Việt Nam dần dần được lôi cuốn vào hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các luật lệ. Tuy nhiên các bằng chứng cho thấy là những tiến bộ kinh tế đó chưa đem đến quyền tự do chính trị rộng rãi hơn cho các công dân Việt Nam.
Nhận định về tình hình nhân quyền và tự do tại Việt Nam hiện nay, bà thấy rằng tuy Việt Nam đã là một xã hội trong đó người dân bớt bị áp bức hơn trước đây, nhưng từ khi hiệp đinh song phương được ký kết năm 2001, tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Người Thượng đòi đất đai và quyền tự do tín ngưỡng bị đàn áp thẳng tay, vụ cầm tù bác sỹ Phạm Hồng Sơn và nhiều người khác vì họ đưa bài lên Internet phê bình chính phủ, các ký giả bị bịt miệng và cầm tù vì họ phơi bày tình trạng tham nhũng và những vụ bắt bớ nhiều nhân vật trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, mặc dù thủ tướng Phan Văn Khải có hứa hẹn là sẽ nới lỏng áp lực đối với giáo hội.
Ủy ban Hạ Viện đã theo dõi sát những diễn biến tại Việt Nam và nhân viên của ủy ban đã đến Việt Nam, thiết lập các cơ quan hệ với các lãnh tụ tôn giáo, các học giả và những người tranh đấu cho nhân quyền ở bên trong và bên ngoài Việt Nam.
Kể từ khi Việt Nam bị liệt kê vào danh sách những quốc gia cần đặc biệt quan tâm, vấn đề tư do tín ngưỡng tại Việt Nam đã được cả hai nước xúc tiến. Bên phía Việt Nam đã đưa ra một số đáp ứng nhờ những nỗ lực ngoại giao lớn lao của Hoa Kỳ cũng như những áp lực nhắm vào Việt Nam khi nước này bị liệt kê vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt.
Và trong tương lai, điều này có thể cải thiện cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Tuy nhiên, người ta không thể tin tưởng vào những lời hứa suông từ phía Việt Nam.
Bằng chứng là vẫn còn những quan ngại lớn về tự do tôn giáo mà Việt Nam chưa đáp ứng, cụ thể là các lãnh tụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhật vần còn bị sách nhiễu, bị cầm tù, và chưa hề có một khung pháp lý nào để cho Giáo Hội này cùng với các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, và nhiều tôn giáo khác được đăng ký và hoạt động biệt lập và có những lãnh đạo do chính các giáo hội đó chọn lựa.
Một con số ước tính chừng 100 tù nhân tôn giáo bị giam giữ hay quản chế, tuy nhiên con số thực sự khó ai biết được vì hệ thống tư pháp Việt Nam thiếu minh bạch. Và hàng trăm nhà thờ, các trung tâm hành đạo tại gia và những nơi hội họp tôn giáo bị đóng cửa và một vài nơi tín đò vẫn bị cưỡng bách bỏ đạo.
Bà nêu câu hỏi: nhân quyền vẫn tiếp tục là một vấn đề tại Việt Nam và nước Mỹ có thể làm được gì ?
Sau đây là những đề nghị của ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế qua lời trình bày của nữ dân biểu Nina Shea:
Không thể hủy bỏ tình trạng đáng quan tâm đặc biệt cho Việt Nam nếu không có những tiến bộ cụ thể.
Những chương trình ngoại giao và viện trợ cho Việt Nam phải được đặt lại ưu tiên nhắm tới mục tiêu thăng tiến tự do tôn giáo và nhân quyền.
Những chương trình viện trợ không có tính cách nhân đạo đang bị giảm bớt ngoại trừ khoản tài trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS và các chương trình giúp Việt Nam gia nhập tổ chức thương Mại Thế giới.
Ủy Ban đã có đề nghị đặc biệt để Quốc Hội và chính Quyền đưa ra những hành động trong các lãnh vực ngoại giao, phát triển kinh tế, giáo dục, cai trị đúng đắn, và phát huy pháp quyền tại Việt Nam.
Hiện diện trong buổi điều trần, người ta thấy dại diện các đoàn thể tranh đầu cho tôn giáo và nhân quyền như Human Rights Watch với bà Minky Worden:
Bà điểm qua những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, đó là kiểm soát quyền tự do bày tỏ ý kiến, hạn chế gắt gao việc sử dụng Internet, ngăn chặn các trang Web bị coi là chống đối về mặt chính trị, bắt buộc người sử dụng các quán cà phê Internet phải cung cấp thông tin lý lịch cá nhân, đóng cửa Website đã giăng lại tin của đài BBC về cuộc biểu tình của người Thượng vào ngày lễ Phục Sinh tại vùng Cao Nguyên Trung Phần, bắt bớ , tù đầy những người bất đồng chính kiến và những nhà tranh đấu cho dân chủ như trường hợp bác sỹ Phạm Hồng Sơn, các ông Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, và những vụ đàn áp tôn giáo, từ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất đến Hòa Hảo, Tin Lành Mennonite, hạn chế các giáo phận Công giáo, buộc người Thượng phải từ bỏ tôn giáo hoặc phải theo các giáo hội do chính phủ thừa nhận,v..v
Và công an vẫn thường xuyên bắt giữ và câu lưu người dân mà không có trát tòa. Tù nhân bị biệt giam, tra tấn, điều kiện trong các nhà tù tồi tệ cùng cực, và cảnh sát vẫn sử dụng các hình thức tra tấn đối với người bị họ giam giữ.
Bà đề nghị hày gia tăng áp lực để buộc chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Ngoài ra còn có các đại diện của những đoàn thể người Việt hải ngoại như các ông Nguyễn đình Thắng, Giám đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, trình bày về trường hợp của nhiều người bị ngăn chặn không được cấp xuất cảnh sang định cư ở nước khác, tình trạng tham nhũng lan rộng tại Việt Nam đã gây trở ngại cho nhiều người trong diện con lai không cách gì có được giấy xuất cảnh vì không có tiền hối lộ.
Trong năm ngoái, Việt Nam đã không hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ để mở lại chương trình HO. Ông cũng bày tỏ lo ngại về những người chạy trốn sang các nước láng giềng bị ngược đãi va những người Thượng bị cưỡng bách hồi hương, và về vấn đề buôn người.
Theo ông, mỗi năm có hàng chục ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị đưa sang các nước khác để bị bóc lột sức lao động và bán cho ngành mại dâm. Việt Nam từ chối không chịu bồi thường thiệt hại 3 triệu 500 ngàn đô la cho 321 nạn nhân lao động bị đưa sang đảo Samoa, một lãnh địa của Hoa Kỳ, đã bị bóc lột tàn tệ, mặc dù tòa thượng thẩm tại nơi này đã ra phán quyết trong vụ án Daewoosa, và tòa án Việt Nam không chịu truy tố phó giám đốc Quản Trị Xuất Khẩu Lao động thuộc bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội.
Ông Võ Văn Ái, Giám Đốc Văn Phòng Thông Tin Phật giáo Quốc Tế, phát ngôn viên hải ngoại cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, dẫn chứng về tình trạng đàn áp Phật giáo và vi phạm nhân quyền như trường hợp của hòa thượng Thích Quảng độ, Thích Huyền Quang, các thượng tọa Thích Đức Chơn, Thích Thanh Quang, Thích Thiện Minh v..v.. và ông cũng nêu lên rằng Pháp Lệnh tôn giáo có hiệu lực từ tháng 11 năm 2004 hoàn toàn không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, mà thực ra chỉ là để dễ bề kiểm soát tôn giáo gắt gao hơn.
Một thanh niên tỵ nạn người Thượng, anh Y-Khim Nie, đã xuất hiện trước cuộc điều trần , trình bày về hoàn cảnh gia đình anh tại Việt Nam. Vợ con anh liên tiếp bị làm khó dễ và không đước cấp giấy xuất cảnh mặc dù họ đã được chính phủ Mỹ chấp thuận cho đi đoàn tụ. Và câu hỏi anh nêu lên tại cuộc điều trần tại Hạ Viện là: Tại sao chúng tôi lại không được quyền sống như những con người ?
Quí vị vừa nghe tường trình về buổi điều trần trước Ủy Ban Quan Hệ Quốc Tế tại Hạ Viện Hoa Kỳ về tình trạng đàn áp nhân quyền tại Việt Nam ngay cùng ngày thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm thủ đô Washington.